'Hô biến' gần 11.500 m3 gỗ rừng thông, gây thiệt hại hơn 5,5 tỷ đồng

Trong quá trình lập phương án, thiết kế khai thác, tận thu đấu giá gỗ rừng thông cháy, Hoàng Phước Toàn, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Hương Thủy đã không kiểm tra, thẩm định đúng hay sai nhưng vẫn ký xác nhận vào 2 biên bản thẩm định. Ngoài ra, các đối tượng đã thiếu trách nhiệm trong quá trình lập thiết kế, dự toán dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 5,5 tỷ đồng.

Lập phương án khai thác trước khi xin ý kiến cơ quan chức năng

Viện KSND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa truy tố 5 đối tượng, gồm: Hoàng Phước Toàn (sinh năm 1975, trú thành phố Huế, Giám đốc QLRPH Hương Thủy; Lê Hồng Khanh (sinh năm 1992, trú phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy), Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn và Dịch vụ nông, lâm nghiệp Lâm Phát; Lê Hạ (sinh năm 1964), Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Thiết kế nông lâm nghiệp; Trương Ngọc Đức (sinh năm 1986), nhân viên hợp đồng Trung tâm Quy hoạch và Thiết kế nông, lâm nghiệp và Nguyễn Đăng Phong (sinh năm 1965, đều trú tại TP Huế), Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Ban QLRPH Hương Thủy về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, Điều 360, Bộ luật Hình sự.

Hoàng Phước Toàn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy.

Theo hồ sơ vụ án, cuối tháng 6/2021, tại các tiểu khu 151, 152, 159 thuộc rừng trồng của Ban QLRPH Hương Thủy (đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế) xảy ra 2 vụ cháy. Sau khi xảy ra cháy rừng, Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy phối hợp với Ban QLRPH Hương Thủy tiến hành lập biên bản kiểm tra, xác minh, thống kê, đánh giá thiệt hại báo cáo cấp trên. Ban QLRPH Hương Thủy đã gửi tờ trình xin khai thác tận thu rừng trồng thông bị cháy tại khoảnh 1, 3 tiểu khu 159; khoảnh 1, 2, 3, 4, 5 tiểu khu 151; khoảnh 1 tiểu khu 152 đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế xin chủ trương khai thác tận thu gỗ rừng thông bị cháy.

Khoảng đầu tháng 7/2021, Lê Hồng Khanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn và dịch vụ nông, lâm nghiệp Lâm Phát (gọi tắt là Công ty Lâm Phát) đã liên hệ với Hoàng Phước Toàn, Giám đốc Ban QLRPH Hương Thủy đề nghị cho Công ty Lâm Phát thiết kế phương án và dự toán khai thác tận thu gỗ rừng bị thiệt hại và được Hoàng Phước Toàn đồng ý. Lê Hồng Khanh và Hoàng Phước Toàn thống nhất tiến hành lập phương án khai thác tận thu, khi chưa có ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước khi ký kết hợp đồng.

Lê Hồng Khanh đã thu thập số liệu, bản đồ, tài liệu có liên quan đến thiết kế trồng rừng tại khu vực bị cháy, tiến hành phân thửa lô, bóc tách hiện trạng, lập bản đồ thiết kế ngoại nghiệp. Lê Hồng Khanh thuê Trương Ngọc Đức (Đức là nhân viên của Trung tâm Quy hoạch thiết kế nông, lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là đơn vị thẩm định sau này) và Đức tiếp tục thuê Lê Bá Hướng, Nguyễn Quốc Thành, Lê Hữu Tín (đều là nhân viên cùng cơ quan với Đức) tiến hành thiết kế ngoại nghiệp phương án khai thác tận thu. Lê Hồng Khanh trực tiếp trao đổi nội dung công việc, cung cấp bản đồ thiết kế ngoại nghiệp cho Trương Ngọc Đức để Đức phổ biến, cung cấp cho 3 người còn lại. Nội dung thực hiện thiết kế ngoại nghiệp gồm tiến hành xác định lô rừng theo khu vực thiết kế, kiểm đếm, đo đường kính thân cây, chiều cao và xác định phẩm chất cây trong ô tiêu chuẩn, theo 3 loại A, B, C...

Quá trình thực hiện thiết kế ngoại nghiệp, nhóm của Đức chia thành 2 nhóm (mỗi nhóm 2 người) để thực hiện việc đo đếm số cây trong ô tiêu chuẩn. Kết quả thiết kế ngoại nghiệp, Đức tập hợp dữ liệu, chuyển lại cho Lê Hồng Khanh và Khanh trực tiếp thực hiện công tác nội nghiệp. Về phẩm chất cây, Khanh không lấy kết quả đánh giá theo số liệu ngoại nghiệp Đức cung cấp, mà căn cứ vào đánh giá của Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy (mức độ thiệt hại rừng 100%, rừng không có khả năng phục hồi) tại các biên bản kiểm tra, xác minh đo đạc hiện trường vụ cháy để điều chỉnh phẩm chất cây từ loại A, B, C thành toàn bộ sang loại C.

Sau khi điều chỉnh phẩm chất cây, Lê Hồng Khanh trao đổi cho Trương Ngọc Đức biết thì Đức nói rằng việc điều chỉnh phẩm chất cây là việc của Khanh, còn Đức không liên quan. Khanh đã hoàn thành và chuyển phương án khai thác tận thu cho Ban QLRPH Hương Thủy. Sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý cho Ban QLRPH Hương Thủy tổ chức khai thác tận thu gỗ rừng thông bị cháy. Ban QLRPH Hương Thủy đã ký hợp đồng với Lê Hồng Khanh, Giám đốc Công ty Lâm Phát để lập phương án khai thác tận thu và ký hợp đồng với Lê Hạ, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch thiết kế nông, lâm nghiệp về việc thẩm định phương án khai thác tận thu.

Sau đó, Lê Hồng Khanh liên hệ với Lê Hạ phối hợp thực hiện thẩm định. Lê Hạ phân công Trương Ngọc Đức thực hiện thẩm định ngoại nghiệp. Trương Ngọc Đức nhận nhiệm vụ mà không báo cáo cho Lê Hạ biết việc Đức đã tham gia thiết kế ngoại nghiệp phương án này cho Công ty Lâm Phát. Trương Ngọc Đức cùng Lê Hồng Khanh đến hiện trường ngoại nghiệp để tiến hành thẩm định.

Sau khi thẩm định, Đức điện thoại yêu cầu Lê Hồng Khanh cung cấp file số liệu mà Đức đã gửi cho Khanh trước đây của các ô tiêu chuẩn, Khanh gửi file số liệu đã chỉnh sửa phẩm chất cây (loại C) cho Đức. Đức kiểm tra, đối chiếu số liệu của Khanh với số liệu ngoại nghiệp trước đây của Đức và nhận thấy có sự điều chỉnh về phẩm chất cây (từ loại A, B thành loại C). Trương Ngọc Đức nhận thấy Lê Hồng Khanh giải thích về việc toàn bộ phẩm chất cây phải là loại C, vì cơ quan chức năng đã đánh giá rừng không có khả năng phục hồi nên Đức đồng ý và chỉ điều chỉnh một chút về kích thước của các cây trong số liệu do Lê Hồng Khanh cung cấp và ghi ra biểu mẫu giấy đưa cho Lê Hạ.

Trong thời gian thẩm định phương án và dự toán khai thác gỗ rừng thông, Lê Hạ có về làm việc với Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy, khi thấy ở khu vực phường Phú Bài có một số cây đang phục hồi. Vì vậy, Lê Hạ đề nghị Lê Hồng Khanh xem lại phẩm chất cây và Khanh có điều chỉnh một số cây ở khu vực này sang loại B. Lê Hạ không kiểm tra hoặc yêu cầu Trương Ngọc Đức kiểm tra lại toàn bộ những lô đã thiết kế, thẩm định mà cho rằng Công ty Lâm Phát chịu trách nhiệm về các lô còn lại.

Sau khi nhận số liệu thẩm định do Trương Ngọc Đức cung cấp, Lê Hạ chuyển tiếp file số liệu cho Lê Hồng Khanh để Khanh soạn thảo 3 văn bản thẩm định gồm: biên bản thẩm định hiện trường; biên bản thẩm định hồ sơ; báo cáo kết quả thẩm định phương án khai thác tận thu. Sau đó, Lê Hồng Khanh chuyển file 3 văn bản này cho Lê Hạ để kiểm tra và ký vào các văn bản. Lê Hồng Khanh đến Trung tâm Quy hoạch thiết kế nông, lâm nghiệp để ký các biên bản thẩm định; đồng thời Lê Hạ ký vào 3 văn bản này và chuyển cho Ban QLRPH Hương Thủy để ký xác nhận.

Chưa thẩm định, vẫn ký xác nhận

Sau khi nhận các văn bản liên quan đến thẩm định phương án khai thác tận thu, Nguyễn Đăng Phong, Trưởng Phòng Kế hoạch kỹ thuật, Ban QLRPH Hương Thủy là người tham mưu để ký các biên bản thẩm định, báo cáo kết quả thẩm định phương án khai thác tận thu gỗ thông. Nguyễn Đăng Phong và Hoàng Phước Toàn, Giám đốc Ban QLRPH Hương Thủy không tham gia gì vào việc thẩm định, không biết việc thẩm định đúng hay sai nhưng Phong vẫn ký tắt vào các văn bản và trình Hoàng Phước Toàn ký xác nhận vào 2 biên bản thẩm định, 1 báo cáo kết quả thẩm định do Trung tâm Quy hoạch thiết kế nông, lâm nghiệp lập.

Quá trình thực hiện thiết kế, thẩm định phương án khai thác tận thu gỗ thông. Ban QLRPH Hương Thủy không thể hiện việc bàn giao hiện trường rừng với Công ty Lâm Phát và Trung tâm Quy hoạch thiết kế nông, lâm nghiệp, không thực hiện việc kiểm tra, theo dõi quá trình thực hiện hợp đồng...

Các bị cáo hầu tòa vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định số 573/QĐ-SNNPTNT phê duyệt phương án và dự toán khai thác tận thu 157,87 ha gỗ rừng trồng sản xuất bị thiệt hại do cháy rừng của Ban QLRPH Hương Thủy, gồm 46 lô tại các tiểu khu 151, 152, 159; theo dự toán khai thác, doanh thu là hơn 6,299 tỷ đồng, tổng sản lượng cây đúng là 16.999,4 m3, tổng sản lượng thương phẩm là 10.212,9 m3 trong đó gỗ thông: 8.512,9 m3, củi 1.700 m3.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định phê duyệt giá khởi điểm đấu giá khai thác tận thu gỗ rừng trồng sản xuất bị thiệt hại do cháy rừng của Ban QLRPH Hương Thủy, giá khởi điểm hơn 4,365 tỷ đồng. Trung tâm Dịch vụ đấu giá tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đấu giá khai thác tận thu 157,87 ha gỗ rừng trồng của Ban QLRPH Hương Thủy. Kết quả đấu giá, Nguyễn Đăng Sáu Tý đã trúng đấu với số tiền hơn 5,599 tỷ đồng. Sau đó, Nguyễn Đăng Sáu Tý bán lại cho vợ chồng ông Lê Ngọc Tuấn và Nguyễn Thi Hương với số tiền 6,5 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Cơ quan Công an xác định, từ tháng 11/2021 đến tháng 4/2022, ông Lê Ngọc Tuấn và Nguyễn Thị Hương đã khai thác 157,78 ha tại khu vực rừng thông cháy thuộc Ban QLRPH Hương Thủy, bán lại cho ông Nguyễn Anh Linh và Phạm Văn Vĩnh ở TP Đông Hà (Quảng Trị) tổng cộng là 15.338,65 tấn gỗ (quy đổi là 19.920,32 m3). Riêng, tại tiểu khu 159, xã Phú Sơn còn 10,77 ha rừng thông chưa khai thác, với sản lượng gỗ chưa khai thác là 868 m3.

Theo hồ sơ vụ án, tại Kết luận giám định số 141/KLGĐ-PVTTB ngày 26/10/2022, của Phân viện điều tra, quy hoạch rừng Trung Trung Bộ: chênh lệch giữa sản lượng gỗ tại hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt với sản lượng gỗ theo kết quả giám định là: 11.454,0 m3 (tăng 134,5%). Cơ quan điều tra đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến chênh lệch sản lượng gỗ khai thác thực tế và sản lượng gỗ trong hồ sơ đã được phê duyệt như sau: số liệu điều tra về mật độ cây trong các ô tiêu chuẩn khi điều tra xây dựng hồ sơ thiết kế khai thác tận thu chưa sát với thực tế. Số liệu điều tra chiều cao vút ngọn của các cây trong ô tiêu chuẩn khi điều tra xây dựng hồ sơ thiết kế khai thác chưa sát với thực tế. Dữ liệu đánh giá về phẩm chất cây trong các ô tiêu chuẩn do đơn vị tư vấn thiết kế đánh giá chưa phản ánh sát với thực tế.

Bên cạnh đó, diện tích các lô khai thác trong hồ sơ thiết kế thấp hơn so với kết quả giám định. Trong quá trình xử lý số liệu đã có sự sai lệch về cỡ kích, sai lệch về số lượng cây, sai lệch về phẩm chất cây so với số liệu điều tra trên các ô tiêu chuẩn tại hiện trường... Hội đồng định giá tài sản tỉnh Thừa Thiên Huế xác định, giá trị sản lượng gỗ thông 11.454,0 m3 tại thời điểm xảy ra vụ án là hơn 5,568 tỷ đồng (đã trừ đi các chi phí sản xuất).

Cuối tháng 3/2024, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nói trên. Đại diện Viện KSND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lê Hồng Khanh 3 năm 9 tháng đến 4 năm tù; Lê Hạ từ 3 năm 6 tháng đến 3 năm 9 tháng tù; Trương Ngọc Đức từ 3 năm 3 tháng đến 3 năm 6 tháng tù; Hoàng Phước Toàn từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Nguyễn Đăng Phong 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm...

Tuy nhiên, qua xem xét toàn bộ tính chất vụ án và diễn biến tại phiên tòa, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo đó, tòa yêu cầu giám định lại thiệt hại do chênh lệch sản lượng gỗ giữa phương án khai thác tận thu rừng trồng bị thiệt hại do cháy đã được phê duyệt đối với sản lượng khai thác thực tế. Trường hợp giám định lại có sự chênh lệch về sản lượng gỗ so với kết luận giám định tại tòa thì yêu cầu định giá lại tài sản để xác định giá trị thiệt hại.

Hải Lan

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/ho-bien-gan-11-500-m3-go-rung-thong-gay-thiet-hai-hon-5-5-ty-dong-i727236/