Hình ảnh độ phân giải cao về bầu khí quyển phức tạp của mặt trời

Những hình ảnh của mặt trời mới được công bố là những hình ảnh có độ phân giải cao nhất chúng ta từng chụp được, nó tiết lộ bầu không khí ở đó phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu.

Các nhà nghiên cứu Anh đã tiết lộ những hình ảnh có độ phân giải cao nhất từ trước đến nay của mặt trời và bầu khí quyển của nó. Những luồng khí nóng bị nhiễm điện ở những điểm tối được đánh dấu trong

NDĐT - Những hình ảnh của mặt trời mới được công bố là những hình ảnh có độ phân giải cao nhất chúng ta từng chụp được, nó tiết lộ bầu không khí ở đó phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu.

Các nhà khoa học từ Đại học Central Lancashire (UCLan, Anh) và Trung tâm Bay không gian Marshall (MSFC) của NASA đã nghiên cứu những hình ảnh độ phân giải cao do kính viễn vọng không gian của NASA chụp. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Vật lý thiên văn.

Những bức ảnh cho thấy một phần của bầu khí quyển mặt trời, được cho là tối hoặc trống rỗng, được làm đầy với dải khí nóng tích điện rộng đến 311 dặm. Theo các nhà nghiên cứu, mỗi dải trong số đó lên tới 1,8 triệu độ F và lớn hơn khoảng cách giữa London và Belfast (Thủ đô của Bắc Ireland).

Kính viễn vọng Hi-C của NASA có thể nhận biết được các cấu trúc trong bầu khí quyển của mặt trời với kích thước nhỏ vào khoảng 43 dặm - tương đương khoảng 0,01% của tổng kích thước của mặt trời. Nó có thể chụp được các dải từ rất tốt trong “vùng tối” được tạo ra từ plasma siêu nóng, lên đến triệu độ.

Theo nhóm nghiên cứu Lancashire, chính xác cái gì đã tạo ra những dải này vẫn chưa rõ ràng, mặc dù giờ đây nó sẽ trở thành một trọng tâm cho các nhà thiên văn học.

Kính viễn vọng thu được hình ảnh Hi-C là một kính viễn vọng thiên văn độc đáo được đưa vào không gian trên một tên lửa bay quỹ đạo phụ. Nó chụp lại hình ảnh của mặt trời mỗi giây khi được đưa đến rìa không gian trước khi quay trở lại trái đất năm phút sau đó.

Các dải khí trông giống các sợi tóc nhưng nóng không tưởng, đạt hơn một triệu độ C và mỗi dải khí rộng đến 311 dặm.

Sau phát hiện trên, kính viễn vọng Hi-C sẽ được phóng bằng tên lửa thêm một lần nữa.

Lần tới, các quan sát của họ sẽ kết hợp với hai tàu vũ trụ quan sát mặt trời hiện đang thu thập thêm dữ liệu, Tàu thăm dò mặt trời Parker (Probe) của NASA và Tàu quỹ đạo Mặt trời của ESA (SolO).

Tiến sĩ Amy Winebarger, người điều tra nghiên cứu chính của Hi-C tại NASA MSFC tuyên bố: “Những hình ảnh mới này của Hi-C cho chúng ta cái nhìn sâu sắc đáng chú ý về bầu khí quyển của mặt trời. Cùng với các nhiệm vụ đang diễn ra như Probe và SolO, đội tàu vũ trụ trên không gian này trong tương lai gần sẽ tiết lộ lớp ngoài năng động của mặt trời trong một ánh sáng hoàn toàn mới”.

Các nhà khoa học sẽ tranh luận về lý do tại sao chúng được hình thành và sự hiện diện của chúng giúp chúng ta hiểu được sự phun trào của quầng lửa mặt trời và bão mặt trời, là những sự kiện từ mặt trời tác động trực tiếp đến sự sống trên trái đất.

Ông Tom Williams, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại UCLan, người đã làm việc với dữ liệu Hi-C, cho biết các hình ảnh sẽ giúp hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa trái đất và mặt trời. Ông bổ sung: “Đây là một khám phá hấp dẫn, cung cấp thông tin cho chúng ta hiểu hơn về dòng năng lượng xuyên qua các lớp của mặt trời và cuối cùng xuống chính trái đất... Điều này rất quan trọng nếu mô hình và dự đoán được hành vi của chính ngôi sao đã mang lại sự sống cho chúng ta”.

Mỗi dải đơn của plasma nóng rộng khoảng 311 dặm, chỉ một khu vực nhỏ của các dải đã bằng tổng kích thước của trái đất.

Giáo sư vật lý mặt trời Robert Walsh, UCLan, cho biết lần đầu tiên các hình ảnh cung cấp một cái nhìn “độ phân giải cực cao” của mặt trời. "Cho đến nay, các nhà thiên văn học mặt trời đã quan sát hiệu quả ngôi sao gần nhất của chúng ta trong "định nghĩa tiêu chuẩn”. Chất lượng đặc biệt của dữ liệu do kính thiên văn Hi-C cung cấp lần đầu tiên cho phép chúng tôi khảo sát một mảng của mặt trời ở “độ phân giải cực cao”", Walsh nói.

“Hãy nghĩ nó giống thế này: nếu bạn đang xem một trận bóng đá trên truyền hình ở độ phân giải tiêu chuẩn, sân bóng trông có màu xanh cùng đồng phục”. Walsh nói. “Cũng trận bóng đó, nếu bạn xem ở độ phân giải siêu HD, bạn có thể cảm nhận từng ngọn cỏ có thể bay về phía mình. Và đó là những gì mà chúng tôi có thể thấy với những bức ảnh của Hi-C. Chúng tôi thấy những dấu hiệu của các phần hợp thành bầu khí quyển của mặt trời”.

HOÀNG DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/44025002-hinh-anh-do-phan-giai-cao-ve-bau-khi-quyen-phuc-tap-cua-mat-troi.html