Hiệu quả từ trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC

Huyện Sơn Dương đã quy hoạch trên 35.000 ha rừng trồng sản xuất phục vụ công nghiệp chế biến gỗ. Để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, năm 2018, UBND huyện Sơn Dương phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển nông lâm nghiệp Phú Lâm thực hiện dự án phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn rừng quốc tế FSC với hơn 1.894 ha tại 2 xã Tú Thịnh và Cấp Tiến.

Ông Lý Văn Đoàn (bên trái), thôn Thái Bình, xã Cấp Tiến (Sơn Dương)
chăm sóc rừng keo 5 năm tuổi của gia đình.

Huyện và các xã đã thành lập Ban đại diện FSC với sự tham gia của các nhóm hộ thực hiện dự án. Để thực hiện thành công dự án, Công ty cổ phần Phát triển nông lâm nghiệp Phú Lâm đã mời chuyên gia khảo sát diện tích rừng ban đầu cho nhóm hộ. Trong quá trình thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, Ban đại diện FSC của huyện tổ chức hội thảo, tập huấn phổ biến 10 nguyên tắc FSC cho người dân.

Sau gần 1 năm thực hiện dự án, hơn 1.894 ha keo đã được Tổ chức FSC công nhận và cấp chứng chỉ FSC Qualifor quốc tế. Để đầu ra sản phẩm ổn định, Công ty cổ phần Phát triển nông lâm nghiệp Phú Lâm đã liên kết với Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang là đơn vị chế biến gỗ xuất khẩu FSC sang thị trường các nước châu Âu thu mua sản phẩm keo cho bà con. Công ty cổ phần Phát triển nông lâm nghiệp Phú Lâm hỗ trợ người dân 2 triệu đồng/1 ha sau thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Tranh, thôn Cầu Quất, xã Tú Thịnh cho biết, gia đình có gần 3 ha keo được cấp chứng chỉ FSC. Trước đây, do trồng rừng không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất thấp, giá bán cũng không ổn định, bị thương lái ép giá. Sau khi thực hiện chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC, rừng của gia đình được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng gỗ được nâng lên. Được cấp chứng chỉ FSC giá bán gỗ cao hơn từ 10 - 15% so với trước kia. Trong năm 2019, gia đình được thu hoạch khoảng hơn 2 ha keo, trừ chi phí thu lãi 100 triệu đồng.

Ông Lý Văn Đoàn, thôn Thái Bình, xã Cấp Tiến có 5 ha rừng keo 5 năm tuổi vừa được cấp chứng chỉ rừng quốc tế. Ông Đoàn cho biết, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch rừng theo tiêu chuẩn rừng quốc tế khác nhiều so với tập quán canh tác trước đây. Theo đó, người làm rừng phải có bảo hộ đầy đủ trong quá trình chăm sóc, thu hoạch rừng, không dùng thuốc trừ cỏ, không vứt bừa bãi rác thải làm ảnh hưởng đến môi trường rừng, không được săn bắt các loài động vật rừng, trước khi trồng rừng không đốt thực bì… Đây là sự thay đổi về tư duy để người dân có thu nhập cao hơn từ kinh tế rừng.

Từ hiệu quả bước đầu những cánh rừng được cấp chứng chỉ FSC mang lại, huyện Sơn Dương đang tiếp tục rà soát diện tích rừng tại 3 xã Hợp Thành, Minh Thanh, Lương Thiện với tổng diện tích hơn 2.959 ha để thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ FSC trong năm 2019. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp chế biến với doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp, HTX và nhóm hộ trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên, hướng đến phát triển rừng hiệu quả, bền vững.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/hieu-qua-tu-trong-rung-theo-tieu-chuan-quoc-te-fsc-121413.html