Hiểu thế nào về phát biểu 'Việt Nam chỉ làm được ốc vít bắt biển số ô tô'?

Theo chuyên gia, cần hiểu chính xác hơn trong phát biểu này bởi thực tế Việt Nam đã sản xuất được nhiều linh kiện ô tô, thậm chí đã xuất khẩu.

Có thật Việt Nam chưa sản xuất được ốc vít ô tô?

Sau phát biểu gây bão của PGS.TS. Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm chuyên ngành công nghiệp phụ tùng và dịch vụ ô tô (Automechanika 2023) diễn ra ngày 21/2 tại Hà Nội, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình nhưng cũng có không ít chuyên gia cho rằng, công nghiệp phụ trợ không nhất thiết cứ phải là công nghệ luyện kim, cơ khí.

PGS.TS. Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

PGS.TS. Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Thực tế cho thấy, phát biểu ngày 21/2, ông Tuất cho rằng: “Để có một nền công nghiệp ô tô, đầu tiên phải có một nền khoa học kỹ thuật và công nghệ cơ bản. Sau đó, phải có nền công nghiệp vật liệu, phải sản xuất ra thép hợp kim. Nhưng trên một chiếc ô tô (sedan) có hơn 20.000 chi tiết linh kiện, dùng hơn 200 mác thép kim loại và Việt Nam chưa chế tạo được mã nào trong số 200 mã thép đó để có được công nghiệp ô tô. Đó là một sự thật”.

“Có một thời tôi hay nói mỉa mai là, duy nhất chỉ làm cái ốc vít bắt cho biển số và chỉ 6 tháng sau, nó gỉ mất rồi. Chúng ta chưa có công nghiệp ô tô vì không có nền khoa học cơ bản. Công nghiệp ô tô là ngành tích hợp của rất nhiều ngành khoa học cơ bản, như ngành vật liệu, động lực học, điện, điện tử, môi trường sinh thái…”, ông Tuất nhấn mạnh.

Cũng tại đây, ông Phan Đăng Tuất đề nghị, Việt Nam cần phải sớm có một đạo luật riêng về công nghiệp hỗ trợ. Trong dự thảo Luật Phát triển công nghiệp do Bộ Công thương soạn thảo hiện nay, mới chỉ có 1 chương riêng về công nghiệp hỗ trợ là chưa đủ. Cùng đó, ngành công nghiệp vật liệu, đặc biệt là ngành luyện kim cũng cần có chiến lược phát triển bứt phá.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về phát biểu: "Việt Nam chỉ làm được ốc vít bắt cho biển số ô tô và chỉ 6 tháng đã gỉ mất rồi", một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho rằng: "Cần phải hiểu đầy đủ và chính xác hơn trong phát biểu này. Ý ông Tuất là nói về ngành luyện kim. Tức là chúng ta chưa sản xuất được những kim loại mác cao để sản xuất được những linh kiện cho ô tô. Điều này khác với việc là chúng ta không thể sản xuất các chi tiết linh kiện cho ô tô. Thực tế trong lĩnh vực sản xuất ô tô, việc sản xuất những chiếc ốc vít đạt tiêu chuẩn là việc siêu khó vì nó liên quan đến vấn đề an toàn. Nếu loại linh kiện này có vấn đề còn có thể phá nát máy móc, động cơ của xe. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ sản xuất các loại linh kiện có khả năng cạnh tranh so với hàng nhập khẩu và có thể tham gia vào chuỗi cung ứng".

Cũng theo vị chuyên gia này, thực tế về các công nghệ sản xuất linh kiện ô tô, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được bất cứ loại nào. Vấn đề là sản xuất ra nhưng có bán được không, giá thành ra sao? Lý do bởi chúng ta không có công nghệ lõi, sản lượng thị trường quá thấp nên rất khó cạnh tranh. Thực tế trong nhiều năm qua, mỗi năm Việt Nam cũng đã xuất khẩu hàng tỷ đô la các loại linh kiện ô tô ra nước ngoài.

Thực tế cho thấy, từ nhiều năm qua, một số dòng xe của Tập đoàn Thaco Trường Hải đã có tỷ lệ nội địa hóa rất cao từ 30 - 40% và thậm chí còn tham gia xuất khẩu sang các nước trong khu vực và thế giới. Tại Trung tâm cơ khí Miền Trung của doanh nghiệp này hiện đã sản xuất nhiều loại linh kiện ô tô như: Nhíp, ghế, kính, thân vỏ, các loại thiết bị nhựa và điện lạnh phục vụ cho việc sản xuất lắp ráp ô tô.

Không những thế, các doanh nghiệp như VinFast còn sản xuất được cả động cơ ô tô điện và các chi tiết khác. Hay Hyundai Thành Công cũng đã xây dựng các nhà máy sản xuất phụ tùng, linh kiện để lắp ráp ô tô.

Phụ trợ cho công nghiệp ô tô có thể mở rộng phạm vi, tập trung phát triển các thế mạnh

Nên tập trung phát triển các thế mạnh

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng nhận định, có thể hiểu ví dụ “ốc vít biển số ô tô” của Chủ tịch VASI ý chỉ muốn nhấn mạnh công nghiệp luyện kim, khoa học cơ bản của Việt Nam chưa tốt để có thể sản xuất được hết.

“Tuy nhiên, như bên Thái Lan hay Indonesia, công nghiệp luyện kim cũng không phát triển, họ cũng không sản xuất được hết tất cả các mác thép trên ô tô nhưng công nghiệp hỗ trợ của họ rất tốt. Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô có nhiều cách, phương pháp để phát triển chứ không nhất thiết phải luyện kim. Cả thế giới cũng chỉ có một vài nước phát triển công nghiệp luyện kim tốt.

Ngành ô tô sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhiều phân khúc, nhiều phân tầng khác nhau và chúng ta phải tự định hình mình đang ở đâu, mạnh cái gì để phát triển tập trung”, PGS.TS. Phúc chia sẻ.

Cũng tại buổi hội thảo, chính Chủ tịch VASI cũng cho biết hiện trên một sản phẩm cơ điện tử có đến 28% tỷ trọng là đồ nhựa. Đồ cơ khí bắt đầu giảm đi và đồ điện tử tăng lên. “Trong hiệp hội cũng đang rất coi trọng mảng nhựa và cao su. Với doanh nghiệp Việt Nam chi tiết cơ khí khó vô cùng để tham gia. Chi tiết nhựa, điện tử và cao su là cơ hội lớn cho chúng tôi tham gia vào. Chi tiết cơ khí với xe máy thì rất tốt song ô tô rất khó vì có những tiêu chuẩn rất khắt khe”.

Tin liên quan

Toyota Việt Nam nỗ lực nâng cao nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, ngành công nghiệp ô Việt Nam đang tiến tới mức để thoát mác thị trường nhỏ. Trong 1 - 2 năm gần đây nhất, có thể thấy năm 2022, thị trường ô tô tương đối hồi phục, một phần do các chính sách hỗ trợ rất tốt của Chính phủ.

Ông Sáng cũng chỉ ra những điểm tích cực, sẽ là cơ hội cho ngành CNHT là nhiều doanh nghiệp như TC Motor, Toyota Việt Nam hay Thaco... mở rộng sản xuất, gia tăng lắp ráp. Điều này tăng cơ hội cho CNHT trong nước cũng như ngành dịch vụ hậu mãi, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Thanh Tùng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/hieu-the-nao-ve-phat-bieu-viet-nam-chi-lam-duoc-oc-vit-bat-bien-so-o-to-d582875.html