Hình ảnh chiến sĩ cảnh sát cơ động cứu cháu bé lên cơn co giật gây xúc động mạnh trên mạng xã hội

Một CĐV nhí có dấu hiệu nuốt lưỡi đã được lực lượng cảnh sát cơ động tức tốc sơ cứu và vận chuyển ra xe cấp cứu trong trận Nam Định gặp HAGL trên SVĐ Thiên Trường chiều 4/8.

Tối ngày 4/8, trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh 2 chiến sĩ cảnh sát cơ động đang ôm một cháu nhỏ trên sân vận động Thiên Trường (Nam Định). Theo nội dung được đăng tải, khi trận đấu giữa CLB Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai đang diễn ra trên sân vận động Thiên Trường (Nam Định) thì một cổ động viên nhí có dấu hiệu bị động kinh, co giật.

Lúc này, lực lượng CSCĐ làm nhiệm vụ bảo vệ đã đưa cháu bé ra xe cứu thương. Trên đường đi, cháu bé có dấu hiệu cắn lưỡi, chiến sĩ CSCĐ này đã chịu đau, để cháu bé cắn vào ngón tay mình, ngăn không để cháu tự cắn lưỡi.

Hình ảnh chiến sĩ cảnh sát cơ động cứu cháu bé gây xúc động mạnh trên mạng xã hội.

Kèm theo nội dung chia sẻ là 2 bức ảnh trong đó có 2 chiến sĩ cơ động, một chiến sĩ bế bé trai trên tay, chiến sĩ còn lại đưa tay vào miệng cháu bé ngăn cậu bé này cắn vào lưỡi. Gương mặt chiến sĩ cơ động đỏ tím, nhăn nhó vì đau đớn bị cháu bé cắn chặt.

Hiện chưa rõ ảnh đẹp này do các phóng viên đang tác nghiệp chụp hay cư dân mạng "chộp" được và chia sẻ, nhưng đang tạo ra sự lan tỏa, hiệu ứng tốt trong cộng đồng. Ngay sau khi xuất hiện, mọi người đều nhận xét đây là hình ảnh vô cùng đẹp về người chiến sĩ cảnh sát nhân dân.

Tối ngày 4/8, trao đổi với PV Báo Thời Đại, Thượng tá Phạm Thanh Nguyễn, Trưởng phòng Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh Nam Định xác nhận, vụ việc xảy ra trong trận bóng giữa CLB Nam Định - HAGL. Lúc này, đại úy Trần Đức Giảng, Đại đội trưởng đại đội CSCĐ, Công an tỉnh Nam Định cùng đồng đội được phân công đảm bảo an ninh trận đấu thì bất ngờ thấy cháu bé trên khán đài có biểu hiện co giật đã đưa tay vào miệng để ngăn cháu cắn vào lưỡi sau đó vận chuyển nhanh tới trạm y tế của sân bóng để sơ cứu.

Sau đó đại úy Trần Đức Giảng đã bàn giao cháu bé để chuyển tiếp tới trung tâm y tế gần nhất và quay lại vị trí được phân công để tiếp tục túc trực.

Cách sơ cứu bệnh nhân co giật?

Đứng về phương diện y học, các bác sĩ đều cho rằng việc cấp cứu của các chiến sĩ cảnh sát nhân dân là cấp cứu sai cách, đặc biệt là việc cho tay vào miệng cháu bé và bế cháu bé chạy đi cấp cứu. Chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân, bác sĩ Ngô Hùng (khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng: “Đây là một hình ảnh đẹp, đem lại hiệu quả về mặt truyền thông rất tốt về các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Nhưng, nó cũng cho thấy rằng kiến thức sơ cấp cứu của những người làm việc tại nơi công cộng đang bị hổng rất nhiều”.

Theo bác sĩ Ngô Hùng, trong tình trạng động kinh, nguy cơ cắn phải lưỡi rất ít, vì khi co giật cơ sẽ co cứng lại và tăng trương lực. Như vậy lưỡi sẽ tụt xuống chứ không lè ra để có thể cắn phải. Điều đáng sợ nhất là tụt lưỡi gây ngạt và sặc đờm dãi vào phổi gây viêm phổi do nuốt.

Bác sĩ Hùng cũng cảnh báo, khi cho bất kể dị vật nào vào miệng người bị động kinh, co giật sẽ rất dễ xảy ra nguy cơ đẩy dị vật vào sâu hơn và gây ngạt. Còn trong trường hợp co giật mạnh sẽ làm gây răng nạn nhân. Đó là chưa kể nếu trực tiếp cho tay vào miệng nạn nhân bị co giật, động kinh khi bị cắn dễ gây chấn thương và dễ bị nhiễm trùng.

Cùng quan điểm trên, bác sĩ Vũ Tưởng Lân, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, trong trường hợp trên tuyệt đối không dùng tay, ngón tay đưa vào trong miệng người đang lên cơn co giật để cố định lưỡi.

Vị bác sĩ này chia sẻ, lực cắn của con người khoảng từ 150 đến 200 PSI (pound per square inch - chỉ số đo áp suất), gần bằng 105.000-140.000 kg (lực)/m2. Do đó, dùng tay để cạy miệng nạn nhân trong khi họ đang co giật có thể khiến bị cắn, thậm chí bị nghiến đứt gân ngón tay nguy hiểm cho cả người bệnh lẫn người sơ cứu.

H.A (TH)

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.vn/mang-xa-hoi/hinh-anh-chien-si-canh-sat-co-dong-cuu-chau-be-len-con-co-giat-gay-xuc-dong-manh-tren-mang-xa-hoi-45894.html