Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội thông tin chi tiết về kỳ thi đánh giá năng lực 2023

Năm 2023, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ được nhiều trường sư phạm khác trong cả nước công nhận và sử dụng để xét tuyển đại học hệ chính quy.

Hôm nay (2/2), thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực 2023, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, năm 2023, trường Đại học Sư phạm Hà Nội lần thứ 2 tổ chức thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào.

Việc tổ chức thi đánh giá năng lực nhằm đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, gia tăng cơ hội trúng tuyển và phân loại tốt hơn năng lực của các thí sinh để tuyển chọn được sinh viên phù hợp vào học một số khối ngành, nhóm ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy. Cung cấp kết quả thi để các trường đại học làm căn cứ ở các mức độ khác nhau xét tuyển sinh đại học chính quy, qua đó góp phần giảm áp lực cho thí sinh và giảm chi phí từ ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội cho nhiều kỳ thi tuyển sinh.

ĐH Sư phạm Hà Nội tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. (Ảnh: KT)

ĐH Sư phạm Hà Nội tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. (Ảnh: KT)

Năm 2023, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội không chỉ được sử dụng nội bộ như năm ngoái mà sẽ được nhiều trường sư phạm khác trong cả nước công nhận và sử dụng để xét tuyển đại học hệ chính quy như Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Đại học Vinh, Đại học Quy Nhơn.

Thí sinh lựa chọn đăng kí một số bài thi trong các bài thi: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và sử dụng kết quả thi để đăng kí dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học.

Kỳ thi tổ chức vào ngày 6/5 với 8 môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh.

Các ca thi diễn ra đồng thời tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định), cụ thể như sau:

Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho biết, nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT mà học sinh đã quen thuộc; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

"Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức biên soạn, thẩm định, tinh chỉnh, phản biện và phê duyệt đề thi theo quy trình xây dựng mới và bảo mật tuyệt đối theo Quy chế của Bộ GD-ĐT và Trường ĐHSP Hà Nội. Đề thi được biên soạn từ bộ câu hỏi nguồn, bám sát ma trận đề và phù hợp với nội dung, hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT của Bộ GD-ĐT, bao gồm phần tự luận và phần trắc nghiệm. Thí sinh làm phần trắc nghiệm trên phiếu trả lời trắc nghiệm và làm phần tự luận trên tờ giấy thi riêng do Trường ĐHSP Hà Nội quy định", GS.TS Nguyễn Văn Minh thông tin.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ nộp hồ sơ từ 20/2 đến 9/4, lệ phí thi mỗi môn là 160.000 đồng. Kết quả thi được thông báo trước 1/6, sau đó là danh sách thí sinh trúng tuyển. Điểm chuẩn đánh giá năng lực năm ngoái từ 15,15 đến 26,15, cao nhất là ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh.

Trước một số ý kiến lo ngại về việc tăng số lượng kỳ thi riêng trong tuyển sinh đại học sẽ gia tăng áp lực với học sinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, thi tốt nghiệp THPT nhằm chứng nhận một học sinh hoàn thành chương trình phổ thông. Thi đại học giúp thí sinh lựa chọn ngành nghề cụ thể để làm việc. Các kỳ thi riêng ra đời để đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp này.

Tính đến tháng 1/2023, 8 kỳ thi riêng đã được công bố, do ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Bộ Công an tổ chức. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Văn Minh nhận định, xu hướng chung là các trường đại học sẽ dần liên kết với nhau, tạo sự thống nhất trong xét tuyển. Khi liên kết, các trường sẽ có ngân hàng đề thi phong phú, tạo ra một kỳ thi công bằng, chất lượng. Hiện, một số trường không chỉ liên kết tuyển sinh mà còn công nhận tín chỉ, kết quả đào tạo của nhau.

Năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2023 theo 5 phương thức tuyển sinh với tổng chỉ tiêu khoảng 7.000.

- Phương thức 1. Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc xét kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả thi năng khiếu (đối với các ngành có tổ hợp xét tuyển các môn thi năng khiếu).

- Phương thức 2. Xét tuyển thẳng theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GDĐT và theo Đề án tuyển sinh của Trường.

- Phương thức 3. Xét tuyển dựa trên học bạ THPT.

- Phương thức 4. Xét tuyển dựa trên kết quả thi các môn năng khiếu kết hợp với học bạ THPT.

- Phương thức 5. Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực kết hợp với học bạ THPT và kết hợp với điểm thi các môn năng khiếu (đối với các ngành có tổ hợp xét tuyển các môn thi năng khiếu)./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hieu-truong-dh-su-pham-ha-noi-thong-tin-chi-tiet-ve-ky-thi-danh-gia-nang-luc-2023-post999429.vov