Hồ - Đam mê hay chính là sự ám ảnh về cái đẹp?

Cảm nhận về tác phẩm 'Hồ' của nhà văn Kawabata Yasunari của một bạn sinh viên Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội -USTH (Đại học Việt-Pháp).

Kawabata Yasunari là một đại văn hào Nhật Bản. Ông là tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên đạt giải Nobel Văn Học vào năm 1968. Những tác phẩm của Kawabata Yasunari chính là sự phản ánh đa diện về nền văn hóa cũng như tâm hồn của đất nước Nhật Bản.

Tiểu thuyết “Hồ” cũng được coi là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của ông. Tác phẩm được lấy bối cảnh sau Thế chiến thứ II – Khi nước Nhật đang rơi vào trạng thái hỗn loạn cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Bao trùm cả cuốn sách là một màu xám xịt về cuộc đời của hai nhân vật chính – Gimpei và Miyako. Không chỉ Gimpei, Miyako mà những luồng nhân vật xung quanh anh ai ai cũng đều mang một cuộc đời không mấy hạnh phúc, không có tình yêu hay dù có tình yêu cũng không được trọn vẹn. Họ cô đơn trong chính cuộc đời của mình, họ đều là những tâm hồn không tìm được sự đồng điệu trong xã hội này. Sự cô đơn và cuộc đời bất hạnh của từng nhân vật được thể hiện rõ qua từng câu chữ của cuốn tiểu thuyết chưa đầy hai trăm trang . Sự đam mê cái đẹp một cách kì quái của nhân vật Gimpei đã trở thành những câu chuyện rùng mình, phơi bày ra góc khuất đen tối trong tâm hồn con người.

Không giống như những tác phẩm thông thường, “Hồ” là một câu chuyện không tồn tại theo trình tự thời gian và không gian. Đọc cuốn sách, ta như bị lạc vào trong thế giới nội tâm của nhân vật. Từng câu chuyện được hiện ra không theo bất cứ trình tự nào. Với cách kể này, mới đầu ta có thể bỡ ngỡ, bị lạc giữa quá khứ, hiện tại, không theo kịp mạch kể chuyện. Nhưng khi đã cuốn theo câu chuyện thì chính cách kể đó khiến người đọc không thể thoát ra được khỏi thế giới nội tâm đầy mâu thuẫn của Gimpei và giúp người đọc hiểu được câu chuyện theo nhiều khía cạnh khác nhau. Bên cạnh đó, câu chuyện còn được kể theo ngôi kể thứ 3 của người kể chuyện. Chính ngôi kể hàm ẩn kết hợp khéo léo với điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong đã giúp người đọc hiểu sâu hơn về những mối quan hệ, về thế giới nội tâm của từng nhân vật. Khi đọc gần hết cuốn sách, ta mới nhận ra rằng: Ồ, hóa ra mỗi nhân vật trong tác phẩm đều có sự liên quan chặt chẽ với nhau. Từng nhân vật trong câu chuyện không có ai thừa thãi, họ đều là những nhân tố quan trọng giúp kết nối mạch truyện, giúp thể hiện được nhiều khía cạnh trong cuộc đời của những nhân vật chính.

Hiện tại, quá khứ gần, quá khứ xa luôn xoay vòng. Những câu chuyện về quá khứ phần nào cũng cho ta biết được lý do tại sao Gimpei lại có vẻ hơi “bất bình thường”, lý do tại sao anh luôn khao khát tìm kiếm cái đẹp và tại sao đôi bàn chân luôn là vấn đề nhạy cảm đối với anh. Phải chăng chính là do cái chết bí ẩn của người cha? Hay cuộc tình đơn phương với người chị họ? Hay chính chiến tranh đã biến anh trở thành anh của ngày hôm nay? Không gian, thời gian không xác định khiến người đọc rơi vào trạng thái hư ảo, không biết đâu là thực, đâu là mơ. Cả cuộc đời Gimpei chỉ tôn thờ và tìm kiếm cái đẹp nhưng đến cuối câu chuyện lại là hình ảnh của một người phụ nữ xấu xí. Phải chăng những người phụ nữ đẹp như mẹ Gimpei, Yayoi, Hisako, Miyako, Machie đều là hư ảo còn người phụ nữ xấu xí cùng anh trò chuyện, cùng anh uống rượu mới chính là hiện thực đầy tàn nhẫn? Cũng như chính xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ, sau thất bại trong Thế chiến thứ II, Nhật Bản đã không còn là một đất nước xinh đẹp như nó vốn đã từng. “Hồ” không đơn thuần chỉ là một cuốn tiểu thuyết để giải trí. Nó không có những yếu tố hài hước để gây cười mà ta chỉ có thể nhìn thấy một màu xám xịt bao quanh tác phẩm. Nỗi cô đơn của từng nhân vật gặm nhấm trong mỗi trang sách. Tác phẩm được viết bằng một giọng văn trầm buồn, không kém phầm ma mị. Nó là sự ám ảnh về nỗi cô đơn trong tâm hồn con người.

Nhìn chung, “Hồ” là một cuốn tiểu thuyết vô cùng đặc sắc của Kawabata Yasunari. Không chỉ nội dung mà chính nghệ thuật kể chuyện cũng trở thành một điểm nhấn của tác phẩm mà không phải bất cứ nhà văn nào cũng có thể làm được. Mạch truyện không theo trình tự không gian, thời gian nhưng vấn khiến người đọc hiểu rõ được cốt truyện, hiểu rõ được về cuộc đời của từng nhân vật chính là một biệt tài của tác giả. Toàn bộ tác phẩm được bao trùm bởi một màu u buồn, tối tăm. Nó như một bản nhạc trầm buồn, một bức tranh xám xịt. Liệu màu xám đó chính là tâm hồn Kawabata Yasunari hay đó là màu xám của xã hội Nhật Bản thời bấy giờ?

(Bài dự thi cuộc thi "Bookdome Competition" do Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội -USTH (Đại học Việt-Pháp) tổ chức)

Bài dự thi số 7

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tich-cuc/ho-dam-me-hay-chinh-la-su-am-anh-ve-cai-dep-1665655.tpo