'Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung'

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, Triển lãm 'Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung' tại phòng trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn có sức hút đặc biệt với người xem.

Hơn 200 tài liệu, tư liệu ảnh, hiện vật và tranh cổ động đặc sắc đã dẫn dắt người xem trở lại với những năm tháng mà Hồ Chủ tịch đã đi qua. Mỗi chặng đường, những hiện vật hình ảnh cùng những câu chuyện kể lại càng khắc họa rõ hơn chân dung một vị lãnh tụ vĩ đại luôn tận tụy hết mình vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giàu lòng bác ái nhưng cuộc sống lại vô cùng thanh bạch và giản dị...

Hình bóng Bác qua mỗi chặng đường

Ngôi nhà quê ngoại, quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chiếc võng đay mà gia đình Bác từng sử dụng những năm 1890-1895; lò rèn của cụ cố Điền - nơi tuổi thơ cậu bé Nguyễn Sinh Cung thường ra chơi và giúp cụ Điền thụt bễ, đập đe; nhà số 112 đường Mai Thúc Loan (nay là nhà số 158) - nơi chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của hai anh em Nguyễn Sinh Cung trong thời gian ở Huế... những hình ảnh giới thiệu trong phần I của trưng bày mang tên “Cậu bé giàu nghị lực” đã đưa công chúng trở lại với tuổi thơ của Bác nơi làng Sen xứ Nghệ, rồi xứ Huế.

Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh được Giám ngục nhà tù Côn Đảo Paul Atoine Miniconi gìn giữ trong hàng chục năm.

Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh được Giám ngục nhà tù Côn Đảo Paul Atoine Miniconi gìn giữ trong hàng chục năm.

Tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, cùng cực của đồng bào, những tội ác của thực dân Pháp và thái độ bạc nhược của triều đình nhà Nguyễn, Nguyễn Sinh Cung đã miệt mài học tập, hoạt động sôi nổi trong phong trào yêu nước và bắt đầu nuôi ý chí ra đi tìm đường cứu nước.

Trên suốt chặng đường bôn ba, vượt qua bao gian khó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Người xem muốn tìm hiểu về Nguyễn Tất Thành - người thanh niên yêu nước tiến bộ hay Nguyễn Ái Quốc - người chiến sĩ cộng sản kiên trung có thể tìm thấy trong nội dung phần II và III của của trưng bày.

Bóng dáng của Người dường như còn đâu đó trong những tấm hình về trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận), cảng Sài Gòn đầu thế kỷ XX hay con tàu đô đốc Latouche Tréville mà ngày 5/6/1911, với tên mới Văn Ba, Nguyễn Tất Thành đã lên tàu rời cảng Sài Gòn để sang Pháp, khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước.

Các đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung”.

Ngắm nhìn hình ảnh Nguyễn Tất Thành trong trang phục của người phụ bếp khách sạn ở London (Anh), hình ảnh bản yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc, hay những bài báo vạch trần tội ác của thực dân Pháp, vạch ra con đường đấu tranh của cách mạng Việt Nam... càng thấy rõ hơn những nỗ lực không mệt mỏi của Người để từ một người tìm đường cứu nước trở thành người dẫn đường cho cách mạng Việt Nam.

Sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong mỗi bước trưởng thành của Đảng, mỗi bước phát triển của đất nước, dân tộc đều in trọn dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách của nhà lãnh đạo thiên tài và linh hồn của cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Nội dung phần IV và V của trưng bày cũng đã khắc họa rõ hơn vai trò của nhà lãnh đạo thiên tài, nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh...

Đặc biệt, trong phần VI của trưng bày, những tư liệu hình ảnh phong phú tiếp tục làm nổi bật chân dung đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không ít người xem bùi ngùi xúc động khi nhìn lại những khoảnh khắc ghi lại cuộc sống đời thường của Người khi lội ruộng cùng nông dân, tăng gia sản xuất hay tập thể dục...

Và những hiện vật kể chuyện cuộc đời

Bên cạnh những hình ảnh sinh động, trưng bày “Hồ Chí Minh - những nét phác họa chân dung” còn giới thiệu rất nhiều hiện vật liên quan đến cuộc đời của Hồ Chủ tịch.

Đôi dép cao su đã theo chân Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm các địa phương trong nước và các quốc gia trên thế giới; bộ quần áo kaki Chủ tịch Hồ Chí Minh thường mặc khi đi thăm các địa phương trong nước, các nước anh em, đi dự hội nghị và các cuộc họp của Chính phủ, tiếp khách quốc tế; chiếc máy chữ, chiếc đèn bàn Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trong thời gian Người làm việc tại Phủ Chủ tịch; chiếc huy hiệu Người từng dùng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951); Lời kêu gọi gửi các chiến sĩ và thư gửi đồng bào Cao Bắc Lạng sau chiến thắng ngày 14/10/1950... tất cả vẫn còn đó như một minh chứng cho cuộc đời, lối sống thanh bạch, giản dị của Người.

Một số hiện vật được giới thiệu tại trưng bày.

Đáng chú ý, có rất nhiều hiện vật, hình ảnh đặc biệt được Bảo tàng giới thiệu tại trưng bày đã neo lại trong lòng công chúng những dấu ấn khó quên như: trang sổ lương của Văn Ba (Nguyễn Ái Quốc) tháng 6/1911; bộ dụng cụ tập thể thao của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay chiếc mũ len Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng giáo sư vật lý người Pháp Pierre Biquard ngày 2/1/1969 khi ông cùng đoàn phong trào hòa bình Pháp thăm Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Thanh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xúc động chia sẻ: “Triển lãm có nhiều bức ảnh chụp về Bác trong nhiều thời điểm nhưng tôi vô cùng ấn tượng với bức “Chân dung ánh sáng” của nhiếp ảnh gia người Pháp Laure Albin Guilliot chụp Người”.

Laure Albin Guilliot là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng với thể loại ảnh chân dung, phong cảnh và vi phẫu. Bà chuyên chụp ảnh chân dung các chính khách và những người nổi tiếng. Bức ảnh này được tác giả chụp khi Hồ Chủ tịch sang thăm Cộng hòa Pháp năm 1946. Với ánh sáng dịu dàng và tinh tế, Laure Albin Guilliot đã nắm bắt được thần thái của Người từ cặp mắt tinh anh và hiền hậu, nét mặt hiền lành nhưng kiên quyết.

Đặc biệt, trong số nhiều hiện vật được giới thiệu tại trưng bày, có một hiện vật đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Đó là bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà tù Côn Đảo.

Bà Phạm Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết hiện vật này lần đầu được bảo tàng công bố. Bức tượng do các chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp bắt đã bí mật mang theo ra nhà tù Côn Đảo những năm 1940.

Giám ngục nhà tù Côn Đảo là Paul Atoine Miniconi (người Pháp) đã phát hiện và tịch thu. Có lẽ vì hiểu được những giá trị nhân văn, ý nghĩa tốt đẹp của những người chiến sĩ cộng sản dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nên ông quyết định giữ bức tượng đó như một kỷ niệm của riêng mình trong những năm tháng tại Côn Đảo.

Nhiều hiện vật Trưng bày thu hút đông đảo công chúng.

Sau này, khi trở về Pháp, bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được ông trân trọng, giữ gìn trong gia đình. Trước khi mất, ông đã để lại bức tượng cho con trai mình là Paul Miniconi. Cuối năm 2019, thực hiện di nguyện của cha, ông Paul Miniconi đã trao tặng pho tượng cho Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp. Ngày 25/2/2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bàn giao pho tượng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ và phát huy giá trị.

Ông Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thông qua những góc nhìn khác nhau về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tác phẩm trưng bày đã khắc họa hình ảnh một vị lãnh tụ vĩ đại, tận tụy quên mình hiến dâng cả cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc nhưng lại giàu lòng bác ái; thanh bạch, dung dị và gần gũi trong cuộc sống đời thường. Nhân cách cao đẹp của Người đã tạo nên những giá trị nhân văn cao cả, có sức lan tỏa trong lòng mỗi người dân Việt Nam và trong trái tim nhân loại...”. Đây cũng chính là thông điệp mà Bảo tàng muốn chuyển tới công chúng từ trưng bày này.

Cùng với trưng bày triển lãm “Hồ Chí Minh - những nét phác họa chân dung”, trong dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn giới thiệu đến công chúng 130 tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến của 55 tập thể và 75 cá nhân trong triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”.
Đây là những điển hình đã được Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an) lựa chọn từ hơn 400 tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Mỗi hình ảnh và bài viết là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên những hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ chính là những tấm gương sáng trong phong trào thi đua “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Thủy Đặng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/ho-chi-minh-nhung-net-phac-hoa-chan-dung-594921/