Hình tượng người thầy qua tiểu thuyết của Ma Văn Kháng

'Người thợ mộc và tấm ván thiên' (NXB Trẻ, 2016) là cuốn tiểu thuyết thứ 15 của nhà văn Ma Văn Kháng. Cuốn tiểu thuyết này được viết theo hình thức của bi kịch dựa trên nguyên tắc 'thanh lọc tâm hồn' mà Aristote đã đề ra trong tác phẩm 'Nghệ thuật thi ca'.

Chân dung nhà văn Ma Văn Kháng.

Tiểu thuyết “Người thợ mộc và tấm ván thiên” được Đề từ bằng câu nói của kịch gia Đức nổi tiếng thế giới Bertolt Brecht: “Làm kẻ ác khó nhọc vô cùng”. Nhưng đọc xong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng độc giả lại nhận ra cái triết lý đượm màu sắc Đông phương “vi nhân nan” (Làm người là khó). Nghĩa là làm người lương thiện là khó.

Chủ đề này được triển khai thông qua số phận những con người thuộc lớp bình dân trong xã hội – một ông thầy giáo nghèo suốt đời tận tụy với nghề nhưng bị oan khiên, một ông chủ xưởng mộc cả đời trung thành với “vai” thợ.

Nhưng dẫu là “thầy” hay “thợ” thì cuối cùng cũng không thể không giữ nhân cách giữa thiên hạ. Câu chuyện về thân phận của mỗi nhân vật chính được nhà tiểu thuyết kể lại một cách gọn ghẽ, hấp dẫn, ý vị và thấm đượm triết lý nhân sinh.

Vằng vặc nỗi ưu tư

Nhân vật, theo tôi nghĩ, được chính tác giả yêu mến nhất là thầy giáo Quang Tình - một mẫu hình của những nhà giáo chân chính vào những thập niên năm mươi, sáu mươi của thế kỷ trước. Đó là những thanh niên trí thức tình nguyện đem ánh sáng con chữ lên vùng cao. Đó là những người giàu hoài bão và lý tưởng. Họ nhiệt huyết sục sôi.

Vốn giỏi giang chữ nghĩa thánh hiền, vốn hào hiệp trong phong cách sống, vốn khát khao tự do bày tỏ cái bản ngã của mình với đời, với người, họ dám bỏ lại phía sau bao nhiêu những điều kiện thuận lợi để mưu cầu hạnh phúc riêng tây không mấy khó khăn. Nhưng họ muốn khởi nghiệp và lập nghiệp ở những nơi khó khăn nhất. Họ là một thế hệ lãng mạn.

Nhưng những trái khoáy (hay là cái phi lý) của cuộc đời đã vận vào nhân vật thầy giáo Quang Tình. Một thầy giáo dạy văn giỏi nức tiếng, một tín đồ của sách đã bị sa thải vì những lý do “trên trời”.

Thầy giáo Quang Tình dắt díu một vợ hai con trở về quê mưu sinh bằng nhiều nghề (có nghề nếu kể ra thì xấu hổ cho tận đến khi nhắm mắt xuôi tay). Rồi nghề thợ mộc (có vẻ như là không có mối liên hệ gì với nghề dạy học) đã bén duyên với thầy giáo Quang Tình.

Khi tay nghề mộc đã thạo, thầy dạy nghề Văn Chỉ truyền cho bí mật (hay là pháp thuật) dùng cỗ ván thiên (hay là ván thôi, gỗ dùng làm nắp quan tài, thường bị thải loại sau ngày cải táng) chế tác ra các sản phẩm gỗ rồi tìm cách để cho kẻ trước đây hãm hại mình mua về dùng. Tự khắc bọn họ sẽ “lãnh đủ” theo luật nhân quả và những bí mật có tính tâm linh của việc làm này là hợp với quy luật “nhân quả” hay “ác giả ác báo”.

Nhưng thầy Quang Tình đã không muốn trả thù dẫu trong một trường hợp nhất định nào đó hành xử này có thể là hợp tình, hợp lý.

Vì lòng căm thù chỉ có thể làm con người trở nên thấp hèn và tàn ác hơn. Sự trả thù có thể làm mất nhân tính. Riêng tôi có cảm giác Ma Văn Kháng, trong trường hợp này, ướm mình vào nhân vật mà viết. Vì thế những trang văn về số phận thầy giáo Quang Tình vằng vặc một nỗi ưu tư về kiếp người, sâu kín những tâm sự đôi khi khó phát thành lời, những chia sẻ đồng cảm đến độ tri âm, tri kỷ. Thậm chí giống những giọt nước mắt lặn vào trong.

Một cặp bài trùng?

Nhân vật thầy Quang Tình tiêu biểu cho con đường khổ ải đi tìm chân lý của những người trí thức, văn nghệ sĩ bất kỳ thời nào, ở đâu. Nhưng sẽ có người đặt câu hỏi phải chăng cuốn tiểu thuyết “Người thợ mộc và tấm ván thiên” chỉ thuần viết về nhân vật Quang Tình? Xin thưa, trong tác phẩm này có đến hai “người thợ mộc”.

Nếu Quang Tình là thợ mộc học việc bất đắc dĩ do thời thế, cảnh ngộ, ban đầu là vì mưu sinh nhất thời (nhưng về sau thì yêu cái nghề tưởng đơn giản chỉ có dùng sức không cần dùng mưu) thì “người thợ mộc” thứ hai lại càng sinh sắc hơn dưới ngòi bút tài hoa của Ma Văn Kháng.

Nếu nhân vật Quang Tình tiêu biểu cho giáo giới, cho những kẻ tuẫn nạn vì “Đạo làm người”, cho giới trí thức tuy ưu thời mẫn thế nhưng lại “bất phùng thời” thì Văn Chỉ là điển hình của tầng lớp xã hội được gọi là “thợ”. Đây là một cá tính rất sinh động. Một bản ngã sát với tự nhiên nhưng không nhi nhiên. Rất Đời nhưng không nhạt Đạo. Một người ham làm giàu (vì thấm thía cảnh nghèo thì sẽ hèn) nhưng không hề chỉ biết duy nhất có tiền, không mê muội vì tiền.

Từ một người thợ bình thường, lên đến thợ bậc bảy và trở thành chủ một xưởng mộc có thương hiệu. Con đường đi của Văn Chỉ là con đường của thực tiễn. Nó chỉ ra sự mất cân bằng của một xã hội thừa “thầy” nhưng thiếu “thợ” hàng nghìn năm qua.

Nếu Quang Tình luôn lấy lý trí soi rọi mọi hành vi của mình thì Văn Chỉ sống đúng theo bản ngã. Nhưng lúc cần thiết thì vẫn viện dẫn “thánh sư triết lý” Nietzsche (biện hộ cho thói nói dối “không nói dối thì lấy cái gì mà ăn”!?). Văn Chỉ là một nhân vật đa nhân cách (chứ không phải là con biến màu như ai đó đã bình phẩm). Một con người hành động, rất ghét những kẻ chỉ nói suông.

Nhiều độc giả của “Người thợ mộc và tấm ván thiên” rất thích cặp bài trùng Quang Tình và Văn Chỉ. Và nếu nói đó là hai nhân vật chính thì cũng không sai vì cả hai quán xuyến toàn bộ tác phẩm. Bởi họ là hiện thân cho các cặp phạm trù cao và thấp, thiếu và đủ, buồn và vui, thành đạt và thất bại, nhận và cho…

Nếu nói tính chất nghiền ngẫm đời sống rất đậm trong sáng tác của Ma Văn Kháng càng ngày càng rõ thì “Người thợ mộc và tấm ván thiên” là một ví dụ điển hình.

“Người thợ mộc và tấm ván thiên” vẫn tiếp tục bộc lộ phong cách tiểu thuyết Ma Văn Kháng - tính chất luận đề hài hòa với chất đời, tính chất triết lý chan hòa với chất sống vì thế đầy hấp dẫn.

Đọc tiểu thuyết này, độc giả một lần nữa nhận ra ở Ma Văn Kháng cái năng lực viết về thiên nhiên và phong tục tinh tế và sâu sắc không kém trưởng lão Tô Hoài khi hướng ngòi bút vào đề tài miền núi, dân tộc thiểu số.

Không ai suy diễn giản đơn đây là cuốn tiểu thuyết về phong tục miền núi, nhưng những trang viết về hội hát đón khách của người dân tộc Giáy (gọi là vươn Giáy), thật sinh động.

Không chỉ có màu sắc, âm thanh, đường nét mà còn có cả mùi vị cũng như tất cả những gì mà đôi lúc chúng ta phải vận dụng giác quan thứ sáu để đón nhận, cảm nhận cho hết, cho thật sâu sắc. Ở cuốn tiểu thuyết mới này Ma Văn Kháng vẫn vận dụng lối kể chuyện truyền thống, có lớp lang, dễ nhớ với độc giả. Văn của Ma Văn Kháng là một lối văn điềm tĩnh, đầy suy nghiệm. Nghĩa là văn của một người giàu trải nghiệm, đã đạt tới sự an nhiên và khoan dung, khoan hòa.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/hinh-tuong-nguoi-thay-qua-tieu-thuyet-cua-ma-van-khang-4068486-b.html