Hình thành chuỗi dịch vụ chăm sóc người cao tuổi: Cần kêu gọi xã hội hóa

Những năm qua, ở nước ta đã xuất hiện dịch vụ chăm sóc người cao tuổi (gọi là nhà dưỡng lão) phục vụ người già neo đơn, không nơi nương tựa,... Hiện nay, ở Hà Nội đã có vài trung tâm chăm sóc người cao tuổi (TTCSNCT) như: Nhà Tuổi vàng (Bắc Linh Đàm); TT dưỡng lão Nhân Ái (huyện Từ Liêm), TTCSNCT huyện Gia Lâm, quận Hà Đông…đã và đang hoạt động rất hiệu quả, tạo được dấu ấn trong xã hội...

Từ nhu cầu thực tế

Theo đánh giá, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có hơn 11 triệu người cao tuổi (khoảng 11% dân số). Dự báo đến năm 2030, số người cao tuổi chiếm 17% dân số và con số này tăng lên 25% vào năm 2050, do đó, nhu cầu về nhà dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người cao tuổi ngày càng lớn.

Hiện nay, mô hình nhà dưỡng lão ở Việt Nam đã xuất hiện thế nhưng so với thực tế thì vẫn còn rất thiếu và yếu, vì thế mô hình nhà dưỡng lão được các chuyên gia nhận định là cần phải được nhân rộng, phát triển trong thời gian tới.

Tại TT dưỡng lão Nhân Ái (Từ Liêm) hiện có khoảng 50 phòng, gồm các phòng chức năng, phòng y tế, hội trường, sân tập dưỡng sinh riêng biệt… Đa phần những cụ già đến với TT đều mắc các chứng bệnh do tuổi già như tim mạch, huyết áp, thần kinh... Trong đó tập trung chủ yếu là chứng bệnh lú lẫn, thần kinh không ổn định, bệnh hoang tưởng, liệt,...

Theo thống kê của TT, hiện có tới hơn 50% số cụ gửi vào đây là không minh mẫn, 35 - 45% các cụ minh mẫn nhưng mắc nhiều chứng bệnh khác nhau và chỉ khoảng 10% là minh mẫn và khỏe mạnh. Cụ T (nguyên GĐ một Cty Nhà nước về hưu - quận Đống Đa), cho biết: “Từ khi vào đây, tôi thấy mình khỏe hơn nhiều, tinh thần thoải mái, ăn uống ngon miệng, bệnh tim mạch, huyết áp thuyên giảm... Hơn nữa, sống ở đây, tôi đã tìm thấy sự đồng cảm, cùng chia sẻ của nhiều người bạn cùng cảnh ngộ nên rất vui...”.

Một trường hợp khác, cụ H hiện đang sinh sống tại TT Bảo trợ xã hội số I - Hà Nội, chia sẻ: “Tôi vào đây đã được chục năm. Cũng nhờ có cán bộ ở TT này chăm sóc nên tôi cũng thấy an lòng…”. Anh Nguyễn Văn Tòa - y sỹ TT dưỡng lão Nhân Ái cho biết: “Phần lớn các cụ già đến với TT là cô đơn, không nơi nương tựa...

Ở TT dưỡng lão này có cụ K (quê Gia Lâm), cụ trước đây khi còn công tác cũng làm to, nay con cái họ cũng làm to, nhưng không có thời gian và tấm lòng để chăm sóc người thân sinh ra mình. Cụ K rất khó tính, không ở được với ai trong gia đình, khi được người thân đưa đến, cụ chửi bới không tiếc lời, thậm chí lăng mạ cả cán bộ, nhân viên tại TT. Đặc biệt, cứ đến mỗi bữa ăn là một “cực hình” đối với những điều dưỡng viên và người phục vụ tại đây. Mỗi bữa, nhân viên phục vụ đem cơm cho cụ thì cụ lại đòi ăn cháo, họ đem cháo, cụ đòi ăn phở… Có hôm khoảng 23g, cụ đòi ăn cơm rang, phải đi hơn cây số, nhân viên mới mua được hộp cơm, đem về cụ lại không ăn...”.

Chị Phạm Thị Phương Hạnh công tác tại Phòng Tổ chức - hành chính TT nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công TP Hà Nội (quận Hà Đông) cho hay, trung bình mỗi năm, TT đón 17 đợt với tổng 2.500 người gồm những người có công với đất nước như: Mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng, bố-mẹ liệt sĩ, cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh, bệnh binh…) và hàng chục người già cơ nhỡ, neo đơn không nơi nương tựa về nuôi dưỡng.

Trong đó, gần 80% lượt người đến TT đều mắc các chứng bệnh do tuổi già như: Huyết áp, tiểu đường, tim mạch… Khi đón các cụ về đây, TT đều phối hợp với BV 103 tổ chức khám, chữa bệnh cho các cụ theo phác đồ chăm sóc, điều trị của bác sĩ. Chị Phương Hạnh bùi ngùi: “Đã nhiều năm trong nghề, tôi được chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, đáng trách và cả những chuyện trớ trêu, nực cười. Tôi “nếm đủ” nỗi nhọc nhằn cả sự “đắng cay”… nhiều khi muốn bỏ nghề. Tuy nhiên, trong lòng tôi luôn day dứt với “chữ tâm và chữ thiện" nên đã níu giữ tôi và có trách nhiệm hơn với công việc mình đã chọn. Bên cạnh đó, tôi cảm thương cho những nhân viên phục vụ tại TT luôn bị mắng, chửi, bị các cụ “vu khống”, thậm chí đòi dọa đánh nhưng vượt qua tất cả với tấm lòng bao dung, sự yêu nghề và tính nhân văn đã thôi thúc họ yên tâm công tác, làm việc vì cộng đồng”.

Người cao tuổi được chăm sóc tại một trung tâm dưỡng lão. (Ảnh tư liệu)

Mô hình cần nhân rộng

Bà Lưu Thị Hường, Trưởng ban Chăm sóc người cao tuổi, Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, cho rằng, trong xã hội hiện đại, người cao tuổi dễ có cảm giác lạc lõng. Do đó, ngày càng có nhiều người muốn vào sống tại các trung tâm dưỡng lão để nâng cao chất lượng cuộc sống tuổi già. Tuy nhiên, hiện cả nước mới có hơn 400 trung tâm dưỡng lão, trong đó một nửa theo mô hình bảo trợ xã hội, còn lại theo mô hình tư nhân.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 3 trung tâm bảo trợ xã hội. Không chỉ hạn chế về nhân lực (10 người bệnh mới có 1 nhân viên chăm sóc), cơ sở vật chất tại các trung tâm khá nghèo nàn, thiếu dụng cụ tập phục hồi chức năng. Còn đối với mô hình nhà dưỡng lão có thu phí do các tổ chức ngoài công lập xây dựng và vận hành, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực được bảo đảm đầy đủ. Tuy nhiên, do mức phí ấn định từ 6 đến 9 triệu đồng/tháng tùy từng gói dịch vụ nên không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận.

Trong bối cảnh già hóa dân số, theo bà Lưu Thị Hường, chúng ta nên khuyến khích xã hội hóa dịch vụ dưỡng lão; đa dạng hóa mô hình dưỡng lão phù hợp với từng đối tượng người cao tuổi. Thực tế cho thấy, những người cao tuổi có vấn đề về sức khỏe, không tự chăm sóc được bản thân thì cần được đưa đến các trung tâm dưỡng lão tập trung. Những người cao tuổi vẫn còn sức khỏe thì có thể chọn mô hình dưỡng lão dạng bán trú.

Đồng quan điểm trên, ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho rằng, cần nghiên cứu phát triển mô hình chăm sóc người cao tuổi theo ngày như nhiều quốc gia đã thực hiện. Với mô hình này, người cao tuổi có nhiều hình thức giải trí phù hợp như chơi cờ, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh, tham gia CLB thơ… Đến chiều tối, họ lại về với con cháu. Để xây dựng mô hình bán trú, dù là dưới hình thức xã hội hóa thì vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

“Mô hình này rất hay, ở chỗ người cao tuổi không bị tách rời khỏi gia đình, đời sống tinh thần thoải mái”, ông Tạ Quang Huy chia sẻ. Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước dành cho công tác chăm sóc sức khỏe, đời sống người cao tuổi còn hạn hẹp thì xu hướng xã hội hóa, vận động tư nhân thành lập trung tâm dưỡng lão, tham gia chuỗi dịch vụ chăm sóc người cao tuổi là tất yếu.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hinh-thanh-chuoi-dich-vu-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-can-keu-goi-xa-hoi-hoa-130816.html