Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân qua vở chèo'Vụ án am Bụt Mọc'

Vở chèo 'Vụ án am Bụt Mọc' của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa dàn dựng và biểu diễn đã tập trung khai thác đời sống, chiến đấu, lao động, học tập của người chiến sĩ công an Nhân dân (CAND).

Một cảnh trong vở chèo “Vụ án am Bụt Mọc” của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa.

Đặc biệt, vở diễn đã tạo nên bức tranh đa sắc màu về hình tượng người chiến sĩ CAND bằng ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu với trung tâm là hình tượng người chiến sĩ CAND trên mặt trận bảo vệ an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì sự bình yên của cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân.

“Vụ án am Bụt Mọc” mở ra trong bối cảnh Huyền - vợ của người tù bị những người hàng xóm xì xào, dị nghị, kỳ thị bởi là vợ của kẻ sát nhân. Huyền đau khổ tuyệt vọng đến mức ngất đi. Đúng lúc ấy thì Trọng - chiến sĩ CAND xuất hiện, kịp thời gọi cấp cứu đưa Huyền đi bệnh viện. Trở về phòng làm việc tại cơ quan công an, Trọng lật tìm hồ sơ vụ án, phát hiện có những điểm bất hợp lý. Với bản lĩnh của người chiến sĩ CAND, Trọng không thể thấy sai mà không lên án, thấy lẽ phải mà không bênh vực, bảo vệ. Vì vậy, Trọng đã âm thầm tìm hiểu, điều tra mong tìm ra manh mối của vụ án. Có những lúc vì ham công việc, quên cả thời gian, thậm chí Trọng còn bị vợ con hiểu nhầm và chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu vắng sự quan tâm của người chồng, người cha trong gia đình. Điều đó khiến cho Trọng phải đứng trước 2 sự lựa chọn: Công việc hay gia đình? Cuối cùng, vợ Trọng đòi chia tay, còn Trọng chọn công việc, bởi anh muốn tìm cho ra sự thật và trừng trị những kẻ dám coi thường pháp luật. Trọng đề nghị với ban chuyên án nên xem xét lại, vì cho rằng vụ án am Bụt Mọc có nhiều tình tiết khuất tất. Tuy nhiên, vụ án đã khép lại với thành tích được cấp trên khen thưởng, nên ban chuyên án không đồng ý với lời đề nghị của Trọng, vì bao công sức của anh em sẽ đổ xuống sông, xuống biển hết. Nhưng Trọng vẫn một mực nói: “Thấy sai thì phải sửa, không thể để cái sai này chồng lên cái sai khác được”.

Mất gia đình, bị đồng nghiệp ghét bỏ, Trọng bị đè nén bởi nhiều áp lực, dày vò tâm can, biết phải làm sao cho vẹn toàn giữa sự nghiệp và niềm riêng?. Nghĩ nhiều, khiến Trọng bị ốm, phải nghỉ nằm ở nhà. Đang lúc buồn bã thì thủ trưởng cơ quan cùng một số đồng nghiệp đến thăm. Trọng nói với các anh: “Dù có bị kỷ luật hay mất việc, tôi vẫn quyết đi đến cùng sự thật. Mong các anh sớm xác minh lại một số chi tiết, bởi kết quả điều tra là căn cứ vô cùng quan trọng quyết định vụ án”. Thủ trưởng cơ quan và các đồng nghiệp nghe Trọng nói rất cảm động, hứa sẽ mở rộng điều tra để tìm ra sự thật. Tại nhà của người bị hại, công an đến xác minh lại các tình tiết của vụ án, cuối cùng người nhà của người bị hại đã thừa nhận rằng, do tức giận với chồng của Huyền nên đã vu oan khiến cho chồng của Huyền phải đi tù. Vở diễn khép lại trong sự lắng đọng vô vàn cảm xúc của người xem. Đó là sự đáng giận của người nhà người bị hại đã đẩy người tốt vào vòng lao tù. Là sự tắc trách của một số người mang trên mình bộ quân phục CAND, nhưng vì thành tích mà coi thường luật pháp, sống giả dối, gieo mầm cho sự phản loạn. Là sự tôn vinh, ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ CAND như Trọng, luôn sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật và vì cuộc sống bình yên của Nhân dân mà hy sinh quên mình...

Vở chèo “Vụ án am Bụt Mọc” diễn ra trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, đã nhận được sự đồng tình của đông đảo công chúng. Đạo diễn, NSND Trương Hải Thọ khẳng định: “Lực lượng vũ trang CAND nói chung, lực lượng CAND Thanh Hóa nói riêng đã làm được rất nhiều việc, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho cuộc sống của Nhân dân. Tất cả những vụ án đều được dư luận đánh giá cao, minh bạch, công khai, đúng người, đúng tội, kể cả những việc oan sai đã tích cực điều tra lại. Với ý nghĩa đó, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa đã lựa chọn hình tượng người chiến sĩ CAND trên mảng điều tra hình sự để dàn dựng thành vở diễn”.

Tác giả chuyển thể chèo Nguyễn Sỹ Sang, chia sẻ: “Vụ án am Bụt Mọc là tác phẩm của tác giả kịch nói Nguyễn Thị Nguyệt. Khi được NSND Trương Hải Thọ ngỏ ý, muốn chuyển thể từ kịch sang chèo, mình đã vui vẻ nhận lời và tìm cách biến tấu nó thành một vở chèo có nội dung hiện đại. Khi chuyển thể sang chèo, cái khó nhất là về ngôn ngữ, bởi ngôn ngữ kịch khác ngôn ngữ chèo. Chèo đòi hỏi chất thơ nhiều hơn. Nguyên bản là tác phẩm kịch, không có lời hát, chỉ là một câu chuyện kịch. Mình đã phải biến tấu thật khéo léo làm sao cho vở chèo đầy chất thơ, để diễn viên phải hát được những câu hát mềm mại khi cần thể hiện góc khuất tâm trạng của nhân vật. Do vậy, cái khó và cái cần để đạt được một vở chèo bao giờ cũng hội đủ các yếu tố: Thơ, tài và trữ tình. Tác phẩm ca ngợi người chiến sĩ CAND là nội dung hiện đại, mà chèo có tính dân gian, vì vậy, khi viết phải lồng điệu từ thơ đến hát, xây dựng tính cách nhân vật sao cho vẫn giữ được cái hồn cốt của chèo”.

Với nghệ sĩ Nhật Hóa (vai Trọng) bộc bạch: “Mình cảm thấy rất vui, song cũng có một chút lo lắng và hồi hộp, bởi đây là lần đầu tiên vào vai một chiến sĩ CAND trên sân khấu chèo. Trước đây, mình chỉ diễn những vai chèo truyền thống thì ở vở chèo này với đề tài hiện đại, thì mình cũng hơi bỡ ngỡ. Khi mà các vai diễn chèo cổ, chèo truyền thống có hình thức biểu diễn rất khác, thì chèo hiện đại đòi hỏi phải gần gũi với hơi thở cuộc sống. Tuy nhiên, thách thức đó cũng là cơ hội để mình không ngừng sáng tạo, thay đổi phong cách biểu diễn cho phù hợp với từng thể loại sân khấu, cũng như từng vai diễn”.

Sau 3 tuần công diễn liên tục (từ ngày 16-7 đến 2-8-2020), Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND lần IV năm 2020 đã chính thức khép lại với lễ tổng kết, trao giải vào tối 2-8 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội. Tham gia liên hoan có gần 1.000 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 27 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước, với 33 vở diễn thuộc các loại hình nghệ thuật: chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói. Kết quả, vở chèo “Vụ án am Bụt Mọc” của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa đã giành được 2 Huy chương Vàng cho các nghệ sĩ: Nhật Hóa (vai Trọng) và Mạnh Cường (vai Tưởng); 3 Huy chương Bạc cho các nghệ sĩ: Thu Hà (vai Thúy); Hương Liên (vai Huyền) và NSƯT Khánh Vinh (vai ông Khánh).

Có sự đầu tư nghiêm túc về kịch bản, dàn dựng công phu và có nhiều sáng tạo, vở chèo “Vụ án am Bụt Mọc” của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa đã thành công trong việc khai thác nhiều góc khuất, sâu lắng của lực lượng CAND trên lĩnh vực công tác. Vở diễn đã góp phần đưa hình ảnh người chiến sĩ CAND gần dân, gắn bó với Nhân dân, làm cho Nhân dân hiểu, tin tưởng, gần gũi hơn với lực lượng CAND. Từ đó, Nhân dân chung sức, đồng lòng tham gia tích cực cùng lực lượng công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Ngọc Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/hinh-tuong-nguoi-chien-si-cong-an-nhan-dan-qua-vo-cheo-vu-an-am-but-moc/123123.htm