Hình tượng người 'khổng lồ' trong huyền thoại xứ Thanh

Xứ Thanh, vùng đất của những con người giàu ý chí và nghị lực, tháo vát và tự tin, cần cù và lãng mạn... Những tố chất ấy đã giúp con người vùng đất này luôn biết vươn lên chinh phục hoàn cảnh, làm chủ số phận và hướng tới tương lai.

Xứ sở của người ‘khổng lồ’ trong thần thoại, truyền thuyết

Hình tượng người “Khổng lồ” không hiếm gặp trong kho thần thoại của nhiều địa phương trên cả nước, song có lẽ khó có nơi nào lập được một danh sách dài như ở xứ Thanh: Ông Nưa, ông Vồm, ông Go, ông Bưng, ông Lau, ông Đống, ông Quảy Núi, ông Cày Sông, ông Lấp Bể, ông Đồng Gánh Núi, ông Trụ Trời, ông Nẹ, ông Độc Cước...

Ấy là chưa kể những ông không có tên riêng, chỉ mang danh hiệu chung: Ông Khổng lồ hay Người Khổng lồ. Trong kho tàng thần thoại hay truyền thuyết, có thể nói, xứ Thanh là xứ sở của những người “Khổng lồ”. Bàn chân người Khổng lồ in dấu hầu khắp xứ Thanh, nhiều nơi còn lưu dấu tích thần kỳ, thú vị. Chẳng hạn, bên bờ sông Lương (Quảng Xương), ông Khổng lồ ngồi câu cá, hai hòn cà của ông lõm xuống phiến đá thành hai hố sâu. Đất Tĩnh Gia có lẽ là nơi có nhiều huyền thoại về ông Khổng lồ nhất. Dân gian Tĩnh Gia còn truyền tụng về sức dời non lấp biển của ông Khổng lồ xứ mình: Hòn Dốt, hòn Duộc, Ông buộc vào dây/ Hòn Bung, hòn Mê, Ông lê một chuyến/ Hòn Nón, hòn Biệng, Ông liệng một tay/ Hòn đá Thẩy, Ông không bõ xách...

Không có loại dây rừng nào đủ sức bền dai, ông Khổng lồ phải nhổ hết tóc mình làm quang giắng, máu chảy tuôn ra như suối nhuộm đỏ khắp vùng Tĩnh Gia. Gần cửa Lạch Ghép còn có thần thoại về ông Khổng lồ đào sông. Đầu tiên ông đào hai dòng sông nhỏ, thấy không đủ tiêu nước, ông ghép lại thành sông lớn, vì vậy có tên sông Ghép. Ông Khổng lồ sau mắc bệnh cổ trướng, bụng to như cái bồ khổng lồ, chết hóa thành bốn hòn núi giống hình người nằm ngửa. Núi Bồ lớn là bụng ông (cao 42m, diện tích 5,79ha). Đầu ông là núi Bồ Con, hướng về phía tây bắc, gối lên núi Eo. Hai chân ông là hai núi Bồ Dài, một chân về nam phía sông Ghép, một chân về đông gác lên núi Chồng hướng biển. Không rõ từ thời nào, một nhóm cư dân đến đất núi Bồ sinh sống, lập nên làng Bồ...

Ở Nông Cống và Triệu Sơn có huyền thoại về cuộc đọ sức giữa hai ông Khổng lồ, ông Tu Nưa và ông Vồm. Ông Tu Nưa tu ở núi Nưa có sức mạnh siêu phàm và phép thuật vô biên. Ông thường xuống giúp dân nghèo khai phá rừng rậm, dọn dẹp đất đá, phá gò lấp ao để có đồng ruộng cho bà con trồng trọt. Khi đồng ruộng được san lấp bằng phẳng thì chỉ còn hai ngọn núi đá đứng lù lù giữa đồng. Ông Tu Nưa vào rừng lấy cây mây làm gióng, chặt một cây gỗ lim làm đòn gánh để quảy hai quả núi đi nơi khác. Ông dự định đưa hai quả núi này đến dãy núi Hoàng Nghiên (nay thuộc huyện Nông Cống). Mới đi được hai phần đường thì trời đã trưa, đói và khát nên ông Tu Nưa để núi xuống nghỉ. Sau khi ăn hết một thúng xôi nếp, uống hết một nồi nước ông định gánh núi đi tiếp. Nhưng lạ thay, dù ông vận dụng hết sức lực vẫn không nâng nổi hai ngọn núi. Hóa ra, trong thời gian ông nghỉ ăn cơm, hai ngọn núi đã mọc rễ vững chắc xuống đất. Ông nghĩ: “Chắc là phẩm lộc trời ban đồng ruộng cho dân Chạ Kẻ Nứa đến đây mà thôi”. Hai ngọn núi này vẫn tồn tại cho đến bây giờ, dân Cổ Định vẫn gọi hai ngọn núi đó là núi Quảy hay núi Phẩm. Để giúp dân làm ăn thuận lợi, ông bắt con voi một ngà trong Ngàn Nưa, dùng cây gỗ lim to làm cày, cày một đường dài từ Mau Đan Lồ ra tới sông Hoàng Giang để thoát nước khi có mưa lũ và đường cày của ông Tu Nưa còn lại đến nay gọi là Mau Hón hay sông Cày. Cùng thời gian ấy, ở làng Vồm (nay thuộc xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) cũng có một ông khổng lồ, so về sức khỏe, tài nghệ chẳng kém gì ông Tu Nưa, vì vậy, dân gọi là ông Tu Vồm. Nghe tiếng ông Tu Nưa, ông Tu Vồm tìm đến Ngàn Nưa thách đấu. Hai con người khổng lồ, tài nghệ phi phàm đánh nhau hết ngày này qua ngày khác, họ nhổ cây rừng, bốc đất đá làm vũ khí. Bãi chiến trường hai ông bốc đất đá đánh nhau thành cồn bãi nham nhở, nay vẫn còn mang những cái tên do người đời sau đặt để ghi lại chứng tích: Cồn Lường, Cồn Đu, Cồn Sim, Cồn Bạc, Cồn Mồ, Cồn Chè...; Bãi Chon, Mùa Nàng, Phúc Định, Nổ Lở, Đồng Troòng... Ông Vồm còn một cuộc tỉ thí khác với Lê Phụng Hiểu trên đất Băng Sơn, Hoằng Hóa, cho thấy ông Khổng lồ ở xứ Thanh không hiếm. Họ, mỗi người là niềm tự hào của vùng đất mình, mỗi người một vẻ, song, họ luôn có điểm chung ở phẩm chất "khổng lồ", ấy là sức vóc phi thường và khả năng phi phàm. Những ông Khổng lồ này dường như xuất hiện từ thuở khai thiên lập địa, gắn liền với việc sắp xếp lại núi sông, mở mang đồng ruộng, tô điểm non xanh nước biếc, như: Ông Nưa, ông Vồm, ông Go, ông Bưng, ông Lau, ông Quảy Núi, ông Cày Sông, ông Lấp Bể, ông Trụ trời...

Không chỉ có những ông Khổng lồ tạo lập ra vũ trụ, hệ thống thần thoại xứ Thanh còn có ông Khổng lồ tiêu diệt quỷ dữ bảo vệ dân lành và đây là bước phát triển trong tư duy về hình tượng người Khổng lồ của xứ Thanh. Thần Độc Cước - người anh hùng đầu tiên trong tư duy chinh phục biển cả của người Việt cổ. Dấu chân “dài một thước rộng năm tấc in sâu vào phiến đá” trên hòn Cổ Giải Sầm Sơn, việc lập đền thờ và sắc phong của đời sau cho vị thần Khổng lồ cho thấy niềm tin và niềm tự hào của người dân vùng đất sớm ra khơi, bám biển: “Vị thánh linh thiêng vào bậc nhất trong hàng thánh mà không vị nào bằng. Ngài đem sự tài giỏi linh thiêng ấy để gìn giữ bờ cõi cho đất nước, bảo vệ dân lành và muôn vật. Đối với kẻ ác trừng trị thẳng tay, thật là một vị thánh đầy đủ nhân hậu.” (Năm Cảnh Hưng thứ 44 ngày 26/7).

Hình tượng Người Khổng lồ vừa thể hiện nhận thức về vũ trụ, vừa là mẫu hình lý tưởng, là ước mơ vĩ đại thay quyền tạo hóa của người xứ Thanh thời thượng cổ. Nếu không có lý tưởng ấy, ước mơ ấy, sẽ không có văn hóa trồng trọt Đa Bút, càng không thể có nền văn minh rực rỡ Đông Sơn. Hình tượng Người Khổng lồ phải chăng, cũng là triết lý về lao động và người lao động? Lao động quên mình sẽ tạo ra sức mạnh và sự đổi thay thần kỳ, vĩ đại. Con Người - Lao động, chứ không phải ai khác chính là những người "Khổng - lồ", xứng đáng là chủ nhân của thế giới muôn loài.

Danh sách người Khổng lồ còn được nối dài với những nhân vật trong truyền thuyết và cổ tích. Điều đáng kể là nếu người "Khổng lồ" trong thần thoại là ước mơ làm chủ thiên nhiên, con người hòa vào thiên nhiên đồng bãi thì người "Khổng lồ" trong truyền thuyết, cổ tích là những người "khổng lồ" trong đời sống xã hội, gắn với xã hội và lịch sử, vai trò của họ có tác động mạnh mẽ đến xã hội và thời đại. Ý nghĩa triết lý và biểu tượng của nhân vật. Đó là người "Khổng lồ" về nghị lực và trí tuệ Mai An Tiêm thời Hùng Vương. Bị đày ra đảo hoang, Mai An Tiêm vẫn biến hoang đảo thành “thiên đường”. Mai An Tiêm là một Uy-li-xơ, người anh hùng - biểu tượng cho trí thông minh và nghị lực trong thần thoại Hi Lạp. Hình ảnh con người vẫn sống và sống tốt giữa môi trường khắc nghiệt đảo hoang mãi đến thế kỷ XVIII mới xuất hiện ở tây Âu qua hình tượng Rôbinsơn Cruxô của văn hào Anh Đi-phô nhưng truyện kể về Mai An Tiêm đã có ở Việt Nam hơn 2000 năm trước. Mai An Tiêm là đại diện và là hình mẫu của tính cách Việt đi ra từ xứ Thanh, nét tính cách mà nhà thơ Nguyễn Duy đã đúc kết thành hình tượng "Tre Việt Nam" kỳ diệu: Ở đâu tre cũng xanh tươi/ cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu.

Những người “khổng lồ” trong lịch sử dựng nước và giữ nước

Không chỉ nam giới, phụ nữ xứ Thanh cũng có “tư chất” người Khổng lồ. Hình ảnh Triệu Trinh Nương, người phụ nữ mới 18 tuổi, vú dài tám thước, tập hợp quần chúng, dậy binh khởi nghĩa chống lại quân Ngô với khát vọng sông núi: “Muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người!”. Nữ tướng cưỡi voi một ngà dẫn đầu đoàn quân tả xung giữa trận tiền khiến tướng giặc cũng phải nể sợ: Hoành qua đương hổ dị/ đối diện Bà vương nan (múa giáo chống hổ dễ hơn đối mặt với vua Bà). Còn rất nhiều những “Người khổng lồ” trên đất xứ Thanh, họ là những anh hùng danh tướng, danh nhân văn hóa kiệt xuất góp phần làm rạng danh lịch sử và nền văn hiến Việt Nam: Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Hoàng, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Văn Hưu, Lê Quát, Lê Đình Kiên, Nhữ Bá Sỹ... Họ đã đi vào truyền thuyết bởi lòng ngưỡng mộ, tôn kính của nhân dân. Họ trở thành những người “Khổng lồ” trong tình cảm mến yêu, tự hào của nhân dân.

Xứ Thanh, vùng đất của những con người giàu ý chí và nghị lực, tháo vát và tự tin, cần cù và lãng mạn... Những tố chất ấy đã giúp con người vùng đất này luôn biết vươn lên chinh phục hoàn cảnh, làm chủ số phận và hướng tới tương lai. Trên quê hương của những Người - Khổng Lồ, sức mạnh thần kỳ dường như vẫn hiện diện như nguồn mạch không bao giờ vơi cạn.

Hỏa Diệu Thúy

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hinh-tuong-nguoi-khong-lo-trong-huyen-thoai-xu-thanh-60538