Hình thành kho học liệu bài giảng điện tử Tiếng Anh chất lượng cao

Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh hứa hẹn mang đến một kho học liệu điện tử Tiếng Anh phong phú, đa dạng, giàu ý tưởng, mang tính công nghệ cao để cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh toàn quốc có thể tham khảo, sử dụng.

Giáo viên Hà Nội thảo luận về sách giáo khoa tiếng Anh lớp 12 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thiết lập cộng đồng giáo viên sáng tạo

Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức là một sân chơi trí tuệ đầy hấp dẫn, bổ ích và thiết thực, là nơi để các thầy cô giáo và sinh viên sư phạm Tiếng Anh có thể phát huy sự chủ động, sáng tạo, chia sẻ những ý tưởng, kinh nghiệm của mình cũng như giao lưu học hỏi với đồng nghiệp cả nước.

Cô Đinh Thị Thủy, giáo viên Trường THCS Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, sau khi nhận được thông tin về “Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh” cô rất hào hứng tham gia và đã nhanh chóng hoàn thiện bài giảng, gửi sản phẩm dự thi cho Ban tổ chức trên website giaoviensangtao.edu.vn.

Theo cô Thủy, ngày nay việc học của học sinh có nhiều thay đổi. Dựa trên nền tảng internet, các em có thể tiếp cận nhiều tài liệu để tự học. Tuy nhiên, các bài giảng trôi nổi trên không gian mạng, nhất là các bài giảng tiếng Anh nếu không được kiểm chứng cũng đặt ra những khó khăn cho cả người dạy và người học.

Việc tổ chức các cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử không chỉ phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo của giáo viên mà còn giúp học sinh tiếp cận nguồn học liệu chất lượng và đã được kiểm chứng. Đặc biệt, trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với cách tiếp cận hoàn toàn mới, đòi hỏi phải có nguồn học liệu để giáo viên có thể học hỏi, nâng cao trình độ.

Còn cô Nguyễn Khánh Ly, giáo viên Trường THCS Tân Mai (quận Hoàng Mai) cho rằng, việc hưởng ứng cuộc thi giúp giáo viên phát huy năng lực chuyên môn, năng lực sáng tạo để hình thành những sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ tốt nhất. Qua đó, học sinh có thêm nguồn học liệu quý, các em có thể tự học và phát triển năng lực ở bộ môn tiếng Anh.

Mỗi bài giảng điện tử dự thi sẽ góp phần tích cực vào việc triển khai dạy học Chương trình mới hiệu quả hơn. Mỗi giáo viên sẽ có cách tiếp cận đối tượng học sinh khác nhau, nhưng khi dự thi, thầy cô sẽ có dự kiến các phương pháp tối ưu để mọi học sinh có thể tiếp cận bài giảng tốt nhất.

Cô Nguyễn Ngọc Phương Anh, giáo viên Trường THCS Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã gửi bài tham dự cuộc thi. Không chỉ vì phần thưởng hấp dẫn mà cô nhận thấy rằng qua quá trình thiết kế bài giảng, giáo viên sẽ có thêm kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình dạy học. Để tham dự cuộc thi, tập thể giáo viên đã cùng bàn bạc, phát huy trí tuệ tập thể của tổ nhóm chuyên môn để hoàn thiện bài giảng.

“Thông qua việc soạn giáo án, giáo viên sẽ giúp học sinh lĩnh hội kiến thức tốt nhất, sinh động nhất; đồng thời, có cơ hội trao đổi với nhiều nhóm giáo viên để tìm ra phương pháp dạy học hiệu quả và linh hoạt. Đặc biệt, việc soạn giáo án này sẽ giúp nguồn học liệu phong phú hơn, quý thầy cô có cơ hội chia sẻ và lan tỏa nguồn tài nguyên trên nền tảng số”, cô Phương Anh nhấn mạnh.

Giờ học tiếng Anh của cô trò Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Xây dựng kho học liệu Tiếng Anh chất lượng

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), đánh giá, chương trình GDPT 2018 gắn với phát triển phẩm chất năng lực người học. Để làm được điều này, các thầy cô ngoài kỹ năng hướng dẫn, phải thay đổi phương pháp dạy học và chuẩn bị kỹ lưỡng về bài giảng.

Do vậy, để các bài thi được lan tỏa, đúng và trúng, tác phẩm phải như một câu chuyện, ở đó tác giả thiết kế các bài giảng sao cho thể hiện giáo viên tổ chức một giờ dạy học như thế nào, diễn biến ở giờ dạy ấy trong lớp ra sao, học sinh thu được kiến thức gì…

Đặc biệt, cuộc thi phải có tiêu chí rõ ràng, các sản phẩm sau cuộc thi này mới có sức lan tỏa đúng và trúng cho toàn bộ giáo viên trên cả nước, không chỉ môn tiếng Anh mà có thể các môn học khác.

Ông Thành cũng bày tỏ mong muốn cuộc thi sẽ giúp ngành giáo dục có được một ngân hàng bài giảng theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018 đặt ra, giúp giáo viên cả nước có thể tham khảo, học tập.

Còn theo ông Lê Huy - Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục luôn được quan tâm, với nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên; ưu tiên bồi dưỡng ứng dụng các phần mềm dạy học, xây dựng học liệu số, bài giảng điện tử, kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến. Đây cũng chính là mục đích mà cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh hướng tới, làm sao đẩy mạnh và nâng cao ứng dụng kỹ năng số và công nghệ tiên tiến trong dạy và học ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục theo chương trình mới.

PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/hinh-thanh-kho-hoc-lieu-bai-giang-dien-tu-tieng-anh-chat-luong-cao-i726797/