Hình thành nhiều vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao

Hiện Hà Nội đã xây dựng được một số vùng chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Năm 2017 và 2018, thành phố (TP) đã có thêm 123 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 115 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, toàn TP đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.183,1ha/75.980ha (đạt 104,2%). Sau dồn điền đổi thửa, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa như Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25 - 30%.

Trong phát triển nông nghiệp, Hà Nội xác định công tác dồn điền đổi thửa là khâu đột phá, tạo tiền đề hình thành các vùng chuyên canh lớn.

Thành phố khuyến khích người dân và doanh nghiệp… phát triển nhiều vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng hoa, cây ăn quả; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung quy mô lớn…

Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp giai đoạn 2008 -2017 tăng trung bình 2,68%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp năm 2017 đạt khoảng 242 triệu đồng, gấp 2 lần năm 2008.

Mô hình chăn nuôi gia đình đã giúp nhiều hộ dân ngoại thành Hà Nội vươn lên làm giàu. Ảnh: G.B.

Hiện Hà Nội đã xây dựng được một số vùng chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra nhiều thương hiệu nông sản đặc thù của Thủ đô, với các sản phẩm truyền thống như bưởi Diễn, cam Canh và nhiều sản phẩm mới có giá trị cao như bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đường Quế Dương, cam canh Kim An, bưởi Phúc Thọ, bưởi Chương Mỹ, bưởi Sóc Sơn, phật thủ Đắc Sở, nhãn muộn Đại Thành, nhãn muộn Hoài Đức, chuối Cổ Bi, chuối Vân Nam, ổi Đông Dư..., không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu.

Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đạt kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn TP đã cấp được 99,1% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân sau dồn điền đổi thửa, làm cơ sở quan trọng để các hộ nông dân liên kết, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Chỉ tính riêng trong hơn 2 năm gần đây, TP đã có thêm 123 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 115 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tích cực.

Đời sống vật chất và tinh thần nông dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tiếp tục tăng lên, năm 2008 đạt 8 triệu đồng, năm 2017 tăng lên 43 triệu đồng, gấp trên 5,4 lần so với thời kỳ đầu hợp nhất.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hinh-thanh-nhieu-vung-chuyen-canh-ung-dung-cong-nghe-cao-127802.html