Hình mẫu về tinh thần đoàn kết trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu

Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 19 của Phong trào Không liên kết (NAM) diễn ra tại Thủ đô Kampala của Uganda, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá NAM là hình mẫu về tinh thần đoàn kết trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu. Đồng thời, kêu gọi giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột ở châu Phi nói riêng và trên toàn thế giới nói chung nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị lần thứ 19 của NAM. Ảnh: Reuters

Chương trình nghị sự của hội nghị tập trung vào các vấn đề quan trọng bậc nhất của thế giới hiện nay về hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa... hướng tới việc định hình giải pháp giải quyết những thách thức toàn cầu thông qua tăng cường sự đoàn kết, thể hiện rõ nét ngay từ chủ đề bao trùm là “Tăng cường hợp tác để chia sẻ thịnh vượng toàn cầu”. Song hành với chương trình nghị sự, hội nghị cũng tạo nền tảng cho các cuộc gặp song phương giữa các quốc gia để trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực.

Điểm nhấn trong kết quả tại hội nghị, 3 văn kiện quan trọng đã được thông qua, khẳng định các nguyên tắc và giá trị của NAM, cũng như lập trường đa phương. Cùng với đó, các nước thành viên NAM tại hội nghị đã thống nhất kết nạp Nam Sudan vào tổ chức và là lần đầu tiên NAM kết nạp thành viên mới trong 30 năm qua.

NAM được thành lập năm 1961, hiện có 120 thành viên, gồm 53 nước châu Phi, 39 nước châu Á, 26 nước ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, cùng 2 nước châu Âu là Belarus và Azerbaijan. Các thành viên NAM đều đứng độc lập, không liên kết hay chống lại bất kỳ khối quyền lực nào.

NAM là tổ chức đa phương có số lượng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Liên hợp quốc. Trong đó, NAM chiếm hơn 50% dân số là người châu Phi. Vì vậy, không khó để nhận thấy, một trong những ưu tiên quan trọng của hội nghị là giải quyết hàng loạt thách thức của lục địa, nổi cộm như: Sự gia tăng bất ổn an ninh ở Tây Phi, Sudan, Nam Sudan, Cộng hòa dân chủ Congo, Libya, Mozambique, Cộng hòa Trung Phi, Cameroon...

Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, kết quả của hội nghị nối dài sự khẳng định về việc NAM đóng vai trò quan trọng trong thế giới ngày nay, bởi những nguyên tắc công lý và hòa bình. Nổi bật trong những giá trị nền tảng của NAM là 5 nguyên tắc cơ bản, gồm: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm lược lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và hai bên cùng có lợi; cùng tồn tại hòa bình.

Trên thực tế, NAM cho phép các quốc gia duy trì nền độc lập mà không phải phục tùng các khối chính trị - quân sự. Cách tiếp cận này giúp thiết lập sự cân bằng quyền lực và ngăn ngừa xung đột. NAM có 120 quốc gia thành viên, chiếm gần 60% dân số thế giới và chiếm khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Vì vậy, phong trào sẽ tiếp tục là tiếng nói dẫn dắt, thúc đẩy đoàn kết trong một thế giới đang chia rẽ.

NAM nhận được sự ủng hộ rộng rãi và được cộng đồng đa phương công nhận. Trong điều kiện quốc tế hiện nay, NAM cũng góp phần tạo dựng một trật tự quốc tế hòa bình, công bằng và ổn định, nơi các quốc gia có thể phát triển và tồn tại độc lập trước ảnh hưởng của các khối quân sự - chính trị. Điều này khẳng định tầm quan trọng của phong trào và sự đóng góp trong việc giữ gìn hòa bình và công lý trong quan hệ quốc tế.

Dễ thấy, Hội nghị lần thứ 19 của NAM diễn ra trong thời điểm thế giới chứng kiến những thách thức phát sinh từ những trung tâm quyền lực mới nổi, tách rời khỏi các khối toàn cầu truyền thống. Sự tham gia của hơn 120 quốc gia đang phát triển tại hội nghị này cho thấy, đây đã trở thành diễn đàn có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong việc định hình diễn ngôn ngoại giao.

Giới chuyên gia đánh giá, xét riêng năm 2023 vừa qua đã diễn ra nhiều sự kiện quốc tế quan trọng mà châu Phi là một phần hoặc đồng tham gia. Hội nghị lần này của NAM được tổ chức tại châu Phi tiếp tục cho thấy, đây không chỉ đơn thuần là một sự kiện mang tính ngoại giao mà còn phản ánh rõ nét cho vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của “lục địa đen”.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hinh-mau-ve-tinh-than-doan-ket-trong-thoi-ky-khung-hoang-toan-cau-post471927.html