HLV Bắc Giang đổi mới để thích ứng với thời kỳ mới

Nhiệm kỳ 2014-2019, thành tích nổi bật của Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Bắc Giang là vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước.

Ông Nguyễn Văn Bái, Chủ tịch HLV tỉnh Bắc Giang (bên trái), thăm mô hình trồng cam đường Canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao của hội viên Bùi Đức Long (bên phải) ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn), thu nhập trên 5 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Bái, Chủ tịch HLV tỉnh Bắc Giang (bên trái), thăm mô hình trồng cam đường Canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao của hội viên Bùi Đức Long (bên phải) ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn), thu nhập trên 5 tỷ đồng/năm.

Trước thềm Đại hội đại biểu Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang khóa V, nhiệm kỳ 2019-2024, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bái, Chủ tịch HLV tỉnh.

Bắc Giang được xem là điểm sáng trong công tác xây dựng, phát triển tổ chức Hội. Ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả này?

Bắc Giang có 10/10 huyện, thành phố có HLV; 201 xã, phường thị trấn có tổ chức Hội với 1.561 chi hội theo thôn, bản, tổ dân phố.

Các cấp Hội thường xuyên được củng cố, nâng cao chất lượng hội viên, phát triển hội viên mới đảm bảo về số lượng và chất lượng, bình quân mỗi năm kết nạp mới 800-900 hội viên.

Nhiệm kỳ qua, Hội thành lập 01 Câu lạc bộ trang trại cây có múi cấp tỉnh với 61 thành viên, kết nạp 05 doanh nghiệp và 01 văn phòng luật sư vào HLV tỉnh.

Hàng năm có 90% số HLV huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn vững mạnh; HLV tỉnh đạt tiêu chuẩn vững mạnh xuất sắc.

Đạt kết quả trên có sự lãnh đạo, chỉ đạo của HLV Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các cấp, sự quan tâm sát sao của HLV tỉnh với HLV các huyện, thành phố.

Để hoàn thành các mục tiêu Đại hội khóa IV, nhiệm kỳ 2014-2019 đề ra, Hội đã gặp những khó khăn gì và cách tháo gỡ ra sao, thưa ông?

Ngoài khó khăn chung trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp của tỉnh, các cấp Hội còn gặp một số khó khăn như: Các tổ chức hội đang trong quá trình sắp xếp lại theo Nghị quyết TW 6 của Bộ Chính trị và kế hoạch của UBND tỉnh; Đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã đều kiêm nhiệm, không ổn định do luân chuyển công tác; Kinh phí hoạt động của Hội còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã.

Trước những khó khăn trên, HLV tỉnh đã tuyên truyền, hướng dẫn hội viên thực hiện các giải pháp của ngành nông nghiệp; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch; Cùng Sở Nội vụ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho Hội hoạt động thuận lợi hơn.

Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp kiện toàn tổ chức Hội. Đặc biệt, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, HLV Việt Nam, các sở ngành để mở các lớp tập huấn, hội thảo, xây dựng mô hình, đề tài khoa học. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xất sắc.

Hiện, người làm vườn, hội viên HLV đang chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Để hỗ trợ họ, HLV Bắc Giang đã có những việc làm cụ thể gì, thưa ông?

Những năm qua, HLV các cấp đã thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến nông nghiệp. Cùng với đó, thông qua các lớp tập huấn để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tổ chức cho cán bộ, hội viên tham quan các mô hình VAC hiệu quả, giúp hội viên học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hướng đi phù hợp cho mình.

Hội đã phối hợp với các doanh nghiệp tập huấn, giới thiệu phân bón để hội viên lựa chọn sử dụng. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo chủ trương của tỉnh, đồng thời kết nối với một số thương lái tiêu thụ sản phẩm cho hội viên.

5 năm qua, HLV các cấp đã phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và duy trì 2.730 mô hình tiêu biểu. Các sản phẩm sản xuất theo hướngVietGAP, sản xuất hữu cơ được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao, nhiều nhà vườn được thương lái đặt hàng bao tiêu sản phẩm.

Bắc Giang có nhiều tỷ phú từ phát triển VAC, trong đó, có nhiều hội viên HLV. Ông có thể nêu rõ hơn về phong trào phát triển kinh tế VAC, trang trại thời gian qua?

Bắc Giang hiện có 829 trang trại, trong đó, có hàng trăm trang trại doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Hiệu quả từ kinh tế VAC đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Ở các vùng nông thôn, xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú là hội viên HLV, tiêu biểu như: ông Bùi Đức Long (Hồng Giang-Lục Ngạn) thu nhập trên 5 tỷ đồng/năm; ông Nguyễn Văn Báo (Quý Sơn-Lục Ngạn) thu nhập trên 5 tỷ đồng/năm; ông Nguyễn Văn Ánh (Bảo Đài-Lục Nam) thu nhập 1,5-2 tỷ đồng/năm.

Kinh tế VAC, trang trại góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, giúp nông dân, hội viên vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công.

Trong xây dựng nông thôn mới, được biết Bắc Giang là điểm sáng trong tiêu chí làm đường giao thông nông thôn. Ông cho biết rõ hơn về sự tham gia của HLV trong thực hiện tiêu chí này?

Hưởng ứng phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” do tỉnh phát động, HLV đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia, thi đua làm VAC, trang trại giỏi, góp phần thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập.

Vận động hội viên hiến đất, góp tiền, góp sức làm đường bê tông tạo thuận lợi cho việc đi lại cũng như phát triển kinh tế.

Năm năm qua, cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh đã hiến trên 5 triệu mét vuông đất; tự nguyện đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, hàng vạn ngày công lao động; cứng hóa trên 4.000km đường GTNT; nâng cấp, sửa chữa trên 7.000 km đường GTNT, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm.

Tiêu biểu là HLV huyện Lục Ngạn cứng hóa 1.464 km, HLV huyện Lạng Giang 1.159 km, HLV huyện Tân Yên trên 900km đường GTNT. Đến nay, toàn tỉnh có 114 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 huyện đạt huyện nông thôn mới.

Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm mà HLV Bắc Giang đã thực hiện để các địa phương khác học hỏi?.

Tùy vào đặc thù của mỗi địa phương mà có cách làm khác nhau, làm sao cho hiệu quả nhất. Qua đây, tôi chỉ nêu một vài cách làm mà Bắc Giang đã thực hiện.

Một là, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, có chất lượng, nhất là cán bộ chủ chốt; Cán bộ Hội là người có trách nhiệm, đi sâu, đi sát cơ sở, có phẩm chất, năng lực, thu hút tập hợp hội viên, có ý thức cao trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên.

Hai là, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh để xây dựng tổ chức Hội.

Ba là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, coi trọng công tác thi đua, khen thưởng, có hình thức biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tạo lan tỏa trong các cấp Hội.

Năm là, tranh thủ mọi nguồn lực để tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gắn với xây dựng mô hình mẫu để hội viên tham quan học tập.

Mục tiêu của HLV Bắc Giang trong nhiệm kỳ 2019-2024 là gì, thưa ông?

Hội xác định mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019-2024 theo hướng phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2020-2025.

Trong đó, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng tổ chức Hội vững mạnh để thích ứng với thời kỳ mới; nâng cao công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình, dự án, tham quan học tập mô hình, tổng kết mô hình để nhân rộng; tập trung vào định hướng, khuyến cáo, tư vấn, phản biện…

Đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VACR, trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất hữu cơ, sản xuất ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu mỗi HLV cấp xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 mô hình sản xuất tiêu biểu theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)….

Tới đây, HLV Bắc Giang vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng. Đây là sự ghi nhận những đóng góp to lớn của Hội trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Ông có thể điểm những thành tích mà Hội đạt được trong thời gian qua?

Ngay sau Đại hội khóa IV, Hội đã phát động chương trình thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội. Tổ chức phát động thi đua theo đợt, theo chủ đề với nội dung cụ thể. Các đợt phát động thi đua được cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện tốt việc sơ, tổng kết biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực hoạt động Hội.

Trong 05 năm, có nhiều tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng. Tại Đại hội đại biểu HLV tỉnh lần thứ V, có 16 tập thể và 19 cá nhân được HLV Việt Nam tặng Bằng khen; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 01 cá nhân tiêu biểu; HLV tỉnh tặng Giấy khen cho 11 tập thể và 23 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Đặc biệt, tại Đại hội này, HLV tỉnh Bắc Giang vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Đây là nguồn động viên to lớn, thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác Hội.

Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi

Hoàng Văn (thực hiện)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/hlv-bac-giang-doi-moi-de-thich-ung-voi-thoi-ky-moi-post32537.html