Hình tượng chằn trong văn hóa Khơme Nam Bộ

Vùng Nam Bộ là địa bàn sinh tụ của nhiều tộc người Hoa, Khơme, Chăm, Xtiêng, Chơ ro… Qua quá trình cộng cư, giao lưu văn hóa lâu dài của các tộc người đã hình thành nên diện mạo văn hóa vùng khá đa dạng, phong phú.

Hình tượng chằn được thể hiện dưới dạng một người khổng lồ với khuôn mặt rất dữ tợn: mắt lồi, trợn to, mày xếch, miệng rộng, mũi to, hai răng nanh dài, nhọn, toàn thân mặc giáp trụ, đầu đội mũ nhọn, tay cầm gậy, hai chân hơi khuỳnh ra. Ảnh: Internet.

Hình tượng chằn được thể hiện dưới dạng một người khổng lồ với khuôn mặt rất dữ tợn: mắt lồi, trợn to, mày xếch, miệng rộng, mũi to, hai răng nanh dài, nhọn, toàn thân mặc giáp trụ, đầu đội mũ nhọn, tay cầm gậy, hai chân hơi khuỳnh ra. Ảnh: Internet.

Văn hóa Khơme được kết hợp hài hòa bởi văn hóa truyền thống, Bà la môn giáo, Phật giáo Nam tông. Một trong số các hình tượng văn học, văn hóa Bàlamôn đặc trưng là hình tượng chằn, mang ý nghĩa sự hòa quyện giữa Bàlamôn giáo, Phật giáo với các tín ngưỡng dân gian, hình thành nên sắc thái văn hóa đặc trưng của người Khơme.

Nguồn gốc của hình tượng chằn

Edmund Leach đã nói: “Hình tượng có chủ đích để cho con người có thể cảm nhận. Hình tượng được tạo ra vì đám đông những người ngưỡng mộ, nó sẽ được họ cảm nhận một cách hết sức bình thường. Người nghệ sĩ sơ khai làm việc vì đám người chiêm ngưỡng hợp lại từ các thành viên trong cộng đồng của ông ta, cùng thấm nhuần một truyền thống hoang đường huyễn hoặc như chính ông ta, quen thuộc với cùng một môi trường của yếu tố vật chất, hoạt động nghi lễ; vì thế, người nghệ sĩ sơ khai có thể truyền đạt một cách vắn tắt các biểu tượng có cùng chung ý nghĩa căn bản, chung mức độ mơ hồ đối với người nghệ sĩ cũng như với những người chiêm ngưỡng” (1).

Hình tượng chằn được thể hiện dưới dạng một người khổng lồ với khuôn mặt rất dữ tợn: mắt lồi, trợn to, mày xếch, miệng rộng, mũi to, hai răng nanh dài, nhọn, toàn thân mặc giáp trụ, đầu đội mũ nhọn, tay cầm gậy, hai chân hơi khuỳnh ra. Về nguồn gốc của chằn trong nền văn hóa Khơme đến nay gần như không còn ghi chép nào cả do những biến cố lịch sử như chiến tranh, loạn lạc phân ly... Tuy nhiên, nền văn hóa Khơme chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn Độ, nên có thể xác định hình tượng chằn xuất phát từ văn hóa Bàlamôn. Đến khi Phật giáo trở nên phổ biến trong đời sống cư dân Khơme thì Bàlamôn giáo trở thành tàn dư, hình tượng này cũng chính vì thế đã có sự biến đổi về ý nghĩa, trở thành một hình tượng bảo vệ ngôi chùa.

Về tính chất chung, chằn được xem là hình tượng của một nhân vật ác. Quan niệm về chằn khá phổ biến trong nếp nghĩ của người dân Khơme là dạng quỷ ác, xấu xa. Sự ảnh hưởng này khiến hình tượng chằn trở nên đa dạng, phong phú trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội của người Khơme. Với họ, quan niệm về các loại chằn này được tổng hợp từ cả quan niệm truyền thống Veda, Bàlamôn giáo, Phật giáo.

Hình tượng chằn trong văn học dân gian

Văn học dân gian có vai trò quan trọng trong các thành tố của văn hóa dân gian. Nó không tác động vào cảm giác như các loại hình nghệ thuật dân gian khác mà nó tác động gián tiếp bằng ngôn ngữ, diễn tả hiện thực, cũng như thể hiện tâm tư của con người. Văn học dân gian gồm hai hình thức chính: văn xuôi, văn vần. Đối với đặc trưng của loại hình văn học dân gian thì tính chất truyền miệng là chính, do thế mà nền văn học dân gian của cư dân Khơme Nam Bộ cũng mang đặc tính này, được truyền miệng từ đời này sang đời khác qua phương thức kể chuyện.

Trong các loại hình văn hóa dân gian, tục ngữ, thành ngữ, ca dao là loại hình có mối quan hệ hữu cơ với lời ăn tiếng nói của nhân dân. Tục ngữ, thành ngữ là những câu nói ngắn gọn, có ý nghĩa hàm súc, do nhân dân lao động sáng tạo nên, lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Tuy vậy, hình tượng chằn khá hiếm trong kho tàng ca dao, thành ngữ, tục ngữ Khơme, mà thường được đại diện để so sánh với Phật.

Bên cạnh thể loại trên thì truyện kể dân gian cũng là một thể loại khá phong phú. Trong kho tàng truyện kể dân gian của người Khơme, truyện cổ tích chiếm một vị trí độc đáo, in dấu sâu đậm trong tiềm thức mỗi người dân. Bằng cảm quan trong sáng của những con người lao động hiền hòa, truyện cổ tích thường bộc lộ quan niệm cho rằng cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác, kẻ xấu luôn bị khuất phục bởi người tài trí. Truyện cổ ca ngợi sự thông minh, lòng thủy chung ngay thẳng, tính cương trực, những hành động vì lẽ phải, đồng thời cũng phê phán những thế lực xấu xa, tàn ác, những thói hư tật xấu của con người.

Trong những tích truyện cổ, chằn luôn gắn với hình tượng một kẻ độc ác, có ít nhiều phép thuật, chuyên phá hoại người khác nhưng kết thúc hầu hết đều chịu khuất phục bởi Phật. Trong truyện cổ Khơme, chằn còn tồn tại cả những mâu thuẫn, việc giải quyết tranh chấp là mấu chốt câu chuyện. Hình tượng chằn đặc biệt có vai trò quan trọng nhất là trong tích truyện Reamker, một phiên bản của Ramayana Ấn Độ. Đây là một tác phẩm có giá trị bất hủ trong nền văn hóa Khơme. Reamker mang kết cấu, trục nhân vật như những truyện thơ truyền kỳ, có những thành tựu rực rỡ về ngôn ngữ, tính nhân đạo cao cả, việc xây dựng thành công hai nhân vật chính là Preah Ream, Seda. Câu chuyện phát triển xung quanh mâu thuẫn giữa lực lượng thiện, ác, được biểu hiện thành mối quan hệ đối kháng giữa dì ghẻ với con chồng, giữa người với chằn... Các nhân vật tuy xuất thân thần thánh, song gần gũi với con người trần tục với những giằng xé nội tâm nhằm vươn đến cái đẹp.

Ở đây, nhóm nghiên cứu chia các nhân vật trong truyện Reamker làm ba tuyến chính: tuyến bên hoàng tử, tuyến bên chằn, tuyến bên khỉ. Tuyến bên hoàng tử tiêu biểu cho cái thiện, tinh thần anh hùng, tài ba, lòng đức độ, như cái thiện tồn tại trong xã hội, lý tưởng mà con người mong muốn; tuyến bên chằn tiêu biểu cho cái ác, cái xấu xa tồn tại trong thiên nhiên, xã hội; tuyến bên khỉ tiêu biểu cho lòng quả cảm, trung thành, sự thông minh, mưu lược.

Truyện Reamker đã thể hiện rõ cuộc đấu tranh giữa thiện, ác; giữa bổn phận, quyền lợi; giữa danh dự, tình yêu. Văn bản Reamker hiện nay tồn tại cả dưới dạng văn xuôi, văn vần; có hai loại văn bản: loại văn bản cổ điển, loại văn bản dân gian. Reamker dân gian nhìn chung nhiều văn xuôi hơn thơ, ngôn ngữ quần chúng nhưng dài dòng, thiếu lôgic. Reamker cổ điển thường ngắn hơn, chủ yếu viết bằng thơ, ngôn ngữ cầu kỳ, hoa mỹ, tình tiết cốt truyện có tính lôgic chặt chẽ, nội dung ý nghĩa có tính tượng trưng cao, mang những bài học đạo đức, cách đối nhân xử thế dân gian.

Hình tượng chằn trong nghệ thuật diễn xướng

Vai chằn trong sân khấu rôbăm

Rôbăm là một loại hình kịch múa mặt nạ lâu đời với đề tài là tích truyện Reamker, liên quan đến vua, thần…, có vô số dị bản từ cốt truyện. Sân khấu rôbăm là sân khấu diễn xướng, nghi lễ; vai chằn là linh hồn của sân khấu rôbăm Nam Bộ, được xem như một vị thần với đầy đủ cá tính: mưu trí, khôn ngoan, độc ác, dữ tợn, biết yêu đương, tiên tri... Trong sân khấu rôbăm, vai chằn chủ yếu được chia thành hai dạng: chằn thiện, chằn ác; ngoài ra cư dân còn sáng tạo nên chằn tu, có nghĩa là chằn đã quy y, chứng tỏ sự ảnh hưởng của Phật giáo bao trùm lên Bàlamôn giáo.

Bộ lục lạc đeo ở bắp chân các vai chằn thể hiện sức sáng tạo phong phú của cư dân Khơme Nam Bộ, đã thổi luồng khí thiêng bằng những thanh âm rộn rã nhưng đầy uy lực. Áo của chằn thô sơ, giản dị, không có hai cầu vai vểnh lên nhưng mỗi chuyển động của chằn đều mang cái hồn rất lạ, khán giả vẫn cảm nhận ông chằn đó rất dữ nhưng rất đẹp. Trang phục của các diễn viên rôbăm thường gắn những mảnh kiếng tròn, dùng để phản chiếu ánh sáng, tạo hiệu ứng lấp lánh, có tác dụng tăng thêm sự hấp dẫn cho các vai diễn.

Bên cạnh phục trang, động tác múa của vai chằn cũng hết sức quan trọng. Mỗi động tác đều mang ý nghĩa riêng, dựa trên những nguyên tắc chặt chẽ từ ngàn xưa. Các chuyên khảo về nghệ thuật múa Campuchia cho thấy có 6 tư thế nối tiếp nhau để hợp thành kết cấu trình diễn của vai chằn Krong Reap. Mặt nạ rôbăm phải trùm kín hết cả đầu, chỉ khoét hai mắt để nhìn tương tự như mặt nạ ông địa trong múa lân.

Vai chằn trong sân khấu dù kê

Hình tượng chằn trong sân khấu dù kê là một kẻ giàu có, lắm mưu, nhiều kế, quỷ quyệt, háo sắc, có sở trường sử dụng ma thuật, binh lực đi gây chiến. Cấu trúc các tuồng tích diệt chằn cứu người không chỉ là nêu ra sự xung đột giữa chằn với người hùng để kết thúc bằng diệt chằn, mà còn hàm chứa những xung đột khác lớn hơn, trong đó mâu thuẫn giữa chằn với người diệt chằn là những chi tiết lồng vào cho vở diễn thêm phong phú. Trong thực tế, việc chuyển thể tác phẩm văn học ít khi sử dụng trọn vẹn để dàn dựng trên sân khấu. Các thày tuồng thường chọn những tình tiết cơ bản của cốt truyện để dẫn đến một trong những trận đánh tiêu diệt con chằn thuộc hạ hay trận đánh kết thúc diệt chằn Krong Reap. Ý nghĩa triết lý ở đây là cái ác luôn tồn tại bên cạnh cái thiện, cái thiện chiến thắng cái ác là kết thúc có hậu mà nhân dân mong ước. Do đó, trong chừng mực nhất định có thể nói rằng mô tip diệt chằn trong sân khấu, trong văn học Khơme bắt nguồn từ truyện Reamker. Điều này chứng tỏ Reamker đã tạo nên một xu hướng sáng tạo nghệ thuật độc đáo riêng của các nghệ sĩ Khơme.

Vai chằn trong sân khấu dù kê dùng màu để vẽ mặt, nanh cong, dài, lúc ngậm vào, lúc lồi ra hai bên mép, làm tăng thêm tính hung dữ. Tất cả đều là biểu tượng đặc trưng của các nhân vật phản diện trên sân khấu tuồng. Chằn trong dù kê Khơme thường được phân biệt: chằn chưa biết phép thuật là chằn khi xuất hiện trên sân khấu chưa biết múa vũ đạo, chằn biết phép thuật là chằn có vũ đạo, chằn thiện (chằn tu) phân biệt ở cách hóa trang (chủ yếu màu trắng), trang phục. Vai chằn được chia thành nhiều loại: chằn lính, chằn vua, chằn tu, chằn nữ... Trong sân khấu dù kê, đôi nanh là chi tiết khá quan trọng đối với nhân vật chằn. Nanh là nanh lợn thật. Khi diễn xong một vở tuồng, phải đặt đôi nanh lên bàn thờ tổ rất trân trọng. Các nghệ sĩ tin rằng làm như thế mới được thần linh phù trợ để vai diễn luôn xuất thần, diễn viên được mạnh khỏe.

Các nghệ sĩ đóng vai chằn trong dù kê sử dụng hai màu chính là đen, trắng để vẽ mặt. Chất liệu để vẽ mặt là sơn bột màu trộn với mỡ lợn. Việc thể hiện những đặc điểm nhân vật trên sân khấu dù kê dựa vào cơ sở mà những nghệ nhân dân gian trước đã quy định. Vì là vai phản diện, tiêu biểu cho cái ác nên các động tác múa của vai chằn được cường điệu, trông rất dữ tợn; cặp mắt luôn liếc qua liếc lại nhiều lần; miệng, nanh trong trạng thái chuyển động sao cho cặp nanh đưa lên đưa xuống; tư thế đi đứng phải ưỡn căng lồng ngực, ngực luôn đi trước, theo chân nhịp nhàng.

Dù kê từ khi ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của cư dân Khơme Nam Bộ, khẳng định được vị thế của mình trên đất Campuchia. Cấu trúc song tuyến đối lập thiện, ác; nhân đức, bạo tàn; chính nghĩa, phi nghĩa; yêu nước, phản quốc... trong tuồng tích diệt chằn truyền thống đã trở thành một quán tính của thị hiếu tâm lý thưởng ngoạn sân khấu, vẫn chưa thay đổi với các thày tuồng, khán giả. Hình tượng chằn dù kê mang ý nghĩa giáo dục nhân cách con người, hướng đến những giá trị nhân văn. Reamker được đưa vào trong đời sống văn hóa, nghệ thuật diễn xướng, lễ hội dân gian... khiến cho hình tượng chằn càng trở nên độc đáo, đặc sắc. Đó là một hình tượng văn hóa phản ánh cuộc sống với cái thiện, ác, tốt, xấu đan xen nhau.

Như vậy, từ khởi nguyên là một hình tượng đến từ Ấn Độ mang dấu ấn Bà la môn giáo nhưng chằn hầu như trở thành một hình ảnh gần gũi với Phật giáo của cư dân Khơme Nam Bộ. Đó là một hình tượng văn hóa thể hiện ước muốn vươn đến các giá trị chân, thiện, mỹ của người dân nơi đây.

_____________

1. Hoebel, E. Adamson, Nhân chủng học - khoa học về con người, Nxb Tổng hợp, TP. HCM, 2007, tr.376

Nguyễn Thị Tâm Anh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hinh-tuong-chan-trong-van-hoa-khome-nam-bo-68918