Hiệu ứng tích cực từ việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT - Công an TPHà Nội), trong năm 2023, lực lượng CSGT Thủ đô đã trực tiếp và phối hợp xử lý hơn 301.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt hơn 590 tỷ đồng.

Lực lượng này cũng đã tạm giữ hơn 81.000 phương tiện, gần 157.000 bộ giấy tờ và tước 55.300 giấy phép lái xe. Đáng chú ý, lực lượng CSGT Thủ đô đã xử lý 73.446 tài xế vi phạm nồng độ cồn. So với năm trước đó, số người bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn tăng gấp 4,3 lần.

Hình thành văn hóa không rượu, bia khi lái xe

Từ những kết quả đã đạt được, có thể thấy sự mạnh tay của lực lượng CSGT trong việc xử lý "ma men" tham gia giao thông bước đầu đã tạo tác dụng răn đe vi phạm, được dư luận đánh giá cao, mang đến hiệu ứng tích cực.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn lái xe trên đường Cao Lỗ, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, tình trạng nhiều tài xế có nồng độ cồn trong người, khi bị kiểm tra có thái độ chống đối, câu giờ, kéo dài thời gian, không ít lái xe phản ứng mạnh, buông lời khiếm nhã với lực lượng thi hành công vụ cũng không phải hiếm. Dù đối mặt với trường hợp nào, chỉ cần có nồng độ cồn trong máu thì tất cả đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định. Sự nghiêm minh trong xử phạt vi phạm đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, văn hóa tham gia giao thông của người dân.

Anh Dương Công Thế, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Thời gian qua, lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn dày đặc trên các tuyến phố Hà Nội. Hầu hết xe nào có dấu hiệu khả nghi đều bị kiểm tra. Bản thân tôi trước đây vẫn thỉnh thoảng uống rượu, bia xong lái xe, bây giờ chỉ dám đi taxi”.

Anh Đào Văn Hà, trú tại quận Thanh Xuân chia sẻ: "Xác định vi phạm nồng độ cồn là bị giữ xe, tước bằng, phạt tiền rất nặng, không thể tránh né, xin xỏ được, nên tôi không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia. Mong rằng, việc xử phạt kiên quyết, minh bạch như vừa qua sẽ trở thành nền nếp để tạo sự công bằng cho tất cả mọi người. Qua đó, người dân tham gia giao thông cũng được yên tâm, cảm thấy an toàn hơn".

Quyết liệt xử lý

Mặc dù trong năm qua, hàng chục nghìn tài xế vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt, nhưng trên đường phố vẫn còn những trường hợp uống rượu, bia khi tham gia giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho chính bản thân và những người xung quanh. Thông tin từ Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024, CSGT toàn quốc đã xử phạt 7.570 lái xe vi phạm nồng độ cồn. So với cùng kỳ năm ngoái, số lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý tăng 71% (tăng 3.200 trường hợp).

Tiếp nối hành trình xây dựng văn hóa giao thông, đã uống rượu, bia thì không lái xe, trong năm 2024, CSGT Hà Nội đặt mục tiêu lớn thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm, kế hoạch xử lý vi phạm, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, xe tải chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng trên địa bàn TP… Tới đây, các chốt xử lý nồng độ cồn tiếp tục duy trì kiểm tra, bởi theo dự báo sẽ gia tăng trường hợp sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bởi trước khi nghỉ Tết, nhiều cơ quan, DN, nhà máy… tổ chức tiệc tất niên cho cán bộ, công nhân viên, hay thói quen tụ tập ăn uống dịp cuối năm... nên sẽ khó tránh việc sử dụng rượu, bia.

Mới đây, Công an quận Nam Từ Liêm phối hợp cùng Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vi phạm nồng độ cồn. Chỉ trong 3 giờ đồng hồ, Tổ công tác đặc biệt xử lý tới 31 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đại diện chỉ huy đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Xác định xử lý nghiêm hành vi liên quan đến rượu, bia, nồng độ là góp phần tích cực kiềm chế tai nạn giao thông, hằng ngày, chúng tôi bố trí 2 tổ công tác thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn. Vị trí cắm chốt kiểm tra được thay đổi liên tục”.

Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) thông tin thêm, từ nay cho đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch tăng cường tuần tra khép kín địa bàn; lập thêm chốt kiểm tra nồng độ cồn tại các điểm cửa ngõ Thủ đô, trong đó thường xuyên thay đổi vị trí để kiểm tra và triển khai các đội kiểm tra nồng độ cồn lưu động trên đường.

Trong khi đó đại diện Đội CSGT số 6 thông tin: “Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tuần tra, kiểm soát hằng ngày, hằng giờ, tập trung theo chuyên đề kiểm tra, xử lý lái xe sau khi uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Lực lượng sẽ chú trọng thời điểm vào các buổi tối, ngày nghỉ, lễ, Tết. Khi kiểm tra, nếu phát hiện người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá quy định thì kiên quyết đình chỉ phương tiện không cho lưu hành, lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện và xử phạt”.

Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội đã đôn đốc, chỉ đạo các đội nghiệp vụ, lực lượng CSGT của công an các quận, huyện, thị xã tăng cường lực lượng, xử lý vi phạm trong những khung giờ cao điểm, đảm bảo phù hợp với tình hình địa bàn. Không chỉ dừng lại vào dịp Tết Nguyên đán, lực lượng tiếp tục bền bỉ, xử lý vi phạm nồng độ cồn trong năm 2024, nhằm chung tay với cả nước kéo giảm tai nạn giao thông.
Đại tá Trần Đình Nghĩa

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hieu-ung-tich-cuc-tu-viec-xu-ly-nghiem-vi-pham-nong-do-con.html