Hình tượng chiến sĩ qua nghệ thuật xiếc

Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang dàn dựng chương trình xiếc 'Đi cùng năm tháng' lấy hình tượng người chiến sĩ cách mạng làm trung tâm, với mong muốn tri ân các thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc. Chương trình diễn ra lúc 20h ngày 27-7 tại Rạp Xiếc trung ương (67-69 Trần Nhân Tông, Hà Nội).

Hình tượng người chiến sĩ xuất hiện nhiều trong thơ ca, nhạc họa, là trung tâm của nhiều bộ phim, vở kịch nhưng trong nghệ thuật xiếc, có lẽ đây là lần đầu tiên có một chương trình quy mô về những người anh hùng trong kháng chiến do đơn vị hàng đầu của nghệ thuật xiếc Việt Nam dàn dựng. Chương trình có sự phối hợp của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội, huy động nghệ sĩ 4 đoàn biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

NSƯT Tống Toàn Thắng, đạo diễn chương trình cho biết, tinh thần bộ đội Trường Sơn sẽ xuyên suốt “Đi cùng năm tháng”, được tái hiện bằng các tiết mục xiếc có lồng ghép nội dung, giai điệu bài hát, cảm xúc biểu diễn của nghệ sĩ, vừa mang tính nghệ thuật vừa sâu nặng tình nghĩa.

“Đi cùng năm tháng” gồm 10 màn trình diễn, mở đầu là hoạt cảnh “Đồng đội” mang khí thế chiến đấu sôi nổi của quân và dân ta, kết thúc là màn xiếc tổng hợp thể hiện thắng lợi vẻ vang. Trong chương trình, các nghệ sĩ sẽ mở ra những không gian khắc họa hình ảnh chiến sĩ đặc công, chiến sĩ hải quân, anh nuôi, thanh niên xung phong, bộ đội lái xe… sống động trên sân khấu.

Các đạo cụ thanh chống, vòng lửa, dây thăng bằng, xe đạp… được tạo hình thành những vật dụng quen thuộc của người chiến sĩ như chiếc gậy Trường Sơn, chiếc võng, xe vận tải, nồi niêu, xoong chảo… để nghệ sĩ thể hiện những màn đu dây, thăng bằng trên dây, tung hứng, đi xe đạp...

Ngôn ngữ ảo thuật cũng được chuyển hóa sinh động qua cuộc gặp gỡ giữa bộ đội và nữ thanh niên xung phong. Bên cạnh đó, đạo diễn nhấn vào tình nghĩa quân dân thắm thiết, tình cảm giữa tiền tuyến và hậu phương để tạo nên một cái nhìn tổng thể về hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Chương trình cũng cho thấy sự sáng tạo, đổi mới của ê kíp để tạo bất ngờ và xúc động cho khán giả. Ví dụ trong các tiết mục đu dây da đôi thông thường, người nam giữ vai trò chính, người nữ là phụ. Còn trong tiết mục “Huyền thoại mẹ” lần này, trên nền ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, diễn viên nữ giữ vai trò chính, là hình ảnh người mẹ, nâng đỡ cho diễn viên nam vào vai người con - chiến sĩ cách mạng, thực hiện những động tác nhào lộn, bay trên không đẹp mắt. Tiết mục vừa khoe được thể lực, sự khéo léo của hai diễn viên, vừa chứa đựng ý nghĩa sâu xa là sự che chở, tiếp sức của người mẹ để con trai vượt qua gian khổ, giành chiến thắng trở về.

Tiết mục “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” cũng gây ấn tượng không kém khi hình ảnh nữ anh hùng bất khuất xuất hiện trong trang phục trắng, cài hoa lê ki ma trên tóc, thực hiện những màn nhào lộn, đu với dải lụa đỏ màu cờ. Đạo diễn tăng nhiều pha diễn mạo hiểm đem lại cảm giác hồi hộp rồi vỡ òa cho người xem và cũng để minh chứng về sự kiên cường, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến.

Đây là chương trình hiếm hoi của Liên đoàn Xiếc Việt Nam có sử dụng nhạc sống. Ca sĩ và dàn nhạc sẽ trực tiếp thể hiện các ca khúc cách mạng như “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Huyền thoại mẹ”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”… trên sân khấu cùng nghệ sĩ xiếc.

NSƯT Tống Toàn Thắng cho biết, hiểu được ý nghĩa của chương trình, tất cả các nghệ sĩ được huy động đều nhiệt tình và hứng khởi tham gia tập luyện, biểu diễn và không nhận thù lao. Toàn bộ tiền bán vé, tiền ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thông qua chương trình sẽ đưa vào quỹ quà tặng các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công và nạn nhân chất độc da cam.

Ban lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã quyết định tổ chức chương trình này hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, vừa đóng góp dấu ấn tri ân tháng 7 tại Thủ đô, vừa giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc cho diễn viên và khán giả trẻ.

Thụy Du

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/908081/hinh-tuong-chien-si-qua-nghe-thuat-xiec