HIMARS đến điểm nóng mới bảo vệ 'vàng đen'

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/5 cho biết, Mỹ đã triển khai Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) đến đông bắc Syria.

Hệ thống HIMARS.

Hệ thống HIMARS.

Địa điểm cụ thể được Mỹ triển khai HIMARS là mỏ dầu al-Omar và nhà máy khí đốt Conoco ở vùng nông thôn phía đông nam tỉnh Deir Ezzor, Syria.

Việc triển khai vũ khí đa nòng mạnh nhất của Mỹ nhằm mục đích đối phó với các cuộc tấn công có thể xảy ra của các nhóm do các nhóm vũ trang trong khu vực thực hiện các cuộc tấn công vào mỏ dầu của Syria do Mỹ kiểm soát.

Hãng Anadolu dẫn nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ, kế hoạch triển khai HIMARS đến al-Omar đã được Mỹ lên kế hoạch từ lâu nhưng quyết định chính thức chỉ được đưa ra sau khi hệ thống Avenger bất động trong tình cảnh mỏ dầu này hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công gần đây.

Sự bất lực của hệ thống đánh chặn này khiến lực lượng quân đội Mỹ tại Syria phải mở cuộc điều tra với Avenger và kíp chiến đấu trong tình huống căn cứ Mỹ tại mỏ dầu al-Omar bị tấn công hôm 23/3 và cuối tháng 5/2023 bằng loạt rocket và UAV tự sát.

"Chúng tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra với Avenger khi chúng đang trong trạng thái trực chiến và cảnh giác cao độ nhưng lại không có phản ứng cần thiết về mối đe dọa và kịp thời triển khai biện pháp ngăn chặn khi căn cứ bị tấn công.

Mở cuộc điều tra là việc rất cần thiết nhằm biết rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm nếu do con người và kịp thời khắc phục nếu do yếu tố kỹ thuật của vũ khí", lực lượng Mỹ tại Syria cho biết.

Mỹ duy trì binh sĩ tại Syria để hỗ trợ chiến dịch chống khủng bố IS và bảo vệ các cơ sở khai thác dầu mỏ, vốn do lực lượng người Kurd kiểm soát. Khoảng 700 lính Mỹ đóng quân ở căn cứ Al-Shaddadi, gần thành phố Hasakah, trong khi 200 binh sĩ khác đồn trú tại căn cứ Al-Tanf gần biên giới Syria, Jordan.

Để bảo vệ cho những căn cứ này khỏi những cuộc tấn công bằng rocket và UAV, hồi năm 2020, Mỹ đã triển khai hệ thống phòng không AN/TWQ-1 Avenger. Đây là hệ thống phòng không tầm gần cơ động được trang bị tên lửa FIM-92 Stinger.

Nói về việc Avenger im lặng khi căn cứ Mỹ bị tấn công, tờ New York Times cho rằng, rất có thể Avenger đã gặp vấn đề về bảo trì dẫn tới trục trặc. Kể cả khi Avenger hoạt động hết công suất, lá chắn này cũng chưa chắc chắn đã phát hiện ra UAV tự sát.

Bởi cơ chế hoạt động của dòng UAV này là bay lảng vảng ở tầm thấp, gây khó khăn cho hệ thống radar trong việc dò ra mục tiêu.

Những cuộc tấn công đã cho thấy mối đe dọa của UAV, khi các thiết bị giá thành tương đối thấp, không sử dụng nhiều công nghệ cao nhưng có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng với các cơ sở trọng yếu cần được bảo vệ.

Đây có thể là nguyên nhân trong 2 năm qua, Mỹ ghi nhận đã xảy ra gần 80 cuộc tấn công mà họ cho rằng từ các nhóm vũ trang thân Iran nhằm vào các cơ sở quân sự của Washington tại Syria và Trung Đông.

Lúng túng trong cách ngăn chặn các cuộc tấn công được cho là nguyên nhân Mỹ quyết định triển khai HIMARS nhằm tăng phạm vi tấn công đáp trả và bảo vệ tầm xa cho mỏ dầu và các căn cứ tại Syria của mình.

Tiến Thành

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/himars-den-diem-nong-moi-bao-ve-vang-den-post641316.html