Hình thành năng lực, giáo dục nhân cách qua việc tham gia câu lạc bộ

Phần lớn học sinh hiện nay khá thụ động do các thiết bị thông minh. Các em có thể ngồi lì một chỗ nếu trong tay có chiếc điện thoại kết nối internet hoặc ở lì trong phòng cả ngày với chiếc máy tính. Vì thế tổ chức các câu lạc bộ để hình thành năng lực và giáo dục nhân cách cho các em là việc làm cần thiết để tạo ra một sân chơi lành mạnh, có định hướng cho các em.

Việc tổ chức các câu lạc bộ cũng khá đa dạng và phong phú như câu lạc bộ đọc sách. Đây là câu lạc bộ của những người đam mê với sách. Vì thế thầy cô và học sinh cùng tham gia như những chủ thể không thể thiếu. Hình thức hoạt động của câu lạc bộ là đọc sách theo từng chủ đề. Thầy cô sẽ chọn hoặc theo phiếu ghi nội dung chủ đề các em quan tâm khi tham gia câu lạc bộ.

Ví dụ khi đọc cuốn sách “Đến Nhật Bản học về cuộc đời” của Lê Nguyễn Nhật Linh các em sẽ tìm hiểu về vị trí địa lí và văn hóa của người Nhật. Vì là câu lạc bộ nên các em có thể tìm hiểu thông qua trò chơi “chuyền tay”. Mỗi bạn sẽ nói một sự hiểu biết của bản thân về văn hóa của người Nhật khi vật chuyền đến tay mình. Nói xong sẽ truyền cho người kế tiếp. Cử một bạn đại diện ghi nội dung đó lên một bảng hoặc giấy A0. Sau đó các bạn trong câu lạc bộ sẽ thống nhất nội dung.

Giáo viên có thể tổ chức hoạt động câu lạc bộ Nhân Ái, nhằm dạy cho con trẻ biết yêu thương con người và biết trân trọng giá trị của sức lao động, có ý thức bảo vệ môi trường. Mục đích của CLB này chủ yếu là thu gom giấy vụn và chai lo nhựa để bán lấy tiền để xây dựng quỹ đồng thời cũng chính là cách làm sạch môi trường. Quỹ đó sẽ dành tặng cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường và trong khu vực các em sinh sống.

Khi tham gia câu lạc bộ này các em sẽ học được bài học về sẻ chia, về giá trị của sức lao động vì “một đồng đô la kiếm được do công sức của mình làm ra còn quý hơn năm đô la nhặt được trên hè phố” (Abraham Lincoln). Đặc biệt, các em còn được giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường và hình thành năng lực hợp tác, tính toán. Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn. Bài học nhỏ, giá trị lớn.
Bên cạnh đó là các câu lạc bộ thể thao,câu lạc bộ âm nhạc, câu lạc bộ tin học và nghiên cứu khoa học. Các câu lạc bộ này sẽ vận động nhưng học sinh có thế mạnh về âm nhạc, về thể thao tham gia để phát huy hết thế mạnh và đam mê của các em. Khi mới bắt đầu tưởng rất khó hoạt động vì ở trường THPT không có giáo viên âm nhạc.

Tuy nhiên, thực sự trong cát có vàng. Khi ghi danh thành viên câu lạc bộ thì đã xuất hiện rất nhiều những tài năng về thể thao cũng như âm nhac. Đặc biệt các câu lạc bộ còn có cả sự tham gia của các bậc phụ huynh. Không những ủng hộ về cơ sở vật chất như làm cột bóng rổ, tài trợ mua bóng mà nhiều phụ huynh còn sẵn sàng trở thành huấn luyện viên tình nguyện cho các em trong câu lạc bộ.

Vì vậy, câu lạc bộ còn tăng cường giáo dục giữa gia đình và nhà trường . Đồng thời, giúp cho các em học sinh thấu hiểu phụ huynh và phụ huynh có cơ hội thấu hiểu và đồng hành cùng con. Tuy nhiện, với câu lạc bộ tin học và nghiên cứu khoa học thì cần sự hỗ trợ của các thầy cô giỏi về công nghệ. Trong khi đó cơ sở vật chất của các trường công lập lại khá nghèo nàn. Vì vậy, mong ước cũng chỉ là mong ước.

Thiết nghĩ, giáo dục là một quá trình. Sản phẩm của giáo dục cũng không thể nhìn thấy ngay trước mắt. Nhưng nếu có biện pháp phù hợp, nội dung đúng đắn chắc chắn chúng ta sẽ có những con người: bản lĩnh, trách nhiệm, giàu yêu thương.

Theo Tiếng nói giáo viên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/hinh-thanh-nang-luc-giao-duc-nhan-cach-qua-viec-tham-gia-cau-lac-bo-3955619-c.html