Hố đen phát triển nhanh nhất trong 9 tỷ năm qua

Nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Australia dẫn đầu đã phát hiện ra lỗ đen phát triển nhanh nhất trong 9 tỷ năm qua.

Nghiên cứu cũng đã được công bố trên trang arXiv và được trình lên Tạp chí của Hiệp hội thiên văn Australia. Hố đen được phát hiện tiêu thụ năng lượng tương đương với một Trái Đất mỗi giây và độ sáng của nó gấp 7.000 lần độ sáng của tất cả ánh sáng trong Dải Ngân hà cộng lại, giúp các nhà khoa học quan sát bằng kính thiên văn dễ dàng hơn.

Hố đen được phát hiện qua kính thiên văn SkyMapper có màu xanh da trời. Ảnh: Christopher Onken

Hố đen được phát hiện qua kính thiên văn SkyMapper có màu xanh da trời. Ảnh: Christopher Onken

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Christopher Onken và các đồng nghiệp đánh giá việc phát hiện hố đen này như “vớt được một cây kim dưới đáy biển”.

Khối lượng của lỗ đen này cũng gấp 3 tỷ lần khối lượng của Mặt trời, lớn gấp 500 lần hố đen siêu lớn ở trung tâm Dải Ngân hà. Trong khi các lỗ đen khác có kích thước tương tự đã ngừng phát triển cách đây hàng tỷ năm, do đó hố đen mới được phát hiện khiến nó trở nên độc đáo và thu hút sự chú ý của các nhà khoa học.

Hố đen được quan sát bởi kính thiên văn SkyMapper của Đại học Quốc gia Australia. Kính thiên văn SkyMapper chuyên dùng để tìm kiếm các ngôi sao và các thiên hà lâu đời nhất./.

Hạnh Phúc/VOV1 (biên dịch) Theo: Chinanews

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/ho-den-phat-trien-nhanh-nhat-trong-9-ty-nam-qua-post950951.vov