Hiệu quả từ việc cải tiến xe tra nạp nhiên liệu

Đến Trung đoàn Vận tải 653 (Cục Hậu cần Quân khu 3), chúng tôi được chỉ huy đơn vị giới thiệu nhiều về sáng kiến cải tiến xi-téc và lắp đặt đồng hồ đo nhiên liệu trên xe tra nạp xăng, dầu của Trung tá QNCN Phạm Sỹ Hưng, nhân viên Ban Hậu cần.

Trò chuyện với anh Hưng tại khu kỹ thuật trung đoàn, chúng tôi được biết, năm 2016, Trung đoàn 653 được cấp trên trang bị xe tra nạp nhiên liệu do Trung Quốc sản xuất. Chiếc xe này trên xi-téc chỉ có một cổ tra nạp, nắp cổ tra nạp rất thấp, chỉ khoảng 5cm. Giữa các khoang trong xi-téc không có đường nối thông không khí với nhau. Vì vậy, khi xi-téc nạp đầy nhiên liệu, quá trình vận chuyển trên đường, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nếu xe vận chuyển phải lên, xuống dốc, hãm phanh liên tục sẽ sinh ra ma sát làm cho nhiên liệu giãn nở, tăng áp suất, dễ gây ra cháy, nổ, mất an toàn. Ngoài ra, do đường xả nhiên liệu không có đồng hồ đo lưu lượng nên rất khó xác định chính xác lượng nhiên liệu cấp phát. Nếu phải cấp phát lẻ cho các xe hành quân cơ động, nhân viên xăng dầu và các lái xe thường phải dùng dụng cụ chứa đựng, đong đo thủ công, vừa dễ gây mất an toàn, hao hụt nhiên liệu, lại ảnh hưởng đến quá trình hành quân. Là người trực tiếp tham gia cấp phát xăng dầu, Trung tá QNCN Phạm Sỹ Hưng đã nhận thấy các bất cập trên và quyết tâm nghiên cứu cải tiến bộ phận xi-téc, lắp đặt đường ống cấp phát lẻ có đồng hồ đo tại vòi.

Trung tá QNCN Phạm Sỹ Hưng (đầu tiên, bên phải) hướng dẫn cách sử dụng vòi tra nạp vừa được cải tiến.

Đối với cổ téc, anh tận dụng bộ nắp nguyên bản của xe, sau đó gia công thêm một cổ téc mới có kết cấu tương tự, kích thước bằng cổ téc cũ, nhưng nay nâng cao lên 30cm. Cổ téc mới được làm bằng thép chuyên dụng, sau đó hàn lại bảo đảm độ kín khít. Còn đường ống thông hơi, anh Hưng sử dụng ống kẽm chuyên dùng nối lên trên cổ téc rồi được dẫn ra van một chiều để đưa khí ra ngoài. Bằng cách này, khi nhiên liệu được nạp vào các khoang của xi-téc, áp suất không khí tăng lên sẽ đẩy mở van một chiều, đưa không khí ra ngoài, làm giảm áp suất tại chỗ. Ngoài việc cải tiến lại 2 bộ phận trên, anh Hưng đã mua đồng hồ đo về, rồi gia công cụm chi tiết đấu nối (gồm có khóa van) với đường ra trên xe. Nhờ đó, quá trình cấp nhiên liệu, nhân viên có thể kiểm tra, biết chính xác lượng nhiên liệu cấp cho các phương tiện khác.

Đánh giá về hiệu quả của sáng kiến, Thượng tá Phạm Văn Hưng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 653 nói: Sau khi hoàn thành sáng kiến, trung đoàn đã tổ chức thực nghiệm và nhận thấy, khi xe xi-téc vận chuyển nhiên liệu và cấp phát cho các xe khác trong hành quân cơ động, xi-téc đảm bảo độ kín, khít, không bị rò rỉ nhiên liệu. Bộ đồng hồ đo nhiên liệu hoạt động ổn định, chính xác, đảm bảo độ tin cậy cao. Sáng kiến ra đời đã giúp trung đoàn rất nhiều trong quá trình cấp phát nhiên liệu, nhất là khi làm nhiệm vụ đột xuất, hành quân dã ngoại, đi theo đội hình nhiều xe trên đường dài, trong khi giá thành không cao, vật tư dễ tìm kiếm, sử dụng thuận tiện. Chiếc xe tra nạp sau khi cải tiến đã được cơ quan chức năng đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn, được phép lưu hành vận chuyển nhiên liệu. Đặc biệt, sáng kiến này đã được giải A tại Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình trang thiết bị hậu cần năm 2018 do Quân khu 3 tổ chức.

Bài và ảnh: VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/cuoc-thi-viet-bo-doi-hau-can-lam-theo-loi-bac-ho-day/hieu-qua-tu-viec-cai-tien-xe-tra-nap-nhien-lieu-604471