Hiệu quả việc luân chuyển cán bộ ở Khánh Hòa

Luân chuyển giúp cán bộ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời nơi cán bộ luân chuyển đến cũng được tăng thêm nguồn lực cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đó là thực tế ở Khánh Hòa dù tỉnh còn nhiều việc phải làm để công tác này mang lại hiệu quả cao hơn.

Quyền Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương Nguyễn Chánh Thức (thứ hai từ phải sang), cán bộ luân chuyển, hội ý cùng lực lượng quân sự địa phương.

Kết quả bước đầu

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Khánh Hòa Trần Mạnh Dũng vẫn nhớ rất rõ những ngày công tác ở huyện miền núi Khánh Sơn. Là Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, tháng 4-2012, anh được luân chuyển về công tác tại UBND huyện Khánh Sơn, cách TP Nha Trang 100 km. Đây là một huyện miền núi, địa bàn phức tạp, dân cư chủ yếu là người Ra Glai, đời sống kinh tế - xã hội còn khó khăn. Nhận quyết định làm Chủ tịch UBND huyện, anh không khỏi lo lắng. Mọi việc đều phải học; rồi phải đi cơ sở nắm tình hình, tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc Ra Glai; phải nghiên cứu, xác định đâu là thế mạnh, điểm yếu của địa phương để xây dựng định hướng phát triển... Nhưng ở Khánh Sơn, anh học được nhiều điều, về quản lý, về cách xử lý các sự việc diễn ra trên địa bàn. Đây là điều hết sức quý giá, giúp anh hoàn thành nhiệm vụ.

Để luân chuyển cán bộ hiệu quả, Huyện ủy Khánh Sơn khảo sát, đánh giá đúng thực trạng cán bộ; luân chuyển để rèn luyện thực tế, nhưng cũng là dịp điều chỉnh, bảo đảm cán bộ đồng đều ở các lĩnh vực, các địa phương. Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn Mấu Thái Cư cho biết: Huyện ủy quán triệt sâu sắc Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, giúp cán bộ nhận thức rõ mục đích, yêu cầu, phương châm, nguyên tắc luân chuyển cán bộ; chọn một số cán bộ ở xã, thị trấn có năng lực, triển vọng luân chuyển lên công tác tại các phòng, ban của huyện, chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ kế cận. Đồng thời, huyện chọn một số cán bộ ở các ngành luân chuyển về công tác tại các xã, thị trấn để rèn luyện trước khi đề bạt, bổ nhiệm.

Đến nay, huyện Khánh Sơn có 37 cán bộ luân chuyển. Trong đó, hai đồng chí luân chuyển từ tỉnh về huyện; bốn đồng chí luân chuyển từ huyện về tỉnh; bảy đồng chí luân chuyển từ ngành này sang ngành khác; 14 đồng chí luân chuyển từ huyện về xã, thị trấn; chín đồng chí luân chuyển từ xã, thị trấn về huyện; một đồng chí luân chuyển từ xã này sang xã khác.

Trong công tác luân chuyển cán bộ, Huyện ủy Khánh Sơn luôn chú trọng nguyên tắc dân chủ, công khai, thận trọng, không chạy theo số lượng. Hầu hết cán bộ luân chuyển đều trong quy hoạch, có năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, đào tạo cơ bản, cho nên phát huy được năng lực, sở trường công tác, từng bước trưởng thành.

Bám sát các nghị quyết và hướng dẫn của Trung ương về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và các cấp ủy trực thuộc đều xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ. Đến nay, cấp tỉnh đã luân chuyển ba đợt, gồm 24 đồng chí diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ tỉnh về công tác tại các huyện, thị xã, thành phố và ngược lại. Trong đó, có 18 đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn; năm đồng chí hiện giữ các chức vụ chủ chốt của các cơ quan,...

Kết hợp với luân chuyển cán bộ, Khánh Hòa đã bố trí một số cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải người địa phương. Theo đó, bốn bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy; sáu chủ tịch UBND cấp huyện; tám trưởng công an cấp huyện; năm viện trưởng viện kiểm sát cấp huyện; sáu chánh án tòa án nhân dân cấp huyện không phải là người địa phương. Tỉnh cũng mạnh dạn bố trí một số cán bộ trẻ không phải là người địa phương từ cấp tỉnh về giữ một số vị trí chủ chốt ở cấp huyện. Nhìn chung, hầu hết số cán bộ này đều trưởng thành sau luân chuyển.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác luân chuyển, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành một số chính sách đối với cán bộ khi được luân chuyển, như: bố trí nhà công vụ; có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ khi được luân chuyển về các huyện, thị xã nhất là đối với các huyện miền núi,...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, công tác luân chuyển cán bộ đã đáp ứng một số yêu cầu, như cán bộ được rèn luyện toàn diện; bộ máy tổ chức ít xáo trộn; việc thực hiện có lộ trình, theo từng bước, vững chắc, không làm đại trà.

Còn nhiều việc phải làm

Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Toàn, công tác luân chuyển cán bộ ở Khánh Hòa tuy đạt kết quả bước đầu, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy và lãnh đạo chủ chốt của đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này chưa sâu; vẫn còn tình trạng bị động, sau khi luân chuyển thiếu quan tâm các bước tiếp theo. Có tư tưởng cho rằng, cán bộ đã luân chuyển nhất định phải được bố trí ở cương vị lãnh đạo cao hơn. Một số đơn vị cơ sở và cấp huyện không muốn bố trí người ngoài địa phương giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt, cho nên không mặn mà khi nhận cán bộ luân chuyển về. Một số cán bộ không phải là người địa phương chậm tiếp cận công việc; chưa thật sự gắn bó với địa phương, đơn vị mới; chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong công tác.

Theo Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn Mấu Thái Cư, một số cán bộ luân chuyển có tư tưởng làm việc tạm thời, chưa thật sự tâm huyết với công việc. Việc thực hiện thời gian luân chuyển chưa có sự thống nhất. Vấn đề bố trí cán bộ sau luân chuyển còn khó khăn; chế độ chính sách hỗ trợ cán bộ luân chuyển về xã còn hạn chế, nhất là ở các xã có điều kiện khó khăn.

Một số hạn chế nữa là công tác quy hoạch; bổ sung quy hoạch cán bộ còn chậm; chưa thường xuyên theo dõi, đánh giá cán bộ luân chuyển nhằm phát huy mặt tốt, kịp thời uốn nắn hạn chế sai sót; chưa xây dựng tiêu chuẩn cụ thể đánh giá cán bộ sau luân chuyển. Một số địa phương chưa mạnh dạn luân chuyển cán bộ giữa các khối Đảng, chính quyền, đoàn thể có chuyên môn gần nhau.

Thời gian luân chuyển cán bộ với một vài trường hợp còn ngắn, có địa phương trong một nhiệm kỳ luân chuyển cán bộ nhiều lần, vì thế chưa phát huy hết được khả năng, tác dụng, ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả công tác. Một số trường hợp luân chuyển để đáp ứng yêu cầu trước mắt do thiếu cán bộ, chưa thật sự gắn với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo nguồn nhân sự cho các nhiệm kỳ tiếp theo.

Công tác quản lý, giám sát, quan tâm, tạo điều kiện đối với cán bộ luân chuyển từ nơi đi, nơi đến chưa quy định cụ thể, dẫn đến việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ sau luân chuyển có trường hợp còn bất cập, thiếu chính xác...

Trên cơ sở thực tế đó, để công tác luân chuyển cán bộ mang lại hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn, Khánh Hòa cần tập trung làm tốt các việc như: Tiếp tục nâng cao nhận thức của các địa phương, cơ quan, đơn vị về công tác luân chuyển cán bộ; đánh giá, rút kinh nghiệm công tác luân chuyển cán bộ và bố trí cán bộ không phải là người địa phương để có giải pháp bổ sung kịp thời; cần bổ sung chính sách hỗ trợ một số trường hợp khó khăn, nhất là đối với cán bộ luân chuyển đến vùng sâu, vùng xa; điều chỉnh, bổ sung các quy định, cơ chế, chính sách để bảo đảm tính thống nhất trong luân chuyển và quy hoạch cán bộ; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để khuyến khích, động viên.

Là cán bộ luân chuyển, có thời gian làm Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa Hồ Văn Mừng chia sẻ: Trước khi luân chuyển cần làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là khâu đánh giá cán bộ. Quy hoạch cán bộ phải thật sự minh bạch và công tâm, khách quan; đánh giá đúng người, đúng việc để bố trí cán bộ sát với chức danh mà cán bộ được luân chuyển đến nhận công tác. Công tác tư tưởng đối với cán bộ được luân chuyển cần được quan tâm đúng mức, có lý, có tình. Việc luân chuyển cán bộ cần bảo đảm tính ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ; giữ vững đoàn kết nội bộ; từng bước kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy.

PHONG NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33508802-hieu-qua-viec-luan-chuyen-can-bo-o-khanh-hoa.html