Hổ cắn người: Lý giải ông chủ từng bán hổ nấu cao

Chủ khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh nơi xảy ra vụ việc hổ cắn đứt 2 tay người đàn ông từng bị tuyên án tù bán hổ để nấu cao.

Ngày 6/6, Công an thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương vẫn phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh và lực lượng chức năng tiếp tục làm rõ vụ hổ cắn đứt lìa hai tay người đàn ông trong khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh, phường Vĩnh Phú vào chiều 4/6.

Nạn nhân được xác định là Võ Thành Qưới (49 tuổi, quê An Giang). Ông Quới từng là nhân viên tại khu du lịch, đã nghỉ việc được nhiều năm.

Trao đổi thêm về sự việc, ông Trần Văn Nguyên - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết, Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh là một trong 3 đơn vị nuôi hổ thí điểm tại Bình Dương và được cấp phép từ năm 2007.

Tuy nhiên, chuồng nuôi hổ tại Khu du lịch này thời điểm xảy ra sự việc được xác định xây dựng sơ sài và không đảm bảo an toàn.

Cụ thể, theo biên bản của đoàn kiểm tra, chuồng trại của Khu du lịch Thanh Cảnh có khoảng cách giữa các thanh sắt quá rộng, lên tới 8cm. Với khoảng cách này bàn tay người lớn cũng có thể đưa qua dễ dàng.

Chuồng nuôi nhốt hổ sơ sài. Ảnh: Tuổi Trẻ

Chuồng nuôi nhốt hổ sơ sài. Ảnh: Tuổi Trẻ

Trước vấn đề trên, ông Nguyên cho rằng, trong việc này có sự xui xẻo cho cả chủ nuôi và cho cả nạn nhân.

"Khu du lịch có tất cả 6 ô chuồng nuôi hổ. Chi cục kiểm lâm vừa yêu cầu Chủ khu du lịch gia cố lại chuồng.

Trong 6 ô chuồng thì có 3 ô chuồng kiên cố cho hổ ở, nhưng trong thời gian gia cố lại thì chủ khu du lịch mới lùa hổ sang 3 ô chuồng sơ sài, xảy ra sự việc mà báo chí chụp hình.

Ô chuồng bình thường hổ ở có đưa cánh tay qua cũng không lọt. Khu nuôi hổ cũng là khu cách biệt, bên ngoài còn có một cửa có khóa nhưng nạn nhân là nhân viên cũ không hiểu "Trời xui đất khiến" ra sao lại tự mở cửa đi vào", ông Nguyên lý giải.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã yêu cầu cơ sở này phải gia cố lại ngay chuồng hổ trong vòng 10 ngày, đồng thời có biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân viên, không để người ngoài tới chuồng hổ gây nguy hiểm.

Ông Quới đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Ảnh: Thanh Niên

Ông Nguyên nhấn mạnh: "Đối với Bình Dương kiên quyết phải đảm bảo vấn đề về chuồng trại cho nhân viên và người dân xung quanh vùng, không thể lộn xộn được.

Ông Nguyên cũng khẳng định việc kiểm tra chuồng trại từ trước đến nay được đơn vị tiến hành đều đặn theo định kỳ. Ông Nguyên cho rằng sẵn sàng cung cấp tất cả các văn bản về chuồng trại trong các buổi làm việc với Khu du lịch".

"Tất cả các buổi kiểm tra đều được lập biên bản, tôi sẵn sàng cung cấp không có gì giấu diếm. Thậm chí vừa qua, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cũng đã đến đây nhưng không có ý kiến gì", Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương minh chứng.

Theo tìm hiểu của PV, chủ cơ sở khu sinh thái Thanh Cảnh từng bị xử phạt tù do vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Năm 2011, Tòa án Nhân dân thị xã Thuận An đã tuyên phạt Huỳnh Văn Hai (con trai chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh) 36 tháng tù giam và Huỳnh Tấn Đạt (con ông Huỳnh Văn Hai) 30 tháng tù giam.

Theo HĐXX xác định, doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh do ông Huỳnh Văn Phùng đứng tên, nhưng thực chất việc hoạt động do Huỳnh Văn Hai (là con trai ông Phùng) chỉ đạo điều hành.

Cụ thể, chủ cơ sở này mua 2 con hổ gửi nuôi tại Khu du lịch Suối Tiên (TP.HCM), nhưng tới năm 2003 chủ cơ sở này mua thêm hổ nguồn gốc không hợp pháp về nuôi nhốt tại khu sinh thái Thanh Cảnh.

Khi thấy hổ bị chết, thay vì báo cáo lên đơn vị kiểm lâm, chủ Khu du lịch bán hổ để lấy cao với giá lên tới hàng trăm triệu đồng/con.

Trước thông tin này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho rằng:

"Cũng có đợt lâu lắm rồi ông này mua bán hổ lấy cao rồi bị bắt. Nhưng câu chuyện pháp lý cụ thể phải liên hệ với Tòa để có thông tin chính xác.

Kiểm lâm không tìm hiểu rõ mấy vấn đề này. Từ khi được cấp phép đến giờ ông này không có vi phạm gì".

Hoàng Trang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ho-can-nguoi-ly-giai-ong-chu-tung-ban-ho-nau-cao-3381478/