Hình ảnh Nhật thực toàn phần ở Việt Nam, 11 năm mới có 1 lần

Tại Hà Nội, Đà Nẵng, dù thời tiết nắng nóng, nhiều người dân vẫn đổ xô đi xem nhật thực hình khuyên hiếm gặp.

Giai đoạn đầu của nhật thực, quan sát tại Hà Nội. (Ảnh: Thiên văn Việt Nam - VACA)

Chiều 21/6, hiện tượng nhật thực hình khuyên diễn ra. Cư dân tại một số nước khu vực châu Phi và châu Á có thể sẽ có cơ hội được quan sát hiện tượng nhật thực hình khuyên đầu tiên của thập kỷ, hay còn được biết đến với cái tên Ring Of Fire (Vòng khuyên lửa).

Tại Hà Nội, vào lúc 13h16 ngày 21/6, hiện tượng nhật thực một phần bắt đầu xuất hiện. Bất chấp nắng nóng, người dân đổ đến 1 số điểm có thể quan sát nhật thực như: Công viên Hòa Bình (đường Phạm Văn Đồng), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (18B Hoàng Quốc Việt). Người trực tiếp ngắm Mặt trời qua kính chuyên dụng, người xem gián tiếp qua màn hình.

Từ sau 14h, hiện tượng "Mặt trăng ăn Mặt trời" dần thể hiện rõ. Công viên Hòa Bình rộn ràng tiếng reo hân hoan của cả trẻ nhỏ lẫn người lớn khi bóng đen của Mặt trăng ngày càng đè lên vành sáng của Mặt trời.

Cháu bé thích thú cùng mẹ quan sát nhật thực ở Công viên Hòa Bình. (Ảnh: VTC news)

Trong khi đó, tại Đà Nẵng người dân có thể quan sát nhật thực một phần với độ phủ 65%. Nhật thực đạt điểm cực đại vào lúc 15h04, thời điểm kết thúc nhật thực sẽ là 16h22. Điều đáng nói là 11 năm nữa tức năm 2031, Đà Nẵng mới có cơ hội chiêm ngưỡng nhật thực tương tự.

Chình vì vậy bất chấp thời tiết nắng nóng, rất nhiều người dân đã có mặt ở các điểm quan sát. Tại công viên Biển Đông, Câu lạc bộ Thiên văn học Đà Nẵng đã chuẩn bị cho người dân xem nhật thực đầy đủ dụng cụ thiết yếu nhất để quan sát (phục vụ lên đến hơn 100 người đồng thời quan sát một lúc).

Người dân và du khách ở Đà Nẵng tập trung ra bờ biển xem nhật thực. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Người dân và du khách ở Đà Nẵng tập trung ra bờ biển xem nhật thực. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Nhiều người tại TP.HCM cho biết thành phố đang có mưa, do vậy không thể quan sát hiện tượng nhật thực. Trong khi đó, nhiều thành viên trên các diễn đàn thiên văn liên tục cập nhật ảnh chụp tại nơi mình sống.

Nhật thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất thẳng hàng và Mặt Trăng nằm ở vị trí đứng giữa 2 thiên thể còn lại. Lúc này, do Mặt Trăng đã che khuất đi Mặt Trời nên ở một số vị trí trên Trái Đất, người ta sẽ thấy một phần hoặc toàn bộ Mặt Trời bị tối đen lại.

"Ring of Fire" sẽ bắt đầu diễn ra từ trung tâm châu Phi và đi qua châu Á. Các khu vực khác như Đông Nam châu Âu đến các mũi phía bắc của Úc sẽ được nhìn thấy nhật thực một phần. Vào lúc cực điểm của nhật thực, Mặt Trăng sẽ che khuất 99,4% Mặt Trời, nhìn thấy rõ nhất ở bầu trời phía bắc Ấn Độ.

Nếu bỏ qua nhật thực năm nay, người dân Việt Nam sẽ phải chờ ít nhất đến năm 2023 để chiêm ngưỡng hiện tượng này.

Một số hình ảnh về nhật thực hình khuyên hiếm gặp ở Hà Nội, Đà Nẵng:

Khoảng 14h, tại Hà Nội diễn ra hiện tượng nhật thực với tỉ lệ che phủ Mặt trời đạt mức 20%. Được biết, đây là hiện tượng thiên văn kỳ thú nhất năm 2020 tại Việt Nam. (Ảnh: Báo Lao động)

Hình ảnh nhật thực lúc 14h03 tại Hà Nội. (Ảnh: Báo Lao động)

Trong ảnh là hiện tượng nhật thực quan sát tại Nghệ An. Ảnh: Nguyen Phan Trung/Tớ yêu thiên văn học

Hình ảnh nhật thực hiện lên khá rõ nét.

Quá trình Mặt trời bị che khuất được tường thuật trực tiếp qua màn hình ở Công viên Hòa Bình.

Các em nhỏ tỏ ra hứng thú khi xem nhật thực ở Đà Nẵng. (Ảnh: Lao động)

Mai Anh (T/h)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hinh-anh-nhat-thuc-toan-phan-o-viet-nam-11-nam-moi-co-1-lan-d469558.html