Hiệu trưởng và giáo sư ĐH Mỹ phải nghỉ việc vì một bức tranh

Chủ tịch ĐH Hamline đã không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của đội ngũ giảng viên. Nguyên nhân liên quan đến quyết định của bà về việc sa thải một giáo sư nghệ thuật.

Tờ The New York Times đưa tin, Chủ tịch ĐH Hamline (Mỹ) - Fayneese Miller, bị chỉ trích gay gắt vì đuổi việc một giáo sư do người này cho cả lớp lịch sử nghệ thuật xem hình ảnh của Nhà tiên tri Muhammad. Bà Fayneese Miller vừa tuyên bố sẽ nghỉ hưu vào tháng 6/2024.

Chủ tịch ĐH Hamline (Mỹ) Fayneese Miller.

Chủ tịch ĐH Hamline (Mỹ) Fayneese Miller.

Trên thực tế, bà Miller nghỉ việc là tất yếu do không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của các giảng viên đối với sự lãnh đạo của bà trước vụ việc.

Cụ thể, giáo sư Erika López Prater, chủ nhiệm bộ môn Lịch sử nghệ thuật toàn cầu, đã cho cả lớp xem bức tranh thế kỷ 14 về người sáng lập đạo Hồi. Tác phẩm được các nhà sử học coi là kiệt tác của nghệ thuật Hồi giáo thời trung cổ.

Đối với nhiều người Hồi giáo, việc họa hình về nhà tiên tri Muhammad - người được cho là sứ giả của Thượng đế, thể hiện sự báng bổ.

Tuy nhiên, giáo trình khóa học của bà Prater đã nêu rõ sinh viên sẽ được xem hình ảnh của các nhân vật tôn giáo, bao gồm nhà tiên tri Muhammad. Giáo trình cũng nêu lời đề nghị làm việc riêng với những sinh viên cảm thấy không thoải mái khi xem hình ảnh đó.

Sau khi GS López Prater cho xem hình ảnh, một sinh viên trong lớp đã phàn nàn với hội đồng trường. Các sinh viên Hồi giáo khác, dù không tham gia khóa học, cũng ủng hộ sinh viên này, nói rằng lớp học là một cuộc tấn công vào tôn giáo của họ và yêu cầu các quan chức hành động.

GS môn Lịch sử nghệ thuật toàn cầu - López Prater.

Cô Prater nhận được email ký bởi Chủ tịch của ĐH Hamline, Fayneese S. Miller, thông báo cô sẽ bắt đầu nghỉ việc vào học kỳ tới.

Vụ việc đã tạo ra cuộc tranh luận rộng rãi tại Mỹ, trong đó, phần lớn gay gắt lên án quyết định của bà chủ tịch. ĐH Hamline, vốn đã chật vật với khó khăn tài chính và số lượng sinh viên ứng tuyển cực thấp, nay lại chịu thiệt hại nặng nề về danh tiếng.

Cuộc bỏ phiếu của giảng viên đã được thực hiện nhằm ủng hộ tuyên bố họ không còn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo trường đại học của Chủ tịch Miller. Việc 71 giảng viên bỏ phiếu thuận, 12 bỏ phiếu chống và 9 bỏ phiếu trắng, cho thấy việc bà Miller xử lý tranh cãi về bức tranh đã gây tổn hại lớn cho trường đại học.

“Chúng tôi khẳng định đảm bảo tự do học thuật và trách nhiệm của chúng tôi trong việc thúc đẩy một cộng đồng học tập hòa nhập. Điều quan trọng những giá trị này không mâu thuẫn cũng như không thay thế lẫn nhau. Không một giảng viên nào bị sa thải chỉ vì một bức tranh”, tuyên bố cho biết.

Năm 2015, bà Miller trở thành chủ tịch da màu đầu tiên trong lịch sử 169 năm của ĐH Hamline. Bà từng công tác tại ĐH Brown và ĐH Vermont.

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-mot-buc-tranh-ca-hieu-truong-va-giao-su-dh-my-phai-nghi-viec-2131149.html