Hiệu trưởng Đại học Bách khoa lo lắng trước sự thay đổi của bằng kỹ sư

Triển khai theo Nghị định 99 thì liệu người có bằng bác sĩ, kỹ sư có được học thẳng lên tiến sĩ, hay vẫn phải học thạc sĩ như trước?

Theo Nghị định 99/2019 ban hành ngày 30/12/2019, văn bằng của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.

Các bằng này được xếp vào loại “văn bằng trình độ tương đương”. Căn cứ vào khối lượng học tập của chương trình đào tạo của “văn bằng trình độ tương đương” cho thấy, văn bằng này tương đương trình độ bậc 7, trình độ của người có bằng thạc sĩ.

Từ thông tin này, nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu người có bằng bác sĩ, kỹ sư có được học thẳng lên tiến sĩ, hay vẫn phải học thạc sĩ như trước?

Tại Hội nghị triển khai Nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học một số đại biểu nêu băn khoăn trước thay đổi của hệ thống văn bằng.

Cụ thể, theo ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, trước kia trong luật cũ, bằng kỹ sư là bằng tốt nghiệp đại học. Có nhiều trường đào tạo 4 – 4,5 năm, trong khi rất nhiều trường kỹ thuật có truyền thống đào tạo 5 năm.

Vì vậy, khi đưa vào xác định kỹ sư là bằng sau cử nhân hay trên cử nhân là khó khăn rất lớn, vì không có sự thống nhất với các trường.

Ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lo ngại rằng, khi đưa vào xác định kỹ sư là bằng sau cử nhân hay trên cử nhân là khó khăn rất lớn, vì không có sự thống nhất với các trường.(Ảnh: Thúy Nga)

Theo ông Sơn, trên thực tế, chương trình kỹ sư tối thiểu 150 tín chỉ, nhưng như thế vẫn là thấp, nếu không đảm bảo tốt, chương trình không phù hợp có thể sẽ làm mất đi uy tín của chương trình kỹ sư. Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin, trong năm 2020, Bộ sẽ ban hành Thông tư quy định chuẩn chương trình của các trình độ giáo dục đại học. Chuẩn chương trình này gồm: chuẩn đầu vào, chuẩn khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác (ví dụ như chuẩn về phát triển chương trình, chuẩn điều kiện thực hiện chương trình, kiểm tra đánh giá)...

Bộ Giáo dục có quy định mới về thiết kế mẫu, in phôi văn bằng

Trong khi đó Giáo sư Trần Thiên Phúc - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh thắc mắc rằng, theo Nghị định 99, bằng kỹ sư, bác sĩ sẽ “tương đương trình độ” với bằng thạc sĩ.

“Nếu người được cấp bằng kỹ sư liệu có được cơ quan quản lý công nhận cao hơn các văn bằng đại học khác và được xếp lương cao hơn hay không? Liệu người có bằng kỹ sư có thể tham gia vào đào tạo trình độ cử nhân hay không?”, ông Phúc đặt câu hỏi. Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, Nghị định 99 quy định, căn cứ quy định về điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác trong chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù được xếp vào bậc tương ứng trong khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Vì vậy, muốn xác định văn bằng nằm ở bậc 6 hay bậc 7 cần phải xem xét đồng thời các tiêu chuẩn này. Nếu trường cấp bằng kỹ sư nhưng chương trình đào tạo chỉ ở mức 120 tín chỉ thì cũng không thể nói bằng kỹ sư này cao hơn các văn bằng đại học khác.

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hieu-truong-dai-hoc-bach-khoa-lo-lang-truoc-su-thay-doi-cua-bang-ky-su-post206072.gd