Hiệu quả vốn ưu đãi sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn

Từ nguồn vốn vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn theo Quyết định số 31, ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã đầu tư mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.

Gia đình chị Nguyễn Thị Liên, thôn Tư Thâm, xã Đồng Cốc trước đây thuộc diện khó khăn. Mặc dù có vườn bãi rộng nhưng loay hoay không biết trồng cây gì, nuôi con gì hiệu quả. Năm 2020, tìm hiểu qua sách báo và thăm thực tế mô hình nuôi trâu thương phẩm tại các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, chị đã bàn với gia đình phát triển kinh tế từ nuôi đại gia súc. Được tiếp cận nguồn vốn từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn số tiền 50 triệu đồng cộng với số vốn tích cóp được, chị đã đầu tư chuồng trại nuôi trâu thương phẩm. Hiện chị đang chăm sóc 9 con trâu chuẩn bị được xuất bán, có thời điểm chị nuôi vỗ béo tới 20 con.

Theo chị Liên, đối với trâu trưởng thành sau khi mua về, chăm sóc từ 3-4 tháng có thể xuất bán, trâu nhỏ chăm khoảng 1 năm. Mỗi con chị thu lãi từ 5-6 triệu đồng, tùy theo giá bán từng thời điểm. Để đàn gia súc có nguồn thức ăn dồi dào, chị đã trồng hơn 1 ha cỏ voi quanh nhà. Chị Liên cho biết, tới đây, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư lứa mới, khoảng 15 con trâu và 40 con bò.

Chị Nguyễn Thị Liên chăm sóc đàn trâu.

Chị Nguyễn Thị Liên chăm sóc đàn trâu.

Không chỉ gia đình chị Liên, nhiều hộ gia đình ở huyện Lục Ngạn cũng đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Ví như hộ anh Vi Xuân Thủy, thôn Vựa Trong, xã Phong Vân. Năm 2020, cũng được vay 50 triệu đồng từ chương trình ưu đãi. Từ số tiền trên anh đã đầu tư chăm sóc hơn 100 cây vải thiều và mua 2 con ngựa nái về nuôi. Được chăm sóc tốt, vườn vải thiều của gia đình đạt sản lượng từ 5-7 tấn quả mỗi vụ. Đặc biệt, 2 con ngựa nái đã sinh sản 2 con ngựa con. Nhờ đó đến nay kinh tế gia đình anh ổn định, xây dựng được căn nhà vững chắc và nuôi con học hành.

Theo ông Dương Quốc Dũng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Ngạn, nguồn vốn vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đã đến tay hàng nghìn người trên địa bàn, với tổng dư nợ đạt gần 150 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay tập trung vào chăn nuôi, trồng, chăm sóc cây ăn quả, mua công cụ, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chương trình này mang lại hiệu quả thiết thực, giúp mở rộng ngành nghề, thu hút lao động, khai thác tiềm năng rừng, tạo sản phẩm mới, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Đặc biệt từ chương trình này đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, hiệu quả tại các xã vùng khó khăn.

Bài, ảnh: Bùi Vũ

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/389251/hieu-qua-von-uu-dai-san-xuat-kinh-doanh-vung-kho-khan.html