Hiệu ứng từ giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa

Bộ Công Thương đang triển khai các hoạt động nhằm kết nối cung - cầu hàng hóa; kêu gọi doanh nghiệp, địa phương hưởng ứng Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa.

Xác định thị trường nội địa là động lực phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn bình thường mới, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1457/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.

Để hưởng ứng Kế hoạch hành động, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề, doanh nghiệp phân phối về việc phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Một trong những nội dung quan trọng là tổ chức các tháng khuyến mại hoặc chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, đưa vào thị trường trong nước; đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối cố định và điểm bán; tổ chức hội chợ, quảng bá, tuyên truyền sâu rộng hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, hàng OCOP được gắn sao, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu… để người dân biết và mua sắm.

Sản phẩm nông sản được tiêu thụ tại hệ thống MM

Sản phẩm nông sản được tiêu thụ tại hệ thống MM

Mới đây, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MM Mega Market (MM) Việt Nam và Sở Công Thương Lâm Đồng nhằm kết nối cung - cầu, đưa các sản phẩm nông sản thế mạnh, sản phẩm OCOP của Lâm Đồng vào hệ thống phân phối của MM trên cả nước. Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc thu mua toàn quốc của MM - cho rằng, nhiều nông sản tỉnh Lâm Đồng rất tiềm năng để đưa vào hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu như sầu riêng, xà lách, bơ 034, phúc bồn tử…

Ngay tại buổi làm việc, các doanh nghiệp Lâm Đồng đã cung cấp thông tin về sản lượng của nhiều sản phẩm thế mạnh địa phương như cà phê, hạt macca, sachi, rượu, trà đương quy, bơ 034… Ông Võ Ngọc Hiệp - Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng - cho hay, trước đây, hệ thống MM đã đặt một trạm trung chuyển trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Việc mở điểm trung chuyển, cộng với tiếp tục tìm kiếm nguồn hàng đưa vào hệ thống siêu thị của MM đóng góp lớn cho tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương, bởi khi sản phẩm đủ tiêu chuẩn vào MM cũng đồng nghĩa khẳng định chất lượng và uy tín.

Đánh giá về nỗ lực của MM trong thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa, bà Lê Việt Nga cho biết, không chỉ tại Lâm Đồng mà từ trước đến nay, Bộ Công Thương luôn đánh giá cao vai trò của các hệ thống phân phối lớn, trong đó có MM, trong việc điều tiết thị trường, tìm đầu ra cho hàng hóa. Gần đây, MM đã có công văn đề nghị hỗ trợ hướng dẫn xây dựng điểm bán hàng OCOP, trong đó, có chương trình lớn triển khai bán hàng OCOP từ 3 sao trở lên tại 20 siêu thị trên toàn quốc từ quý IV. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố trên cả nước và đề nghị các tỉnh thông báo đến doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn được biết, kết hợp với doanh nghiệp, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Ông Võ Ngọc Hiệp - Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng: Bộ Công Thương đã và đang hỗ trợ chúng tôi xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP, Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Đây là những hoạt động hữu ích nhằm mở rộng đầu ra ổn định cho nông sản địa phương.

Phương Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hieu-ung-tu-giai-phap-kich-cau-tieu-dung-noi-dia-141109.html