'Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách'

Đó là tên của bộ phim tài liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên được công chiếu tại Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Người, Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự - Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu đến công chúng Việt Nam bộ phim “Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới là người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đã 50 năm kể từ ngày Người đi xa, nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Người vẫn luôn là chủ đề được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm khai thác, nghiên cứu.

Từ năm 2015 đến nay, trong khuôn khổ Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam,” Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước đã sưu tầm từ nước ngoài và giới thiệu đến đông đảo công chúng trong nước sáu bộ phim tư liệu và hai cuốn sách quý có giá trị và ý nghĩa lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các thời khắc quan trọng của lịch sử Việt Nam.

Phim tài liệu “Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách” lần đầu tiên được công chiếu tại Việt Nam . Ảnh: luutru.gov.vn

Phim tài liệu “Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách” lần đầu tiên được công chiếu tại Việt Nam . Ảnh: luutru.gov.vn

Bộ phim “Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách” của đạo diễn Gérard Guillaume (Pháp), sản xuất năm 1973, phát sóng lần đầu vào ngày 7-10-1973. Bản quyền phim thuộc cơ quan Ciné-Archives (Thư viện Phim ảnh của Đảng Cộng sản Pháp) đã được Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước nghiên cứu, lựa chọn và mua bản quyền sử dụng bản sao để giúp các nhà nghiên cứu lịch sử và đông đảo công chúng Việt Nam có thêm một góc nhìn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc cách mạng giành độc lập, thống nhất Đất nước. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam” đang được Cục triển khai. Đây là bộ phim quý, có nhiều thông tin, hình ảnh lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam. Bộ phim tái hiện cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ việc Người tham dự Đại hội Tours năm 1920 đến các hoạt động đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Trong phim sử dụng nhiều tư liệu, tài liệu lưu trữ và phỏng vấn nhiều nhân vật lịch sử.

Bộ phim được mở đầu bằng bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mạch phim trở về với lịch sử Việt Nam năm 1920. Ông Nguyễn Khắc Viện kể về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông khẳng định rằng, trước bất kỳ ai khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nhận ra cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đang rơi vào ngõ cụt, từ khi tuổi đời còn trẻ. Người đã đến châu Âu để tìm đường cứu nước. Thời gian Người ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp được thuật lại thông qua những bức ảnh. Người nhận thấy tầng lớp công nhân cũng tồn tại ở châu Âu (bên cạnh các thực dân). Người hiểu rằng các dân tộc bị áp bức phải đoàn kết lại.

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Năm 1920, Người tham dự Đại hội Tours. Với Người, việc tìm ra Chủ nghĩa Mác - Lê Nin là một “sự khai sáng”, một con đường mới, một giải pháp mới cho vấn đề của dân tộc. Quá trình thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương được tái hiện qua hàng loạt hình ảnh.

Tiếp theo, bộ phim đưa người xem đến với khu vực miền núi, nơi các dân tộc thiểu số sinh sống. Tướng Chu Văn Tấn kể lại quá trình ông đấu tranh tự phát sang làm cách mạng. Nhờ các cán bộ của Đảng được cử đến làng, ông Tấn hiểu rằng đó là phong trào cách mạng.

Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra, Nhật chiếm Đông Dương. Một phong trào kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo được tổ chức. Một nhóm dân làng ở PácBó nhớ lại thời kỳ này. Một trong số đó chịu trách nhiệm bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người dạy về tinh thần “kiên trì, nhẫn nại trong cách mạng”. Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Một số đoạn băng lưu trữ đã tái hiện thời khắc lịch sử quan trọng này.

Chiến tranh Đông Dương nổ ra, nước Pháp công nhận rồi lại không công nhận độc lập của Việt Nam, sử dụng quân đội để tái lập sự cai trị của Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Phim có sử dụng tài liệu lưu trữ dạng ảnh minh họa các trận chiến giữa quân đội Pháp và Việt Nam cũng như một số mốc quan trọng trong cuộc chiến.

Việc Hoa Kỳ hậu thuẫn cho Pháp được minh họa bằng tài liệu trích từ các “hồ sơ mật của Lầu Năm Góc”. Hoa Kỳ can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến, dần tìm cách thay thế quyền lực của Pháp tại Đông Dương. Dù được Mỹ viện trợ nhưng Pháp vẫn thất bại ở Điện Biên Phủ. Một số đoạn phim thuật lại sơ lược chiến dịch Điện Biên Phủ và hình ảnh nhân dân ăn mừng chiến thắng.

Hội nghị Giơ-ne-vơ về đàm phán hòa bình giữa Pháp và Việt Nam, phim có sử dụng tài liệu lưu trữ và phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bình. Vĩ tuyến 17 được lấy làm ranh giới tạm thời và Việt Nam phải thống nhất bằng tổng tuyển cử. “Hành động phản trắc’ của Mỹ đã đẩy mọi việc theo hướng khác. Ở miền Nam, Tổng thống Diệm để Hoa Kỳ thực thi chính sách đàn áp khắc nghiệt đối với những người ủng hộ thống nhất. Thời kỳ này, miền Bắc chuyển sang thời kỳ “Cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Phim có sử dụng tư liệu về việc xây dựng đập Bắc Hưng Hải.

Tháng 12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng được thành lập để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Hoa Kỳ lật đổ Diệm và Johnson quyết định đưa quân sang Việt Nam năm 1965. Chiến tranh lại nổ ra. Phần này tác giả sử dụng tài liệu lưu trữ về quân đội Mỹ và Việt Nam, các trận chiến, các vụ ném bom, chiến hào, người Việt thương vong,… Việc Mỹ tăng cường can thiệp quân sự kết thúc bằng thất bại. Người Mỹ không thể cắt đứt liên lạc giữa 2 miền Nam – Bắc. Chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến thắng cho Việt Nam, Mỹ phải chấp nhận đàm phán tại Paris.

Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kêu gọi nhân dân Việt Nam tiếp tục giữ vững tinh thần cách mạng và duy trì sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản.

Thông qua nội dung bộ phim, chúng ta có thể thấy được quá trình thay đổi nhận thức, tư tưởng đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những quyết định mang tính lịch sử của Người để thực hiện mục tiêu giành độc lập, thống nhất và hòa bình cho đất nước.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ho-chi-minh-phac-hoa-chan-dung-mot-chinh-khach-148300.html