'Hổ' ẩn giữa Sài Gòn

Ngược dòng ký ức về một đời chiến đấu của người anh hùng ẩn danh: Tư Hổ - Nguyễn Văn Lệnh, nguyên Chỉ huy phó An ninh vũ trang, kiêm Tham mưu trưởng, kiêm Chỉ huy phó B5 trinh sát vũ trang nội đô, thuộc Ban An ninh T4 khu Sài Gòn-Gia Định. Một con người có vóc dáng nhỏ bé nhưng đã cùng đồng đội 'xuất quỷ nhập thần' để chiến đấu, khiến Mỹ - ngụy phải run sợ.

Chân dung cựu Trinh sát vũ trang nội đô B5, Tư Hổ - Nguyễn Văn Lệnh.

Bài 1: Thâm nhập Sài Gòn

Nguyễn Văn Lệnh sinh năm 1930, tại xã Minh Tân, Nam Sách, Hải Dương. Nhập ngũ tháng 4-1946. Ông đã từng làm liên lạc cho Huyện đội Nam Sách, Tỉnh đội Hải Dương rồi tham gia chiến đấu trong Trung đoàn 238 bảo vệ vòng ngoài cho Trung ương Đảng ở chiến khu Việt Bắc. Năm 1959, sau khi lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) được thành lập, Nguyễn Văn Lệnh vốn có kinh nghiệm làm trinh sát nên được chuyển về Cục Trinh sát, trực thuộc CANDVT. Vừa trở về Cục Trinh sát, ông được giao nhiệm vụ tham gia phá chuyên án bọn phản động lưu vong mang vũ khí về nước, kích động người Thái ở xã Quang Chiểu (thuộc huyện Quan Hóa, nay là huyện Mường Lát, Thanh Hóa) chuẩn bị nổi loạn. Sau gần 1 năm kiên trì bám sát địa bàn, kết hợp thông tin trinh sát nội-ngoại biên, ông đã lập thành tích ấn tượng, được cấp trên khen thưởng, phong quân hàm Thượng úy và được cử đi học ở Liên Xô 1 năm về nghiệp vụ biên phòng. Sau khi từ Liên Xô trở về, ông tiếp tục công tác tại Cục Trinh sát của CANDVT. Ông chính là người phụ trách huấn luyện cho anh em du kích Lào để đánh tên Trung tướng Vàng Pao, một tên tướng do CIA hậu thuẫn để chống phá lực lượng cách mạng Lào và Việt Nam.

Năm 1964, Nguyễn Văn Lệnh được cấp trên điều động chi viện cho chiến trường miền Nam. Với trái tim đầy nhiệt huyết, ông không một chút do dự: "Đảng phân công đi đâu, tôi đi đó. Đây là một vinh dự lớn đối với tôi vì được cấp trên tin tưởng, hơn nữa, tôi có đủ khả năng để đáp ứng được yêu cầu của chiến trường". Khi nhận nhiệm vụ, ông phải giữ bí mật với vợ con, chỉ nói rằng tiếp tục được cử đi học ở nước ngoài.

Ngày 1-12-1964, sau gần 3 tháng huấn luyện tại trường dự bị C500, ông và đồng đội hành quân lên biên giới rồi vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Tuy vóc người nhỏ bé, nhưng ông lại có sức khỏe, nhanh nhẹn và dẻo dai như hổ luồn ẩn giữa đại ngàn Trường Sơn. Có lẽ vì thế mà đồng đội gọi ông là "Tư Hổ". Cũng bởi sức vóc và sự nhanh nhẹn nên ông được đồng chí Ba Hiệp, tức Nguyễn Công Tâm, Đoàn trưởng giao cho làm liên lạc giúp Ban chỉ huy. Vậy là một lần nữa, ông lại có duyên "chạy thư" như những ngày kháng Pháp.

Vào đến chiến trường miền Nam cũng là lúc bộ đội ta chuẩn bị mở chiến dịch Bình Long. Đây là chiến dịch tiến công của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ tại khu vực tỉnh Bình Long và Phước Long nhằm tiệu diệt bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, hướng dẫn các đơn vị miền Nam biết cách đánh công đồn. Ngay lập tức, ông nhận lệnh cùng một tiểu đội đến hỗ trợ các đơn vị vũ trang chuẩn bị cho chiến dịch. Nhiệm vụ của ông và đồng đội là điều tra, dẹp bọn do thám, thám báo nằm vùng để bộ đội ta chuẩn bị ém quân đánh địch. Nhiệm vụ hoàn thành, tiểu đội của ông trở lại đơn vị cũ và tiếp tục nhận nhiệm vụ mới - một nhiệm vụ đầy cam go và thử thách.

Trở lại đơn vị, ông gặp đồng chí Ba Hiệp và được lệnh thâm nhập Sài Gòn, hoạt động trong lực lượng trinh sát vũ trang (B5), đánh địch từ trong lòng địch. Khó khăn chồng chất vì bản thân ông là người Bắc, giọng Bắc đặc sệt, không người thân, không biết đường đi lối lại. Hơn nữa, tại Sài Gòn, chính quyền Mỹ - ngụy kiểm soát gắt gao. Chúng tổ chức cứ 7 nhà dân là một liên gia và cài cắm người để theo dõi, rất khó có thể tạo lập hoặc bám căn cứ để hoạt động. Vậy làm thế nào để thâm nhập và chiến đấu? Đây quả là một thách thức lớn đối với ông. Khi ấy, ông đấu tranh tư tưởng đến mất ăn mất ngủ: "Một đảng viên, một cán bộ mà từ chối nhiệm vụ thì hèn quá, không còn mặt mũi nào nhìn họ hàng, làng xóm, gia đình. Chỉ có thể chọn một trong hai con đường: Sống hoặc chết. Nếu sống thì phải xứng đáng và nếu có chết cũng phải chết vẻ vang, không để mang tiếng cho gia đình, vợ con". Vậy là ông sẵn sàng chọn con đường chết - thâm nhập vào Sài Gòn!

Tạo xong hồ sơ lý lịch, căn cước giả, ông theo chân cô Chín giao liên đưa đường vào nội đô. Con đường từ căn cứ vào nội đô Sài Gòn là một đòn thử thách cân não. Để vào được nội đô phải qua nhiều trạm canh gác, trạm nào cũng có chó canh, súng đạn, máy dò mìn, bọn chiêu hồi, do thám, thám báo… chỉ cần tái mặt, điệu bộ lúng túng là có thể bị nghi ngờ, bắt giam ngay lập tức. Ông nhanh trí lấy dầu con hổ xoa cho đỏ mặt và thế là qua mặt các trạm gác trong sự căng thẳng tột độ.

Vào tới nội đô, ông được đưa đến nhà cô Tám, là cơ sở của ta 4-5 năm, nhưng không thể ở lại vì không có thân phận phù hợp. Cô Chín giao liên đã trở ra căn cứ, ông một mình lang thang giữa Sài Gòn đi tìm chỗ ngủ. Ông đến cầu Thị Nghè, chợ Cầu Muối, chợ Bến Thành… đâu cũng thấy những người ăn xin, người bị cùi, người buôn bán nghèo… Cuối cùng ông xin nhập hội với những người ăn xin ở chợ Cầu Muối để có chỗ ngủ. Sau đó, ông lấy xăng trộn với nhựa thông cho mềm, rồi lấy bột cá, bột tôm trộn cùng để bôi vào tay giả làm người bị cùi.

Với thân phận của một người bị cùi lang thang kiếm ăn, ông tìm cách gây dựng cơ sở của B5 giữa Sài Gòn. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, ông bị tên mật vụ nằm vùng theo dõi, báo với sư đoàn 5 của địch nên bị bắt. Chúng đánh phủ đầu bằng báng súng vào đầu và ngực. Sau đó đưa ông về Bến Củi - Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương) tra tấn thêm mấy tháng. Suốt thời gian ấy, ông cắn răng chịu đựng, không khai nửa lời. Tra tấn không có kết quả, cuối cùng, chúng ghép ông vào tội dùng căn cước giả, phạt 6 tháng tù.

Trong thời gian bị giam giữ, ông được điều sang giúp việc cho nhà tỉnh trưởng. Nhân cơ hội đó, ông kết nối với cơ sở, viết thư cho đồng chí Ba Hiệp đề nghị được giết tên tỉnh trưởng. Tuy nhiên, đồng chí Ba Hiệp chỉ thị không được manh động. Không thực hiện được ý định, nhưng với kinh nghiệm của một người lính trinh sát, ông đã ghi nhớ từng ngóc ngách trong dinh thự của viên tỉnh trưởng: Chỗ nào có mìn, có công sự, lô cốt. Thế mới thấy, tố chất của người lính trinh sát tài trí là linh hoạt, chiến đấu trong mọi hoàn cảnh!

Mãn hạn tù, ông cầm trên tay giấy thả tự do mà không biết đi đâu, về đâu. Song ông luôn tự nhủ: "Phải cứng rắn, không được chùn bước trước khó khăn!". Khi ông đang tìm về nơi đơn vị cũ đóng quân thì bị bắt lại và bị giam giữ, bị nhốt trong một lô cốt, bị muỗi, rệp cắn cả đêm. Sáng ra, ông được thả và lại tiếp tục tìm về nơi đơn vị cũ đóng quân để hỏi tin tức. Được tin đơn vị cũ đã sang Cam-pu-chia, Tư Hổ lại tìm đường sang Cam-pu-chia. Trước khi đi, ông đã vẽ lại sơ đồ nhà viên tỉnh trưởng để làm căn cứ sau này bộ đội ta có tấn công thì biết chỗ để tránh.

Quãng đường sang Cam-pu-chia không dài, nhưng đó là những ki-lô-mét sống còn mà ông phải trải qua, bởi trên đường đi có thể vướng mìn mà mất xác bất cứ lúc nào. Khi ấy, Tư Hổ chỉ còn loáng thoáng kinh nghiệm gỡ mìn có được từ thời chống Pháp. Vậy nhưng ông vẫn quyết tâm lên đường. Trong suốt 1 tháng trời, đêm vừa đi vừa dò, gỡ mìn bằng phương pháp thủ công, ban ngày chui vào lùm cây để ngủ; phải uống nước ruộng, ăn rau, củ khoai lang sống, bí sống để tồn tại. Sang tới Cam-pu-chia, ông may mắn tìm được đơn vị cũ. Tháng 4-1968, ông lại được lệnh từ đồng chí Tám Nam (tức Thái Doãn Mẫn): Làm căn cước giả trở lại Sài Gòn để cùng Ba Hiệp củng cố lại cơ sở.

Sài Gòn sau Tết Mậu Thân 1968 bị kiểm soát gắt gao, nhiều đơn vị của ta đã phải rời ra khỏi nội đô. Trước nhiệm vụ mới, ông suy nghĩ suốt đêm: Làm căn cước giả chắc sẽ bị phát hiện và bị bắt. Cuối cùng, ngoài căn cước giả, ông và đồng chí Năm Hiếu làm một giấy giới thiệu, theo đó ông là cấp dưới được Trần Quốc Bửu - Giám đốc Tổng Công đoàn Lao động Sài Gòn, cử đi các tỉnh để xây dựng cơ sở, giấy này từ chức Quận phó trở lên mới được xem. Với căn cước và giấy giới thiệu, ông lại một mình từ Cam-pu-chia trở lại Việt Nam, quyết tâm thâm nhập Sài Thành lần thứ hai.

Trên đường trở lại, đến trạm kiểm soát gần Trảng Bàng, bị kiểm tra căn cước, nhưng địch không tin nên lại nhốt ông vào lô cốt gần bờ sông để đợi lệnh tên Quận trưởng. Lần thứ 3 ông bị giam giữ, bị muỗi, bọ chó, ruồi vàng, rệp… "tra tấn". Cho tới khi tên Quận phó xem giấy giới thiệu liền lệnh cho cấp dưới đưa ông ra bến xe để về Sài Gòn.

Cuộc thâm nhập nội đô Sài Thành lần thứ 2 của Tư Hổ đã thành công! Tuy nhiên đây mới là thời điểm bắt đầu cho một cuộc chiến đấu đầy cam go, khốc liệt sắp tới!

Bài 2: Chiến đấu trong lòng địch

Trần Mai

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ho-an-giua-sai-gon/