Hình ảnh mới nhất về tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc

Chỉ hai tuần sau khi hàng không mẫu hạm do Ấn Độ đóng trong nước, INS Vikrant kết thúc quá trình thử nghiệm trên biển, những bức ảnh về hàng không mẫu hạm thứ ba của Trung Quốc - quốc gia luôn trong tình trạng căng thẳng quân sự với Ấn Độ, đồng loạt xuất hiện trên mạng xã hội.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy hàng không mẫu hạm thứ ba đang được xây dựng của Trung Quốc, tàu Type 003.

Tàu Vikrant đã được phát triển trong hơn một thập kỷ, chỉ còn hai năm nữa là đi vào hoạt động hoàn toàn, và không có dấu hiệu nào về việc chính phủ Ấn Độ có kế hoạch đóng chiếc thứ ba. Theo một tờ báo Ấn Độ, sẽ mất một thập kỷ rưỡi nữa thì nước này may ra mới có con tàu thứ ba, nếu phê duyệt kế hoạch ngay bây giờ - đặc biệt là trong tình hình kinh tế hiện tại.

Mặt khác, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã có hai tàu sân bay đang hoạt động và đang trên đường trở thành lực lượng hải quân sở hữu ba tàu sân bay, đồng thời là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.

Tàu sân bay đầu tiên, Liêu Ninh, là tàu sân bay lớp Kuznetsov thời Liên Xô mua từ Ukraine, được tân trang lại và đi vào hoạt động vào năm 2012.

Tàu thứ hai, Sơn Đông, được cải tiến dựa trên Liêu Ninh, vào tháng 4 năm 2018 đã hoàn tất sau 5 năm kể từ khi bắt đầu khởi công, đi vào hoạt động một năm sau đó.

Sơn Đông vẫn được coi là một bản sao của Liêu Ninh, nhưng có sự tiến bộ đáng chú ý về tốc độ, chuyên môn và năng lực của cơ sở công nghiệp Trung Quốc. Cả hai đều có cùng thiết kế nhảy cầu trên boong và máy bay chiến đấu không thể mang đầy đủ tải trọng.

Chiếc thứ ba, được gọi là Type 003, hoàn toàn là một "con quái vật" khác. Dài hơn 10 mét so với những tàu tiền nhiệm, nó có khả năng là hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới không phải của Mỹ.

Và Trung Quốc đã có một bước nhảy vọt từ Hệ thống cất cánh đường băng ngắn có móc hãm đà (STOBAR) trực tiếp sang Hệ thống Phóng Điện từ (EMALS).

EMALS hoạt động trên nền từ trường mạnh mẽ được tạo ra bởi động cơ cảm ứng điện từ để đẩy các vật thể. Trung Quốc đã bỏ qua quá trình chuyển đổi từ STOBAR sang CATOBAR, tức hệ thống phóng máy bay bằng hơi nước, có thể phóng tiêm kích đang đầy đủ vũ khí và nhiên liệu, thậm chí là máy bay cảnh báo sớm nặng hơn, không phải phụ thuộc vào máy bay trực thăng với tầm bay hạn chế cho mục đích này.

Tuy nhiên, các tàu sân bay là một cơn ác mộng về bảo trì. Sở hữu tàu sân bay là ước mơ của nhiều nước, nhưng gánh nặng chi phí là vô cùng lớn, và ngay cả siêu giàu như nước Mỹ cũng luôn phải đau đầu về các khoản chi duy trì tàu sân bay.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hinh-anh-moi-nhat-ve-tau-san-bay-thu-ba-cua-trung-quoc-post1372423.tpo