Hình phạt 'tù tại gia' trong thời điểm hiện tại là không cần thiết!

Đề xuất áp dụng hình thức 'tù tại gia' đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong cho rằng, việc áp dụng hình phạt 'tù tại gia' trong thời điểm hiện tại là không cần thiết.

Trong buổi thảo luận tại tổ về dự án luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) đã đề nghị nghiên cứu hình thức tù tại nhà (hay còn gọi là “tù tại gia”) để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và ngân sách nhà nước.

Ngay sau đó, đề xuất này đã nhận được những ý kiến tranh luận của các Đại biểu Quốc hội và của dư luận.

Câu hỏi đặt ra là, hình thức “tù tại gia” liệu có phù hợp và khả thi với văn hóa xã hội và tình hình kinh tế của Việt Nam, phù hợp với chế định hình phạt đã được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành?

Bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong – Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, nguyên Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang để ghi nhận những ý kiến xung quanh đề xuất áp dụng hình thức “tù tại gia”.

Đại biểu Phạm Hồng Phong bày tỏ: “Ý tưởng này rất tiến bộ, thể hiện việc tôn trọng quyền con người, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho xã hội.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 vừa ban hành chế định về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, người đang chấp hành án phạt tù, nếu chấp hành được ½ thời hạn và đáp ứng các điều kiện khác thì có thể không phải chấp hành án phạt tù trong trại giam mà được trở về địa phương để tiếp tục chấp hành hình phạt còn lại. Trong thời hạn ở ngoài, nếu người vi phạm không chấp hành pháp luật thì sẽ bị buộc quay về trại giam chấp hành phần còn lại.

Như vậy, về bản chất đây chính là việc chấp hành án tại nhà. Chỉ khác ở việc là chấp hành một phần ở trại giam và một phần ở nhà”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong cho rằng, việc áp dụng hình phạt “tù tại gia” trong thời điểm hiện tại là không cần thiết.

Đại biểu Phạm Hồng Phong phân tích thêm: “Tương tự như vậy, chế định án treo cũng là việc miễn chấp hành hình phạt trong trại giam có điều kiện. Nếu người phạm tội vi phạm pháp luật trong thời gian thử thách của án treo thì sẽ bị buộc phải vào trại giam để chấp hành. Chế định này khác với tha tù trước thời hạn là ngay từ đầu không phải chấp hành trong trại giam”.

Vị Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM nhấn mạnh: “Về bản chất của chế định án treo và tha tù trước thời hạn là tạo điều kiện cho người phạm tội chấp hành án phạt tù tại nhà.

Tuy nhiên, đây là quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nên thực tiễn chưa đánh giá được hiệu quả của nó. Do đó, trước mắt không cần thiết phải quy định về chấp hành hình phạt tù tại nhà, mà thay vào đó là hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc chấp hành án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện. Sau khi tổng kết thực tiễn sẽ đánh giá hiệu quả, từ đó có thể kiến nghị sửa đổi quy định của Bộ luật Hình sự để mở rộng phạm vi áp dụng của các chế định này”.

Ông Phong khẳng định: “Việc quy định chấp hành hình phạt tù tại nhà trong thời điểm hiện tại là không cần thiết. Bởi vì, Bộ luật Hình sự chưa có quy định, chưa có cơ sở thực tiễn tại Việt Nam.

Mặt khác, việc chấp hành hình phạt tù tại nhà sẽ cần sử dụng đến các công nghệ và hạ tầng kỹ thuật số đạt tiêu chuẩn. Nếu chưa có sự chuẩn bị mà lại ra quy định để áp dụng thì có thể mắc sai lầm giống như việc loay hoay tìm thuốc độc để thi hành án tử hình trong thời gian trước đây”.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hinh-phat-tu-tai-gia-trong-thoi-diem-hien-tai-la-khong-can-thiet-a411044.html