‘Hố bẫy’ tại các công trình: Chuyện nhiều tập

(Toquoc)- Với cách xử lý ‘nhẹ hều’, các chủ công trình sẽ khó đảm bảo an toàn cho người dân

Trước những sự cố liên tiếp xảy ra dẫn đến chết người trong thời gian gần đây trên địa bàn TPHCM mà nguyên nhân đều được bắt nguồn từ việc các công trình thi công thiếu an toàn, cẩu thả và sự tắc trách của các đơn vị liên quan. Vừa qua UBND TPHCM đã có văn bản yêu cầu các ngành chức năng, các đơn vị thi công có liên quan khắc phục tình trạng trên. Mặc dù, lãnh đạo UBND TP đã chỉ đạo (bằng văn bản) và yêu cầu Sở GTVT, Sở Công Thương… kiểm tra những công trình bỏ hoang, thi công đào đường, tái lập mặt đường nhếch nhác, hư hỏng, lồi lõm để giảm thiểu những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của Tổ Quốc, tình trạng trên vẫn hiện hữu như một căn bệnh không có thuốc chữa…!? Những cái bẫy trên đường tại các công trình đang thi công (Ảnh: G.Thịnh) Những cái chết oan uổng! Sau gần một năm, ngày em Ngô Hoàng Võ (sinh năm 2001) tạm trú quận 7 bị rơi xuống hố cống tại khu vực kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (trước nhà số 6, đường Cù Lao, phường 2, quận Phú Nhuận), mặc dù Cơ quan CSĐT- CATP đã điều tra làm rõ và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, giao lại hồ sơ vụ việc cho thanh tra Sở GTVT xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, người thân của em Ngô Hoàng Võ và những người dân chứng kiến vụ việc trên vẫn còn bức xúc cho rằng: với cách xử lý như trên (không khởi tố vụ án) sẽ không có tính răn đe và tạo một tiền lệ cho những công trình thi công cẩu thả gây chết người sau này thờ ơ, vô cảm… Nhắc đến vụ việc xảy đến với em Ngô Hoàng Võ, người dân sinh sống tại khu vực đường Cù Lao, phường 2, quận Phú Nhuận vẫn chưa hết bàng hoàng. Khuôn mặt rám nắng, khắc khổ, chị Hồ Thị Đồng người thân của em Võ ngẹn ngào trong nước mắt kể: “Ngày 31-12, lúc đó khoảng 18 giờ tôi chở Võ và Ngô Thanh Văn (sinh năm 2000) đến khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để biểu diễn xiếc. Trong lúc một mình Võ biểu diễn ở các quán nhậu phía phường Tân Định (quận 1), còn Văn cũng một mình đến biểu diễn tại khu vực phường 2 (quận Phú Nhuận). Đến 2 giờ sáng ngày 1-1, tôi nói Võ đi tìm Văn (anh trai mình)… nhưng khi thấy Văn về nhà mà không thấy Võ đi về cùng. Mọi người trong nhà mới túa đi tìm nhưng bóng dáng của Võ vẫn bặt vô âm tín. Khi tìm được thì cháu đã nằm chết dưới cống của một công trình…”. Khám nghiệm tử thi, cơ quan điều tra xác định em Võ bị ngạt nước dẫn đến tử vong… Gần đây nhất, khoảng 16 giờ ngày 10/9, một học sinh lớp 7 trường Lương Định Của là Phan Minh Trí (sinh năm 1995), thường trú phường An Khánh, quận 2) thiệt mạng tại hệ thống xử lý nước thải chợ Siêu Thị khu tái định cư Thủ Thiêm, phường Bình Khánh, quận 2. Hôm đó, Trí cùng một số bạn trong trường rủ nhau ra hố nước thải của chợ Siêu Thị (đang xây dựng) tắm. Hồ nước rộng gần 100m2, sâu gần 6m, nước trong vắt. Trong lúc đám bạn đùa nghịch dưới nước, Trí lùi lại phía sau lấy đà thực hiện một cú nhảy “ngoạn mục”. Lùi được vài bước, Trí hẫng chân khi bước vào miệng cống (khoảng 1m2) không có nắp đậy, đập đầu vào thành cống và rơi xuống phía dưới. Nghe tiếng kêu cứu của đám trẻ, người dân sống gần đó chạy ra nhưng Trí đã chìm nghỉm phía dưới hầm xử lý nước thải. Đến khi lực lượng cứu hộ cho người nhái xuống mò lặn, xác Trí mới được đưa lên bờ! Theo tìm hiểu của Tổ Quốc, nơi em Võ gặp nạn và tử vong tại một cống thoát nước sinh hoạt, rộng khoảng 1m x 1m (ký hiệu S23-U2 thuộc gói thầu số 7, nằm trong dự án Vệ sinh môi trường nước TP) nhưng không có nắp đậy. Xung quanh là nhiều mảnh vỡ của một tấm ván ép loại mỏng với các vết rách còn rất mới. Được biết, gói thầu số 7 (xây lắp tuyến cống, thiết bị tách dòng, miệng xả ngầm) thuộc Dự án vệ sinh môi trường nước TPHCM khởi công từ tháng 11/2003 và do Sở GTVT TPHCM làm chủ đầu tư. Đại diện chủ đầu tư là ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TPHCM, đơn vị giám sát là Công ty CDM (Hoa Kỳ) và nhà thầu chính là Công ty liên doanh TMEC/CHEC-3 (Trung Quốc). Tuy nhiên, sau khi trúng gói thầu trên, ngày 13-9-2005, Công ty liên doanh TMEC/CHEC-3 đã “giao” cho Công ty TNHH TM-DV Duy Bảo (gọi tắt là Công ty Duy Bảo) thi công một số hạng mục như: đào đất, đổ đất phế thải, hố ga và đào cống hở... Theo ông Lê Đức Hiếu, các hạng mục do công ty thi công (từ tháng 7/2006 đến tháng 8-2006 thì hoàn thành) đã bàn giao lại cho nhà thầu chính và đến ngày 16-5-2007 hai bên chính thức thanh lý hợp đồng. Ông Hiếu khẳng định: “Toàn bộ hệ thống hố ga do công ty Duy Bảo thi công đều có nắp đậy tạm”. Và theo ông Kan Shi Sheng, đại diện giám sát thi công hệ thống gói thầu số 7 cũng khẳng định: “Hệ thống giếng được vây bằng tôn, các hố ga đều được đậy bằng tấm đan bê tông cốt thép. Trong thời gian thi công đã nhiều lần phía công trình phát hiện mất trộm nắp hố ga tạm và đã báo với công an địa phương. Tại hố ga nơi em Võ gặp nạn khi bàn giao cũng có nắp đậy tạm nhưng bị mất nắp lúc nào thì…không rõ” (?) Theo khảo sát của Tổ Quốc, tại các con đường như Xô Viết Nghệ Tĩnh (dưới chân cầu Thị Nghè đến ngã tư Hàng Xanh, Bình Thạnh), Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quốc Thảo, Nguyễn Thông (quận 3), CMT8, Hai Bà Trưng…nhiều “lô cốt” đang thi công án ngữ tạo thành những hố sâu, chỉ cần sơ sẩy, trượt ngã, người lưu thông trên đường sẽ nằm gọn dưới hố công trình. Không những thế, các công trình thi công rào chắn chỉ chừa lại cho các phương tiện hoạt động lưu thông với khoảng cách khiêm tốn nên vỉa hè trở thành con đường tối ưu của các phương tiện. Do vậy, chỗ nào có các “lô cốt” công trình thi công án ngữ thì khu vực đó vỉa hè bị tan nát. Người dân TPHCM, dường như không ai còn phân biệt được đâu là đường, đâu là vỉa hè trong khi đó một số đoạn vỉa hè trước khi có “lô cốt” đã được lát gạch sạch sẽ…Với cách làm cẩu thả, thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng của các đơn vị thi công như nêu trên những tai nạn thương tâm xảy ra thường xuyên là điều dễ hiểu. Cần một chế tài mạnh tay Làm việc với cơ quan điều tra, ông Diệp Minh Tâm-Phó Kỷ sư trưởng và ông Nguyễn Đình Cường- chuyên viên ATGT-Môi trường của Công ty Tư vấn CMD (gọi tắt là CMD) cho biết: Từ tháng 9-2005 đến 8-2008, phía CMD đã gửi 23 công văn “nhắc nhở” phía Công ty liên doanh TMEC/CHEC-3 kiểm tra toàn diện ATLĐ, giao thông, môi trường đối với các hạng mục công trình đang thi công. Tháng 6/2006, CMD phát hiện một số nắp hố ga tại gói thầu số 7 bị mất nên chụp hình hiện trạng và gởi công văn cho phía công ty. Riêng hố ga nơi em Võ gặp nạn thì phía CMD không phát hiện được mất từ khi nào nên không có văn bản nhắc nhở (?). Ông Sơ-Tổ trưởng tổ 44, phường 2, quận Phú Nhuận xác nhận: “Các hố ga ở đây đều có nắp đậy tạm bằng bê tông nhưng kể từ khi công trình ngưng thi công thì xảy ra tình trạng mất cắp nắp đậy. Chính người dân nơi đây đã dùng ván ép để che đậy tạm hố ga không còn nắp ở khu vực gần cầu Trần Khánh Dư” Chuyện lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc đôn đốc công tác kiểm tra an toàn các hạng mục thi công tại gói thầu số 7 của cá nhân và Công ty liên doanh TMEC/CHEC-3 dẫn đến tình trạng mất cắp nắp hố ga là quá rõ ràng. Ngay chính ông Zhang Zong Xi –Giám đốc dự án gói thầu số 7 cũng thừa nhận vấn đề này tại buổi làm việc với cơ quan điều tra. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến cái chết cho em Võ có phải là do sự tắc trách của các cá nhân và chủ thầu chính thi công gói thầu số 7 hay là do…trộm (?). Căn cứ vào tài liệu điều tra mà Cơ quan CSĐT-CATP thu thập được và kết luận lỗi dẫn đến cái chết của em Ngô Hoàng Võ thuộc về phía Công ty Liên doanh TMEC/CHEC-3 nhưng vì những yếu tố khách quan, phức tạp như: Trên công trường thường xảy ra mất trộm, các đơn vị chức năng liên quan có thường xuyên kiểm tra nhưng không phát hiện được kịp thời nắp hố ga nơi em Võ gặp nạn bị mất cắp nên không kịp thời khắc phục… Xét các yếu tố trên, Cơ quan CSĐT-CATP đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ vụ việc đến Thanh tra Sở GTVT TPHCM xử lý theo thẩm quyền... Qua những vụ việc trên, có thể thấy chế tài chưa đủ mạnh, trách nhiệm của chủ công trình, nhà thầu, đơn vị thi công dẫn đến những tai nạn chết người vẫn chưa được xử lý thích đáng cho nên người dân vẫn là người bị thiệt. Năm 2009 đã gần hết, trên địa bàn TPHCM hàng trăm công trình lớn nhỏ vẫn đang tiến hành thi công, sửa chữa. Đồng hành với các công trình là nỗi lo của người dân về đường bị cày xé, hàng trăm “hố bẫy” mai phục… người đi đường. Và chúng tôi xin mượn ý kiến của một người dân chứng kiến vụ em Ngô Hoàng Võ gặp nạn, thay cho lời kết “Chết là hết! Nhưng đừng để cái chết trở thành vô nghĩa. Cần phải làm rõ trách nhiệm của những đơn vị liên quan và không nên đổ thừa cho “hoàn cảnh”. Có như vậy thì mới không còn những vụ việc đáng tiếc nữa xảy ra giống như đã xảy ra với gia đình em Võ. Công trình nào gây tai nạn cũng chỉ bị xử lý hành chính thì bao nhiêu gia đình nữa rơi vào tình cảnh như gia đình em Võ, em Trí...” Ông Trần Quang Phượng – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM trong một buổi họp báo đã từng nhấn mạnh: “Thanh tra Sở GTVT là người kiểm tra quản lý các công trình trên địa bàn TPHCM nên nếu để xảy ra tai nạn sự cố chết người từ những công trình vi phạm thì thanh tra viên quản lý địa bàn sẽ bị xử lý đầu tiên. Nhưng về một mặt khác, dù thanh tra thường xuyên kiểm tra, xử phạt song tình trạng các nhà thầu thi công cẩu thả không đảm bảo an toàn cho người đi đường vẫn diễn ra thường xuyên. Mức độ xử phạt của cơ quan chức năng đối với nhà thầu vi phạm hiện nay còn quá nhẹ. Ngay cả những nhà thầu, đơn vị thi công thi công vi phạm dẫn đến tai nạn chết người thì các đơn vị này chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường cho gia đình kể như xong trách nhiệm, còn chuyện xử lý hình sự thì dường như rất ít các nhà thầu đơn vị thi công nào bị xử lý!” Gia Thịnh

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Thoi-Su/Ho-Bay-Tai-Cac-Cong-Trinh-Chuyen-Nhieu-Tap.html