Hồ Chí Minh trên đất nước Lênin

Khi còn ở Paris, dù thông tin rất hạn chế, nhưng qua những người bạn trong Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã được biết về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga và lãnh tụ cách mạng V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích Nga.

Ngày 17-7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc tác phẩm của V.I.Lênin: “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” đăng trên báo L'Humanité số ra ngày 16 và 17-7-1920. Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy trong tác phẩm của V.I.Lênin con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Người hiểu rằng: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế Cộng sản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam vào Lăng viếng lãnh tụ Lênin trong dịp Đoàn sang dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười Nga vào năm 1957

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam vào Lăng viếng lãnh tụ Lênin trong dịp Đoàn sang dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười Nga vào năm 1957

Tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp họp từ ngày 25 đến 30-12-1920, tại thành phố Tours, Nguyễn Ái Quốc đã đứng về phái tả, tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp (30-12-1920) theo đường lối của Quốc tế Cộng sản và Lênin.

Nữ đồng chí thư ký Đại hội Rose hỏi Nguyễn Ái Quốc: Vì sao đồng chí bỏ phiếu cho Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), Nguyễn Ái Quốc trả lời: Vì Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu".

Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Pháp họp ở Paris từ ngày 21 đến ngày 24-10-1922, Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đại hội. Chương trình nghị sự của Đại hội đã không đề cập vấn đề thuộc địa. Trong phát biểu, Nguyễn Ái Quốc đã phê bình Đảng Cộng sản Pháp chưa quan tâm đúng mức vấn đề thuộc địa.

Để sửa chữa, Đại hội đã thông qua Lời kêu gọi những người bản xứ ở các thuộc địa do Ban Nghiên cứu thuộc địa đệ trình, mà người soạn thảo là Nguyễn Ái Quốc và Hadj Ali Abdel Kader, đảng viên người Angiêri. Tại Đại hội, đại biểu của Quốc tế Cộng sản là D.Manuilsky đã có cuộc tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc. Quốc tế Cộng sản cũng vì thế, thấy rõ hơn những yêu cầu bức thiết của cách mạng ở các nước thuộc địa.

Đêm 13-6-1923, Nguyễn Ái Quốc lên tàu hỏa ở nhà ga Du Nord rời Paris sang nước Đức trong lộ trình tới Liên Xô-đất nước của Lênin. Nguyễn Ái Quốc ở lại nước Đức từ 18 đến 22-6-1923 với tên trong giấy tờ là CHEN VANG và từ Cảng North Sea của Hamburg (Đức) tới Petrograd (nay trở lại tên cũ là Saint Petersburg) ngày 30-6-1923. Đầu tháng 7-1923, Nguyễn Ái Quốc tới thủ đô Liên Xô Moscow và làm việc trong Quốc tế Cộng sản.

Tại Moscow (Mátxcơva), Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Trung ương Đảng Cộng sản Pháp nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện đường lối của Đại hội II Quốc tế Cộng sản (7-1920) về vấn đề thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc phê bình việc bỏ mục Diễn đàn của các thuộc địa trên báo L'Humanité. Người tiếp tục viết các bài tố cáo chế độ thuộc địa đăng trên báo Le Paria và báo L'Humanité. Vấn đề Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú trọng là cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa, cả khi còn ở Pháp và cả khi đã tới Liên Xô.

Ngày 3-10-1923, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc có cuộc gặp gỡ với Tưởng Giới Thạch và Trương Thái Lôi đã dẫn đầu đoàn đại biểu của bác sĩ Tôn Trung Sơn (Trung Quốc) sang nghiên cứu vấn đề chính trị, quân sự của Liên Xô và bàn vấn đề Liên Xô giúp đỡ cách mạng Trung Quốc. Cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc viết một loạt bài đăng trên các báo về tình hình Nhật Bản, Trung Quốc; về tình cảnh nông dân An Nam; về phong trào công nhân Thổ Nhĩ Kỳ; phong trào công nhân Viễn Đông.

Ngày 10-10-1923, Nguyễn Ái Quốc dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân họp trong điện Kremli (Matxcơva). Kalinin, Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô phát biểu chào mừng hội nghị. Nguyễn Ái Quốc được mời phát biểu.

Trong bài phát biểu, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nông dân Đông Dương và các thuộc địa và kêu gọi: "Thưa các đồng chí, khi các đồng chí được tổ chức lại, các đồng chí cần phải nêu gương cho chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi, dang rộng cánh tay anh em đón chúng tôi để chúng tôi cũng có thể bước vào gia đình vô sản quốc tế".

Trong phát biểu ngày 13-10-1923, tại Hội nghị Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: "Quốc tế của các đồng chí chỉ trở thành một quốc tế thật sự khi mà không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân ở phương Đông, nhất là nông dân ở các thuộc địa là những người bị bóc lột và bị áp bức nhiều hơn các đồng chí, đều tham gia Quốc tế của các đồng chí". Ngày 17-10-1923, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, gồm 11 ủy viên, Nguyễn Ái Quốc là đại biểu duy nhất của nông dân các thuộc địa.

Có một sự kiện quan trọng trên đất nước Lênin là Nguyễn Ái Quốc vào học Trường Đại học Phương Đông. Đó là Trường Đại học cộng sản của những người lao động Phương Đông, đào tạo cán bộ cách mạng cho các nước Phương Đông và các nước Cộng hòa Trung Á của Liên Xô - gọi tắt là Trường Đại học Phương Đông-được thành lập ngày 21-4-1921, trực thuộc Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc học một lớp ngắn hạn của Đại học Phương Đông vào cuối năm 1923 và cũng là người Việt Nam đầu tiên học tại trường đào tạo cán bộ của Quốc tế Cộng sản. Kỷ niệm lần thứ 3 thành lập trường (21-4-1924), Nguyễn Ái Quốc được mời tham dự.

Ngày 23-12-1923, Nguyễn Ái Quốc gặp nhà thơ Xôviết Ôxíp Mandenstam. Nguyễn Ái Quốc đã kể lại cho nhà thơ Xô viết về tình cảnh người dân thuộc địa, về đất nước mình, gia đình mình.

Thuật lại cuộc gặp gỡ đó, nhà thơ Ôxíp Mandenstam có bài đăng trên tạp chí Ogoniok số 39, sau đó đăng lại trên báo Lavie Ouvrìere ngày 4-1-1924. Bài báo thuật lại lời Nguyễn Ái Quốc: "Có một điều lý thú là các nhà cầm quyền Pháp đã dạy cho nông dân chúng tôi biết đến những người Bônsêvich và Lênin. Chúng bắt đầu truy nã cộng sản trong người Việt Nam ngay khi họ chưa hề biết cộng sản là gì. Và như vậy là chúng đã tuyên truyền cho cộng sản".

Thị thực cho phép nhập cảnh vào nước Nga, số 1829, ngày 16-6-1923 của đại diện Liên bang CHXHCN Xô Viết tại Béc-lin, Đức cấp cho Cheng Vang (Nguyễn Ái Quốc)

Nhà thơ đã nhận xét: "Từ Nguyễn Ái Quốc đã toát ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai… Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới".

Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô, nước Nga khi Quốc tế Cộng sản đang chuẩn bị cho Đại hội lần thứ V để phát triển đường lối của cách mạng thế giới. Cuối năm 1923, Lênin lâm bệnh nặng, một phần do vết thương từ năm 1918. Vì vậy, Lênin dốc sức cho những tác phẩm, công trình mà Người suy nghĩ nhiều, nhất là chính sách kinh tế mới, những vấn đề về xây dựng Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước Xôviết.

Trên giường bệnh, Người đọc để thư ký ghi lại. Lênin không thể tiếp khách, kể cả khách từ các nước trên thế giới đến thăm Người. Nguyễn Ái Quốc đã không được gặp Lênin trong hoàn cảnh như thế.

Ngày 21-1-1924, trái tim Vlađimia Ilich Lênin đã ngừng đập với sự tiếc thương vô hạn của nhân dân lao động Liên Xô và toàn thế giới. Nguyễn Ái Quốc đi viếng Lênin, tham dự lễ tang Lênin ngày 23-1-1924 cùng một số học sinh Trường Đại học Phương Đông trong sự đau buồn hướng về vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới và trong thời tiết khắc nghiệt.

Hình ảnh Nguyễn Ái Quốc "Một người đi quên rét buốt xương" tiễn đưa Lênin "Con người đẹp nhất trong nhân loại. Trí tuệ, tình yêu của bốn phương" (Tố Hữu).

Ngày 27-1-1924, Nguyễn Ái Quốc viết bài Lênin và các dân tộc thuộc địa đăng trên báo Pravda (Sự thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nguyễn Ái Quốc nói tiếng nói của các dân tộc thuộc địa biết ơn Lênin khi họ biết rằng "người lãnh tụ vĩ đại này sau khi giải phóng nhân dân mình, còn muốn giải phóng các dân tộc khác nữa… Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội".

Tiếp đó, trên báo Le Paria số 27, tháng 7-1924, Nguyễn Ái Quốc viết bài Lênin và các dân tộc Phương Đông. Bài báo nêu rõ, nếu giai cấp vô sản Phương Tây coi Lênin là thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc Phương Đông lại coi Lênin là một người con vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa. "Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi".

Ngày 14-4-1924, Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản quyết định Nguyễn Ái Quốc là cán bộ của Ban. Trước đó, ngày 11-12-1923, Ban Phương Đông đã chi phụ cấp hàng tháng cho Nguyễn Ái Quốc. Ngày 15-6-1924, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội IV của Quốc tế thanh niên.

Theo kế hoạch, Đại hội V Quốc tế Cộng sản họp đầu năm 1924, song vì Lênin qua đời nên Đại hội lui lại đến mùa hè năm 1924. Tại phiên khai mạc Đại hội V có lời kêu gọi nhân dịp đại hội, Nguyễn Ái Quốc đã đề nghị bổ sung vào lời kêu gọi có đoạn gửi các dân tộc các nước thuộc địa. Đại hội đã chấp nhận đề nghị đó. Trong phát biểu ngày 23-6, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt nhấn mạnh vấn đề cách mạng thuộc địa: muốn đánh bại chủ nghĩa tư bản thì phải bắt đầu bằng việc tước đoạt các thuộc địa của chúng. Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại phiên họp thứ tám của Đại hội ngày 23-6-1924, phiên họp thứ 22 (1-7-1924) và phiên họp thứ 25 (3-7-1924). Nguyễn Ái Quốc nêu rõ:

"Theo Lênin, cách mạng ở phương Tây muốn thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và các nước bị nô dịch".

"Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu. Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng"…

(Còn nữa)

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/ho-chi-minh-tren-dat-nuoc-lenin-464795/