Hình ảnh siêu tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng

Tàu Carl Vinson mang theo 74 máy bay chiến đấu, giám sát và vận tải đã cập cảng Tiên Sa ngày hôm nay (5/3), bắt đầu chuyến thăm thành phố Đà Nẵng kéo dài 5 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam.

USS Carl Vinson là một trong 10 siêu tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Hải quân Mỹ.

USS Carl Vinson là một trong 10 siêu tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Hải quân Mỹ.

Được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, chiều ngày 05/3/2018, Đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ gồm tàu sân bay USS CARL VINSON, tàu tuần dương USS LAKE CHAMPLAIN và tàu khu trục USS WAYNE E. MEYER đã cập Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng bắt đầu chuyến thăm Đà Nẵng, Việt Nam từ ngày 05-09/03/2018.

Trước khi đến Đà Nẵng, nhóm tác chiến do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đã băng qua Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Tàu USS Lake Champlain neo đậu tại cảng Tiên Sa (Ảnh: Zing).

Việc điều động tàu sân bay Carl Vinson lần này đánh dấu lần thứ hai chiếc tàu hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới sự chỉ huy của Hạm đội 3 Mỹ.

Được sự ủy quyền của Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đã Nẵng Lâm Quang Minh đã chủ trì Lễ đón Đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ.

Tham dự lễ đón có đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng; Sở Ngoại vụ Đà Nẵng và một số cơ quan chức năng khác. Về phía Hoa Kỳ có đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ và một số cơ quan của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Chuyến thăm của Đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước; đồng thời, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực.

USS Carl Vinson (CVN-70) là chiếc tàu sân bay lớp Nimitz thứ ba của hải quân Mỹ, bắt đầu đi vào hoạt động chính thức từ năm 1982. Biểu tượng của Carl Vinson là một con đại bàng có đôi cánh dài, ngậm một dải băng có dòng chữ bằng tiếng Latin "Vis Per Mare", nghĩa là "Sức mạnh trên biển cả". Với biểu tượng này, tàu được đặt biệt danh là "Đại bàng vàng" của hải quân Mỹ.

Các thủy thủ tàu sân bay USS Carl Vinson cố định xà lan và tàu vận chuyển người của Việt Nam với tầu sân bay (Ảnh: TTO).

Tàu được đặt theo tên của nghị sĩ bang Georgia, Carl Vinson, để ghi nhận những đóng góp của ông cho hải quân.

Sàn đáp của USS Carl Vinson từng được biến thành sân bóng rổ nổi có sức chứa gần 10.000 người khi nó neo đậu tại quân cảng San Diego. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong 8.111 người chứng kiến trận bóng rổ mang tên "Carrier Classic", được tổ chức để kỷ niệm Ngày Cựu binh 11/11/2011 và thể hiện sự biết ơn với các binh sĩ quân đội.

Các thủy thủ đầu tiên rời tàu sân bay lên tàu của Việt Nam để vào đất liền (Ảnh:TTO).

Tàu sân bay hoạt động như một căn cứ không quân di động, do đó máy bay là thành phần quan trọng nhất trên hàng không mẫu hạm.

Số lượng máy bay mà tàu có thể mang theo tùy vào kích thước của tàu. USS Carl Vinson mang theo Không đoàn tàu sân bay số 2 (CVW-2). Không đoàn này được biên chế với 4 phi đội chiến đấu, gồm 24-36 tiêm kích F/A-18 E/F Super Hornet, 10-12 F/A-18C Hornet. Các tiêm kích này có thể tấn công mục tiêu cách tàu mẹ hơn 800 km với nhiên liệu nội bộ.

Sức mạnh của USS Carl Vinson nằm ở phi đội máy bay gồm 130 chiếc tiêm kích F/A-18 Hornet hoặc từ 80-95 chiến cơ các loại.

Tàu sân bay USS Carl Vinson có độ choán nước 101.300 tấn với chiều dài 333 m, được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân Westinghouse A4W cung cấp năng lượng vận hành 4 tua-bin, với tổng công suất là 194 megawatt.

Lễ đón đoàn tàu sân bay của Hải quân Mỹ được tổ chức trọng thể ngay tại cảng Tiên Sa (Ảnh: Dân trí).

Tốc độ di chuyển tối đa của tàu là trên 30 hải lý, tương đươc 56 km/h với tầm hoạt động không giới hạn và USS Carl Vinson có thể hoạt động liên tục từ 20 đến 25 năm.

Sức mạnh thật sự của các tàu sân bay thuộc lớp Nimitz, trong đó có tàu sân bay USS Carl Vinson không hẳn chỉ ở hệ thống vũ khí được trang bị trên tàu, mà nằm ở phi đội máy bay gồm 130 chiếc tiêm kích F/A-18 Hornet hoặc từ 80-95 chiến cơ các loại, thông thường có 64 chiến cơ được bố trí trên tàu.

Tàu sân bay USS Carl Vinson có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân cho biên đội máy bay của mình.

Bản thân tàu sân bay USS Carl Vinson cũng được trang bị hệ thống phòng thủ, nhưng chỉ là hệ thống phòng thủ tầm ngắn và đóng vai trò lớp phòng thủ cuối cùng chống lại tên lửa và chiến cơ của đối phương.

Tàu sân bay USS Carl Vinson được trang bị 2 tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Mk 57 Mod 3 Sea Sparrow, 2 tổ hợp tên lửa phòng không RIM-116 Rolling Airframe Missile và 3 tổ hợp pháo 20 mm Phalanx CIWS. Ngoài ra, trên tàu có các tổ hợp tác chiến điện tử AN/SLQ-32A(V)4 và mồi bẫy thủy lôi SLQ-25A Nixie.

Ngoài ra, trên tàu sân bay USS Carl Vinson còn có hàng loạt hệ thống radar khác nhau, bao gồm radar tìm kiếm không trung AN/SPS-48E 3-D và AN/SPS-49(V)5 2-D, radar chỉ thị mục tiêu AN/SPQ-9B, radar điều khiển không lưu AN/SPN-46 và AN/SPN-43C air traffic control radar, radar hỗ trợ hạ cánh AN/SPN-41 landing aid radars, 4 hệ thống dẫn đường Mk 91 NSSM, 4 radar Mk 95.

>> Hàn Quốc viện trợ 50.000 tấn gạo cho các nước nghèo

Chu La (TH)

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/hinh-anh-sieu-tau-san-bay-uss-carl-vinson-tai-da-nang-20180305161807556.htm