Hiểu thế nào cho đúng về Bác sĩ gia đình?

Mặc dù đã hoạt động từ khá lâu nhưng rất nhiều người dân vẫn còn chưa biết đến mô hình bác sĩ gia đình. Họ không biết BSGĐ hoạt động như thế nào? Đến nhà hay phải qua phòng khám? Có thể tư vấn qua điện thoại không...

Tháng 3 năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Đến nay có hơn 500 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 70 bác sĩ định hướng Y học gia đình đã được đào tạo. Phần lớn các bác sĩ chuyên khoa Y học gia đình sau khi tốt nghiệp trở về làm việc ở tuyến y tế cơ sở.

Hoạt động bác sĩ gia đình đã bước đầu được tổ chức tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ với các mô hình khác nhau: Trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình là cơ sở thực hành của các trường đại học chuyên ngành y, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, trạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình…

Trong đề án Bác sĩ gia đình, Bộ Y tế lên kế hoạch trong năm 2013-2015, thành lập được ít nhất 80 phòng khám tại 8 tỉnh, thành phố tham gia dự án. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng xây dựng được 30 phòng khám bác sĩ gia đình.

Trên thực tế, cho đến thời điểm này, TPHCM đã có hơn 224 phòng khám BSGĐ tại 20 bệnh viện quận - huyện, 191 trạm y tế phường - xã và 13 phòng khám đa khoa tư nhân. Nhưng, vẫn rất nhiều người dân vẫn còn chưa biết đến mô hình này. Họ không biết BSGĐ hoạt động như thế nào? Đến nhà hay phải qua phòng khám? Có thể tư vấn qua điện thoại không? Có thể khám được nhiều bệnh hay không?

Tặng hoa cho các khách mời

Tặng hoa cho các khách mời

Vậy làm thế nào để hiểu đúng về BSGĐ? Báo điện tử Infonet tổ chức Tọa đàm “Hiểu thế nào cho đúng về bác sĩ gia đình?”.

Tới dự tọa đàm có 2 vị khách mời là: BS Lê Thanh Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện quận 10 và PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch.

Các khách mời sẽ cùng phóng viên Infonet giao lưu với bạn đọc để cùng giải đáp những thắc mắc về mô hình mới này, giúp bạn đọc tìm đến BSGĐ, đồng thời giúp giảm tải cho bệnh viện trong thời gian tới.

Và bây giờ, buổi tọa đàm xin được bắt đầu:

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Nga – Quận 7 hỏi: Bác sĩ gia đình (BSGĐ) cụ thể là đảm nhận những dịch vụ y tế gì, thưa ông?

BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: BSGĐ là người cung cấp, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, không chỉ khám chữa bệnh khi người dân không được khỏe, mà còn chăm lo sức khỏe từ lúc chưa có bệnh chẳng hạn như Tầm soát các yếu tố liên quan đến sinh học để từ đó có những dự báo nguy cơ sau này nhằm tư vấn các biện pháp can thiệp để tránh bệnh lý có thể xảy ra. Ví dụ đối với người bị Béo phì sẽ được BSGĐ tư vấn về các biện pháp thay đổi lối sống giúp giảm cân để tránh nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường.

Khi người dân có bệnh, BSGĐ là người tiếp cận đầu tiên sẽ khám phát hiện bệnh, điều trị các bệnh lý thường gặp chưa cần nhập viện, hoặc gặp bác sĩ chuyên khoa sâu. Và với những tình huống phức tạp, nặng cần gặp chuyên gia, lúc này BSGD sẽ đóng vai trò điều phối họ sẽ chuyển bệnh nhân đến gặp đúng các bác sĩ chuyên khoa hoặc nhập viện bệnh viện đúng chuyên khoa mà người bệnh cần. Điều này sẽ giúp bệnh viện tuyến trên giảm tãi, giúp cho người dân tránh lãng phí tiền bạc, thời gian.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp trả lời câu hỏi của bạn đọc

Quỳnh Anh, TPHCM: Hôm trước bố tôi có dấu hiệu trở bệnh – ông vốn bị tiểu đường lâu năm. Vì mới biết trung tâm y tế quận nơi tôi sinh sống có mô hình BSGĐ, nên tôi đã lưu lại điện thoại phòng khi gia đình có người ốm. Vậy nhưng tôi gọi đến số này để mời họ qua khám, họ từ chối không đến. Họ nói BSGĐ không phải là bác sĩ đến khám bệnh tại nhà bệnh nhân thông qua điện thoại. Xin hỏi cách trả lời của người trực điện thoại như vậy là đúng hay sai? Tại sao?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: BS đến nhà không phải là BSGĐ. Tuy nhiên, nếu trong các dịch vụ phòng khám, họ có thể triển khai dịch vụ khám tại nhà. Còn mô hình BSGĐ chủ trương quản lý hồ sơ bệnh nhân thường xuyên, kéo dài. Nếu có dịch vụ khám tại nhà, tức là BS hiểu rõ bệnh cảnh bệnh nhân, họ mới đến. Còn khi không có dịch vụ này, họ sẽ không tiếp nhận dịch vụ. Do đó câu trả lời vậy là đúng.

Tấn Trường, Quận 7: Thường thì mỗi bác sĩ chỉ được đào tạo một chuyên ngành sâu; có những người chuyên ngành sâu cũng chẳng giỏi lắm. Vậy có tin được một bác sĩ “bệnh gì cũng biết” để gửi gắm sức khỏe của cả gia đình mình cho họ hay không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: BSGĐ là BS chuyên khoa, cũng như chuyên khoa khác. Họ có kiến thức đa khoa tổng quát. Đa khoa của đa khoa. Không hẳn ai cũng biết tất cả, nhưng BSGĐ biết được các bệnh thường gặp trong thực hành y học. Họ biết tình trạng bệnh nhân của mình, trong điều kiện họ giải quyết được họ sẽ giải quyết được. Còn nếu không, họ sẽ giới thiệu chuyển sang BS chuyên khoa sâu hơn.

BSCK2 Lê Thanh Tùng tham gia tọa đàm

Đào Thanh Hải (quận 12): Nghe “BSGĐ” tôi có cảm giác đây là mô hình nhỏ, và hình dung ra cảnh các BS sẽ sáng sáng cầm cặp đi thăm sức khỏe cho các bệnh nhân tại chính gia đình họ. Liệu suy nghĩ này có đúng không thưa bác sĩ?

BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: BSGĐ không phải BS đi khám dạo. Đây không phải là mô hình nhỏ, không phải chỉ ở Việt nam mà trên thế giới hệ thống bác sĩ gia đình là nơi tiếp cận đầu tiên với người dân để giải quyết vấn đề sức khỏe (lúc còn khỏe và lúc bệnh). BSGĐ bên cạnh việc khám điều trị bệnh sẽ cùng với chuyên ngành Y tế công cộng thực hiện chức năng can thiệp sức khỏe cộng đồng để giúp dự phòng, phòng tránh bệnh tật của từng cá thể và cho cả cộng đồng nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh tật. Vì vậy vai trò của Y học gia đình không hề nhỏ.

Lê Lan – Hoàng Hoa Thám, Tân Bình, TP.HCM: Nếu nửa đêm bị bệnh thì tôi có thể gọi BSGĐ được không?

BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: Do thông tin bạn hỏi không đầy đủ nên khó trả lời chính xác. Nếu người bệnh đó là khách hàng mà BS đã nắm rõ bệnh tật và hiện tại diễn tiến sức khỏe nguy kịch, lúc đó BSGĐ sẽ tư vấn có lời khuyên chuyển viện, hay góp ý xử trí ban đầu nên làm gì để bạn quyết định. BSGĐ phải chăm sóc cả ngàn người, nếu như các diễn tiến bất thường trong đêm chưa đến mức khẩn cấp mà bệnh nhân yêu cầu bác sĩ tư vấn lúc nữa đêm sẽ là áp lực lớn cho bác sĩ để có sức khỏe cho ngày làm việc kế tiếp.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Trên thế giới, bình quân 1 BSGĐ chăm sóc 2000-3.000 người, khám 20-30 lượt/ngày, đến chăm sóc tại nhà 1-2 bệnh nhân/ngày. BSGĐ trên địa bàn chia phiên ra để trực, đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc, cấp cứu ngoại trú cơ bản 24/24h, góp phần giảm tải BV.

Vũ Ánh Dương, đường Điện Biên Phủ, quận 1: Xin cho tôi hỏi nhà nước có quy định bảng giá cho dịch vụ BSGĐ không? Chúng tôi muốn thuê một bác sĩ cho gia đình mình thì dựa vào bảng giá đó hay dựa vào thỏa thuận riêng với bác sĩ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Nhà nước có quy định giá dịch vụ BSGĐ. Phòng khám được quyền xây dựng mức giá nhưng phải đăng ký mức giá đó với Sở Y tế và công khai giá dịch vụ BSGĐ của mình.

Trung Cường – Thủ Đức, TP.HCM: Thủ tục để khám ở phòng khám BSGĐ gồm những gì?

BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: Thủ tục khám bệnh BSGĐ không khác gì thủ tục khám chữa bệnh của Bộ Y tế đã quy định đó là nếu bạn có BHYT thì khi khám sẽ xuất trình thẻ BHYT để hưởng chế độ quyền lợi do BHXH quy định. Tại BV Q10 khi bệnh nhân đến khám, họ sẽ được quyền chọn lựa BS trong danh sách 50 BSGĐ được đăng tải công khai từ hình ảnh, họ tên, trình độ chuyên môn, học hàm, học vị; Bệnh nhân có quyền được thay đổi BS khác chăm sóc cho mình nếu không hài lòng sau quá trình theo dõi, thăm khám, lúc này hồ sơ sức khỏe của người bệnh sẽ được chuyển sang BS mới để tiếp tục theo dõi.

Quốc Phương – Thủ Đức: Tôi thấy có phòng mạch riêng của một bác sĩ có ghi “dịch vụ BSGĐ”. Xin hỏi bác sĩ nào mở phòng mạch cũng có thể kiêm thêm hoạt động BSGĐ được đúng không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Phòng mạch tư có thể hoạt động theo mô hình BSGĐ nhưng phải đăng ký và được cấp phép theo thông tư 16/2014 của Bộ Y tế.

Vũ Quảng, đường Nguyễn Đình Chiểu – Quận 10: Tôi muốn có một BSuy tín chuyên chăm sóc cho sức khỏe cả gia đình tôi, tôi phải tìm và liên lạc như thế nào? Chi phí ước tính ra sao?

BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: Nền tảng để chọn lựa BSGĐ nào là người chăm sóc sức khỏe cho mình và người thân, gia đình mình là niềm tin của người dân đối với BS đó. Ở phương Tây hay VN đều có chung một xu thế đó chính là lấy người bệnh là trung tâm, tôn trọng quyền của người bệnh. Vì vậy theo tôi bạn có thể chọn BS nào mình tin tưởng về từ cách giao tiếp, tư vấn, sự tận tâm, trình độ chuyên môn cho đến sự tiện ích về gần nơi bạn ở… Về chi phí ước tính cho 1 dịch vụ khám BSGĐ tại BV Q10 được hạch toán cho mỗi lần khám bao gồm phí tư vấn, quản lý sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình và phí khám bệnh theo đúng quy định.

Một bạn đọc giấu tên: Gia đình tôi đang thuê 1 BSGĐ được 3 năm, nhưng nay chúng tôi muốn thay đổi, vì thấy không phù hợp. Xin hỏi khi thay đổi như vậy thì bác sĩ cũ có trách nhiệm cung cấp thông tin bệnh tật của gia đình tôi (theo nhận định của ông ấy) cho bác sĩ mới không? Nếu có quy định là phải cung cấp, nhưng người này vẫn từ chối thì gia đình tôi phải làm sao?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Bệnh nhân được quyền thay đổi BS, dịch vụ theo ý muốn. Việc cung cấp hồ sơ sức khỏe bệnh nhân, tùy thuộc vào hợp đồng. Không biết bạn thuê có hợp đồng hay không? Còn theo quy định của BYT, bệnh nhân được quyền có thông tin. Người nhà nên trao đổi trực tiếp với BS để có thông tin, nhằm chuyển giao thông tin cho BS mới.

Nguyễn Thụ - đường Cộng Hòa – quận Tân Bình: Gia đình tôi có sử dụng dịch vụ BSGĐ, nhưng nhiều lần khi con tôi hoặc vợ tôi ốm, tôi gọi điện thì bác sĩ bảo bận, mãi hơn ngày sau mới tới; có lần bác sĩ tới thì tỏ thái độ không hài lòng vì tình trạng sức khỏe của gia đình tôi không trầm trọng như tôi nghĩ… khiến tôi cảm thấy rất khó chịu. Xin hỏi có quy chế nào về trách nhiệm, thái độ ứng xử của BSGĐ đối với bệnh nhân hay không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Theo nguyên tắc có quy định về trách nhiệm, thái độ của BS nói chung, không riêng gì BGSĐ. Mọi nhân viên y tế đều phải tuân thủ nguyên tắc này.

Nguyễn Văn Lục – Quận Thủ Đức: Xin hỏi sao gọi là BSGĐ mà lại bắt tôi đến phòng mạch khám bệnh? BSGĐ không phải là bác sĩ đến nhà riêng của tôi khám bệnh hay sao?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Hiểu đúng, BSGĐ không phải cung ứng dịch vụ về gia đình theo nghĩa đen. Mà là BS chăm lo sức khỏe cho cả gia đình đó, bao gồm nhiều thế hệ. Muốn làm việc này phải có hồ sơ theo dõi sức khỏe gia đình, họ phải đến phòng khám BS để lập hồ sơ theo dõi liên tục, lâu dài. Họ còn theo dõi cả tinh thần, hành vi, lối sống, những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình đó.
Còn tùy theo dịch vụ phòng khám đó, có dịch vụ về gia đình hay không. Nếu lâu dài, thậm chí BS còn đến chủ động đến xem các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình đó.

Phan Văn Ngọc, Gò Vấp: Dạo này tôi thấy nói nhiều về BSGĐ. Xin cho biết BSGĐ là thế nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Là BS lâm sàng, có chuyên môn tổng quát về ngành y học gia đình. Có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tổng quát, toàn diện cho người bệnh liên quan đến tất cả các chuyên khoa khác nhau thuộc bệnh ngoại trú.

BSGĐ sẽ phục vụ cho từng cá nhân, gia đình, và cộng đồng ở tất cả cấc độ tuổi, giới tính, giúp bệnh nhân thỏa mãn nhu cầu được chăm sóc sức khỏe toàn diện và liên tục suốt đời.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch

Quốc Khánh, Quế Châu, Nghệ An: Tôi là bác sĩ ngoại khoa, còn hơn 1 năm nữa sẽ nghỉ hưu. Xin hỏi sau khi nghỉ hưu tôi định mở phòng khám BSGĐ thì có được không, nếu được tôi phải tuân thủ những tiêu chuẩn nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Nguyên tắc BS ngoại có kinh nghiệm làm việc lâu năm, có kiến thức đa khoa tổng quát tốt có thể làm tốt BSGĐ, theo thông tư 16/2014, họ được đào tạo cơ bản về BSGĐ, có chứng chỉ hành nghề BSGĐ, sau đó mới được làm.

Có chứng chỉ rồi, đăng ký theo quy định sẽ được mở phòng khám.

Vũ Quang, Bình Chánh: Tôi định cư ở Anh đã lâu, dịp Tết này tôi tính tặng bố mẹ tôi một gói dịch vụ BSGĐ vì các cụ đã già yếu rồi. Xin hỏi dịch vụ này ở Việt Nam có khác gì so với ở đất nước khác, đặc biệt là Anh hay không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Ở VN có dịch vụ về BSGĐ, cụ thể trường tôi có gói dịch vụ chuyên sâu và tổng quát. Sự khác nhau của dịch vụ BSGĐ là theo từng quốc gia và từng vùng, điều kiện thanh toán và chi trả. Còn cơ bản là giống nhau khi họ được BSGĐ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe liên tục.

Nguyễn Ngọc Lan, Vũ Thư, Thái Bình: Tôi là y tá, làm việc tại một bệnh viện huyện. Tôi muốn trở thành BSGĐ có được không? Điều kiện như thế nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: BSGĐ cũng phải là BS đa khoa, học chuyên khoa BGSG mới làm được. Y tá thì không thể trở thành BS được, mà họ phải học lên BS sau đó học sang BS chuyên khoa gia đình mới làm được.

BS Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10

Phạm Khúc – Quận 2: Năm rồi bố tôi bệnh nặng, chuyển viện liên tục. Điều bất tiện là bệnh viện này hầu như không dùng phim chụp của bệnh viện kia, toàn yêu cầu chụp lại hoặc chụp thêm khiến gia đình tôi rất mệt mỏi, bố tôi cũng yếu hẳn đi. Đến đâu cũng hỏi tiền sử bệnh nọ kia. Xin hỏi nếu nhà tôi có BSGĐ thì có gặp phải tình trạng như vậy không?

BS Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: Đây chính là ưu thế của BSGĐ! Họ là người theo dõi sức khỏe khách hàng của mình từ khi chưa có bệnh, thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe ngay từ khi mới sinh, từ tiêm chủng đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, nguy cơ có thể xảy ra sau này… Khi người dân có bệnh, họ nắm rất rõ quá trình diễn tiến của người bệnh, khi cần nhập viện, hoặc khám chuyên khoa bác sĩ sẽ tóm tắt bệnh sử, quá trình diễn tiến sức khỏe cung ấp toàn bộ dữ liệu liên quan đến sức khỏe bệnh tật từ triệu chứng, kết quả thăm khám cho đến kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng… để cung cấp cho đồng nghiệp ở tuyến trên một cách chính xác, đầy đủ.

Điều này sẽ giúp BS tuyến trên tránh phải lặp lại việc tìm kiếm những thông tin trong quá khứ mà BS gia đình đã cung cấp sẽ tiết kiệm được thời gian quý báu cho các tình huống khẩn cấp trong cấp cứu, cũng như giảm rất nhiều chi phí cho người bệnh, gánh nặng chi phí BHYT (nếu có).

Đinh Hoài Vũ (quận 2): Tôi còn băn khoăn về trang thiết bị của các phòng khám BSGĐ. Tại các thành phố lớn, nếu cần có thể chuyển ngay lên bệnh viện trung ương, nhưng ở tỉnh lẻ, nếu chuyển tới BSGĐ liệu có làm mất thời gian quý của bệnh nhân không, vì tôi thấy thiết bị tại các phòng khám thường hạn chế.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Theo nguyên tắc phòng khám BSGĐ cung ứng dịch vụ y tế gần dân nhất, với trang thiết bị tối thiểu cần thiết. Nhưng hoạt động hiểu quả, sẽ giải quyết được các vấn đề sức khỏe cơ bản của người dân. Nên BSGĐ mang lợi ích lớn cho bệnh nhân, định hướng cho bệnh nhân lên tuyến trên khi nào, thời gian nào, ở đâu... Như thế đỡ mất thời gian cho bệnh nhân chứ không phải như bạn nghĩ.

Hồ Văn Quyền – Q10 – TP.HCM: Phòng khám BSGĐ có khám bảo hiểm y tế? Nếu có thì khi đăng ký thẻ bảo hiểm tôi đăng ký tên phòng khám BSGĐ tại địa phương luôn hay sao?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Phòng khám BSGĐ có khám bảo hiểm y tế, và họ được hưởng theo quy định. Bạn nên đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BSGĐ nếu tin tưởng với nơi đó.

Các nước khác đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là BSGĐ, còn ở VN mình là đăng ký tại BV. Mình nên thay đổi quan niệm“Chăm sóc y tế là tới bệnh viện” sang “Bảo vệ sức khỏe trên hệ thống y tế cơ sở mà nền tảng là BSGĐ”.

Nguyễn Yến Ly, Bình Thạnh: Tôi thấy thời gian gần đây mô hình BSGĐ được nói đến rất nhiều. Xin được hỏi mô hình này có những đặc điểm nào nổi bật hơn các bệnh viện để tôi chọn tới khám ở đó thay vì lựa chọn đi đến bệnh viện như hiện nay?

BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: BSGĐ không chỉ được đào tạo kiến thức chuyên môn y khoa để có khả năng cấp cứu, khám và điều trị như các bác sĩ chuyên ngành y khác mà còn được đào tạo thêm kỹ năng về tâm lý, kiến thức hành vi, kỹ năng tư vấn sức khỏe. Vì thế BSGĐ không chỉ có khả năng tư vấn vấn đề liên quan đến bệnh tật mà còn các lĩnh vực khác từ tâm lý, sức khỏe cộng đồng, yếu tố gia đình xã hội tác động đến sức khỏe cá thể.

BSGĐ là chuyên khoa của các chuyên khoa khác trong ngành y, với chức năng cấp cứu khám, điều trị bệnh thường gặp, tư vấn sức khỏe . Khi bệnh vượt quá khả năng cần gặp chuyên khoa hay nhập viện, BSGĐ sẽ gởi bệnh nhân gặp đúng chuyên khoa mà bệnh nhân cần, đúng bệnh viện mà bệnh nhân cần. Sau khi điều trị nội trú, sau khi can thiệp chuyên khoa , BSGĐ dựa vào phương pháp điều trị của đồng nghiệp tuyến sau sẽ tiếp tục theo dõi điều trị và sẽ phản hồi lại cho đồng nghiệp khi bệnh nhân quayu lại tái khám bác sĩ chuyên khoa sâu.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Võ Trà My – Q.2: Xin ông cho biết thực trạng hoạt động hiện nay của các phòng khám BSGĐ? Liệu có đủ bác sĩ có tay nghề giỏi tại các điểm khám BSGĐ hay không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Nguyên tắc mở 1 phòng khám phải đảm bảo các điều kiện công bố dịch vụ y tế. Cảm nhận chất lượng y tế cần phải có một quá trình. Việc đảm bảo hệ thống BSGĐ đạt chất lượng đều như nhau thì phải có tiêu chuẩn chất lượng, hệ thống hỗ trợ chuyên môn, và tổ chức phối hợp của nhiều đơn vị mới đạt được chuẩn chất lượng chung cho toàn hệ thống.

Thực tế đang có sự chênh lệch giữa các phòng khám. Sở Y tế đang từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng cho các phòng khám BSGĐ.

Bùi Xuân Thu, Trảng Bàng, Tây Ninh: Con tôi bị viêm phổi được BScho điều trị ngoại trú nhưng vì bệnh viện ở xa nên trong trường hợp khẩn cấp tôi có đưa con đến BSGĐ không?

BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: Nếu bệnh nhân bệnh nặng, điều trị ở BS chuyên khoa xong thì BS chuyên khoa cũng giới thiệu về BSGĐ để theo dõi tiếp sau đó. Có thể xem BSGĐ như cánh tay nối dài của BS chuyên khoa nên có thể thực hiện được điều này.

Quốc Đạt, Thủ Đức: BSGĐ có chuyên nam khoa hay không vì các bệnh viện có nam khoa xa chỗ tôi ở?

BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: Nam khoa không phải là bệnh độc lập riêng mà nó gắn với các chuyên khoa khác. BSGĐ sẽ giúp tầm soát, giải quyết vấn đề tâm lý người bệnh vì có đến 70% bệnh tật xuất phát từ tâm lý. Bạn nên gặp BSGĐ gần nơi bạn ở, tùy tình hình BSGĐ sẽ giới thiệu đến BS chuyên khoa chính xác để tránh tiền mất tật mang.

Thu Hường, quận Gò Vấp: Có phải BSGĐ là giúp giảm tải được bệnh viện không? Bệnh viện và phòng khám có mâu thuẫn nhau về mặt kinh tế không một khi người dân quen với mô hình BSGĐ và ít đến BV khám hơn?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: BSGĐ là giải pháp căn cơ góp phần giảm tải BV. Tôi khẳng định điều này. Nếu so sánh giữa lượng bệnh nhân đến BSGĐ và BV thì đây thực sự là cạnh tranh, vì đều là nguồn thu cả 2 bên. Nhưng về mặt vĩ mô, dòng tiền, chi phí BN trả cho BSGĐ sẽ góp phần hạn chế chi phí tránh khỏi để chữa trị bệnh nặng ở tuyến trên. Chi phí này quay lại hỗ trợ nền kinh tế cho cả nước. Và người dân cũng tiết kiệm được tiền cho chính mình.

Đinh Thảo – quận Bình Thạnh: Tôi đọc báo đài thấy nói BSGĐ sẽ chăm sóc sức khỏe người dân từ lúc ban đầu cho đến suốt quá trình điều trị bệnh sau đó, nhưng thực tế hình như BSGĐ của TP.HCM chưa thực hiện được điều này mà vẫn chỉ là khám bệnh thông thường?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Thứ nhất, mô hình BSGĐ mới triển khai những năm gần đây, giai đoạn lấy lòng tin bệnh nhân, họ tin tưởng dịch vụ này. Họ lập hồ sơ rồi mới mang tính liên tục được.

Thuật ngữ khám bệnh thông thường là không đúng, mà là bệnh thường gặp. Có bệnh nặng nhưng thường gặp. Chính vì thế nếu họ được chăm sóc thường xuyên ở tuyến cơ sở thì không phải lên tuyến trên nữa.

Nguyễn Dũng – quận 5: Nếu một bệnh nhân tử vong do lỗi của BSGĐ thì trách nhiệm sẽ được quy về cho ai, BS hay tổ chức nơi BS làm việc?

BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: Nếu bệnh nhân tử vong , bác sĩ sẽ bị điều chỉnh bởi Luật khám chữa bệnh, sau khi Hội đồng chuyên môn kết luận sẽ xác định lỗi liên quan đến cá nhân, đơn vị. BSGĐ cũng giống như các BS khác, phải chấp hành theo Luật khám chữa bệnh.

Ngọc Anh, Nghệ An: Em tôi tốt nghiệp ngành y ra trường, xin mãi không được việc, bố mẹ tôi cứ bắt em học thêm BSGĐ để đi khám cho các gia đình riêng. Xin hỏi BSGĐ có phải như là gia sư trong ngành giáo dục, hễ được thuê là tới nhà riêng làm việc mà không cần phải thuộc biên chế của bệnh viện nào?

BS Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: BSGĐ là người chăm sóc sức khỏe cho người dân, thân nhân của họ. Trong quá trình điều trị, khi cần thiết bác sĩ có thể đến gia đình của khách hàng, bệnh nhân chứ không phải bác sĩ gia đình là bác sĩ đến nhà khám. Bác sĩ gia đình là chuyên ngành mới hình thành tại Việt Nam, hệ thống y tế tư nhân và công lập đều tham gia để đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Phan Văn Nghị, Gò Vấp: Tôi thấy báo chí nói BSGĐ sẽ tiết kiệm được chi phí. Kính nhờ các BS tính giùm tôi cụ thể là tiết kiệm được những chi phí gì, bao nhiêu?

BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: Khi người dân đến khám tại PK.BSGĐ phần lớn sẽ chủ động đăng ký BS theo hẹn trước. Hồ sơ bệnh án sẽ được chuẩn bị trước, bác sĩ sẽ biết buổi làm việc hôm nay sẽ tiếp bệnh nhân, khách hàng nào, họ có thời gian xem hồ sơ bệnh án trước. Đến giờ khám đã lấy hẹn trước bệnh nhân sẽ được khám ngay. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian chờ của bệnh nhân. Việc nghiên cứu hồ sơ trước, bác sĩ sẽ dành thời gian nhiều để tư vấn cho người bệnh giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tránh được sai sót do áp lực bệnh đông, thời gian khám ít. Đồng thời tránh cho chỉ định cận lâm sàng trùng lấp gây lãng phí cho bệnh nhân, BHYT.

Lợi ích Bác sĩ gia đình mang đến đó là cải thiện mối quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tãi do việc thiếu sự phân bố điều tiết thời gian để dẫn đến hệ quả tạo ra những thời điểm bệnh nhân quá đông, sẽ tránh được cả áp lực cho BS, bệnh nhân và góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời góp phần nâng cao năng lực y tế cơ sở góp phần giảm tãi bệnh viện tuyến trên .

Trần Thanh Hằng, Quận 10: Thưa bác sĩ, hiện TP.HCM có những phòng khám BSGĐ nào là uy tín. Tôi có thể tìm kiếm thông tin về các phòng khám này ở đâu?

BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: Hiện tại trên TP.HCM có rất nhiều nơi triển khai mô hình BSGĐ từ hệ thống công lập cho đến y tế tư nhân từ các bệnh viện của trường đại học cho đến bệnh viện quận huyện. Theo tôi phòng khám nào cũng có khả năng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Hoàng Thùy Dương, Quận 1: Thường những người đi khám bệnh như chúng tôi hiện nay chỉ tin tưởng những BS uy tín, xin hỏi mô hình BSGĐ này, chất lượng chuyên môn của các BSthế nào, liệu có thể tin tưởng hay không?

BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: Ở BV Q10 có nhiều BS là chuyên khoa I, chuyên khoa II quay về đi học thêm y học gia đình để có thêm công cụ giúp người bệnh của mình. Vì vậy, uy tín của BSGĐ do bệnh nhân đánh giá, cần có thêm thời gian để bệnh nhân cọ xát, tiếp xúc và có được niềm tin về BSGĐ. Mong người dân có đánh giá khách quan, tránh phiến diện, cái nhìn hạn hẹp về BSGĐ.

Lê Thu Nga, quận 8: Muốn phát triển tốt mô hình BSGĐ cần phải có sự phối hợp như thế nào giữa các bệnh viện với trạm y tế?

BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10: Bệnh viện Quận 10 đã triển khai mô hình BSGĐ từ năm 2011, hiện tại có 14 phòng khám tại bệnh viện và 6 phòng khám vệ tinh tại Trạm Y Tế phường. Bệnh viện tạo điều kiện để BS ở Trạm Y Tế phường tham gia khám tại bệnh viện để nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời hỗ trợ bác sĩ cho Trạm Y Tế phường triển khai mô hình BSGĐ. Để Trạm y tế thực hiện được chức năng khám điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cần có sự hỗ trợ của tuyến trên.

Để mô hình BSGĐ phát triển và có hiệu quả, theo ý kiến tôi trước tiên cần có sự tự thân vận động của trạm y tế phường , kế đến đó là sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ của bệnh viện tuyến trên và cuối cùng cần có sự can thiệp tầm vĩ mô nhằm giúp trả về đúng chức năng của từng đơn vị trong hệ thống y tế nơi nào điều trị nội trú, nơi nào điều trị ngoại trú…. Việt Nam có một hệ thống mạng lưới y tế cơ sở sát với người dân từ thành thị cho đến thôn bản vì thế không có lý do gì mà chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu của mô hình BSGĐ không triển khai được.

An Nhiên

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hieu-the-nao-cho-dung-ve-bac-si-gia-dinh-post251110.info