Hình ảnh đất nước

Mới đây, Ban tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) thông tin, du lịch Việt Nam nhận được tới 4 đề cử trong cuộc bình chọn để tranh Giải thưởng Du lịch thế giới vào cuối năm 2018.

Những đề cử này trong các hạng mục gồm: Điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới 2018; điểm đến hàng đầu thế giới 2018; hội đồng du lịch hàng đầu thế giới 2018 (dành cho Tổng cục Du lịch Việt Nam) và điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018 (cho Hà Nội).

Khoảnh khắc đáng yêu của nữ du khách nước ngoài và những em bé Việt Nam. Ảnh: Laura Saffioti.

Được biết, cuộc bầu chọn trên trang web của Ban Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới sẽ kết thúc vào ngày 24/10. Và Hà Nội cũng đã phát động cuộc bình chọn, với kỳ vọng lọt vào tốp những điểm đến hàng đầu thế giới.

Những năm gần đây, du lịch Việt Nam được coi là có sự tăng tốc phát triển. Số khách nước ngoài đến Việt Nam ngày một tăng, với tỉ lệ năm sau cao hơn năm trước một cách rõ rệt. Cùng đó, du lịch nội địa cũng phát triển mạnh. Từ đó có thể thấy, việc du lịch vươn lên trở thành ngành “công nghiệp không khói” là hoàn toàn có khả năng.

Còn nhớ, cuối tháng 8 vừa qua, website du lịch nổi tiếng thế giới có tên gọi TripAdvisor đã công bố tốp 10 quốc gia có trải nghiệm du lịch hàng đầu thế giới. Danh sách này dựa trên xếp hạng điểm trung bình và đánh giá dành cho các hoạt động có thể đặt trên website này. Các quốc gia trong danh sách là nơi du khách được trải nghiệm những hoạt động đầy ly kỳ và hấp dẫn từ các môn thể thao mạo hiểm, đến khám phá những loài động vật quý hiếm hay các kỳ quan thế giới tuyệt đẹp. Việt Nam là nước châu Á duy nhất đã lọt vào tốp 10 đó, với vị trí thứ 3. Các nước khác là Costa Rica, New Zealand, Quốc đảo Ireland, Scotland, Australia, Bồ Đào Nha, Mexico, Mỹ và Iceland.

Với nhiều người, Việt Nam được xếp hạng cao trong bản đồ du lịch thế giới không có gì đáng ngạc nhiên, bởi đất nước ta nơi nào cũng đẹp, cũng có sự hấp dẫn riêng. Việt Nam là quốc gia sở hữu đường bờ biển chạy dài tuyệt đẹp cùng những đảo, cụm đảo không khác gì những “thiên đường bí ẩn”- cách mà các tổ chức du lịch nước ngoài gọi Côn Đảo.

Đất nước cũng thật sự khác lạ với trùng điệp những dãy núi kéo dài, nơi đó có hệ động thực vật phong phú, với những dòng suối, thác nước tuôn chảy. Hệ thống sông ngòi của Việt Nam cũng đa dạng, tạo nên những “giao lộ đường thủy” nội địa mà các quốc gia khác không dễ gì có được.

Cùng với những dòng sông hùng vĩ, là những con kênh chằng chịt vùng Đồng Tháp Mười, hình thành nên một nét văn hóa miệt vườn đặc sắc, nơi mà nghệ thuật đờn ca tài tử đã được UNESCO vinh danh. Cũng ở vùng đất cực nam của Tổ quốc, thì vùng rừng ngập mặn U Minh được đánh giá chỉ xếp sau rừng mưa Amazon...

Trong những điều du khách nước ngoài muốn tìm hiểu, khám phá ở Việt Nam, thì bên cạnh một thiên nhiên sống động chính là những nét văn hóa đặc sắc. Với 54 dân tộc anh em, dân tộc nào cũng có nét văn hóa riêng, hợp thành tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo. Và chính điều đó đã tạo nên sự quyến rũ, thân thiện đối với du khách trên phạm vi toàn cầu.

Nhưng, nói đi thì cũng nên nói lại, rằng chúng ta đã khai thác tốt nhất những lợi thế “trời cho” đó để phát triển du lịch hay chưa? Không phủ nhận thành tích của ngành du lịch những năm qua, nhưng kỳ vọng vẫn rất lớn, hay nói cách khác thì kỳ vọng vẫn còn ở phía trước.

Thật buồn khi thỉnh thoảng vẫn xuất hiện việc du khách nước ngoài than vãn khi vào Việt Nam du lịch. Đó là nạn “chặt chém” từ giá phòng cho tới giá vé vào khu di tích; kể cả giá xích lô, giá taxi. Rồi có cả việc khách du lịch bị mất đồ trong phòng nghỉ, khiến công an phải vào cuộc tìm kiếm và người có trách nhiệm trong ngành du lịch phải đứng ra xin lỗi.

Tất nhiên việc xin lỗi là cần thiết, đáng hoan nghênh nhưng nếu không để xảy ra tình trạng đó thì vẫn hơn. Gần đây, việc xuất hiện những tour du lịch “không đồng” cho thấy sự quản lý khá lỏng lẻo, từ cơ quan quản lý nhà nước cho tới chính quyền địa phương. Việc bắt tay với những tour du lịch nước ngoài hòng kiếm lợi riêng, dẫn đến làm vẩn đục môi trường du lịch của đất nước, làm thị trường kinh doanh du lịch bị đảo lộn.

Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh, việc khai thác đúng đắn của “trời cho” là hết sức cần thiết. Nhưng để du lịch phát triển bền vững thì việc nâng cao vai trò quản lý ngành cũng như của địa phương phải được xác định là yếu tố cực kỳ quan trọng. Quản lý tốt thì du lịch sẽ phát triển đúng hướng. Ngược lại, nếu quản lý tồi thì sự lạc lối là có thể thấy trước, từ đó dẫn tới việc mất uy tín, mất khách.

Trở lại với những tổ chức du lịch quốc tế đánh giá cao “điểm đến Việt Nam”, lại càng thấy cần thiết phát triển du lịch một cách bền vững, vì đó chính là việc gìn giữ hình ảnh đất nước, hình ảnh Việt Nam.

Miên Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/hinh-anh-dat-nuoc-tintuc419290