Hò khoan - Nét đẹp văn hóa quê hương Đại tướng

Lệ Thủy - Vùng đồng bằng chiêm trũng Quảng Bình, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài là vựa lúa chính của địa phương, nơi đây còn có 'món ăn tinh thần' vô cùng dung dị và độc đáo - Hò khoan Lệ Thủy.

Giữ điệu hò

Giai điệu hò khoan mang âm hưởng của hơi thở, tiếng nói người dân lao động. Nơi đây (Lệ Thủy), từ lao động sản xuất, văn nghệ quần chúng đến vui chơi, giải trí, đám cưới, tiệc tùng… đi đâu cũng nghe thấy hò khoan.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lý (62 tuổi) cho biết, ngoài tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ Hò khoan do huyện tổ chức thì cuối tuần tôi cùng mọi người cùng tham gia truyền lại những điệu hò cho thế thệ trẻ tại tổ dân phố, xã. Vui vì các cháu tuy nhỏ nhưng biết quan tâm đến nét đẹp vă hóa quê hương.

 Hò giã gạo - Điệu hò phổ biến của "Hò khoan - Lệ Thủy"

Hò giã gạo - Điệu hò phổ biến của "Hò khoan - Lệ Thủy"

Là vùng đất địa linh nhân kiệt và độc đáo về địa lý (có rừng - đồng – sông - biển) do vậy, âm hưởng của Hò khoan Lệ Thủy vô cùng rộng và đa dạng. Vùng đồng bằng có hò giã gạo, chèo đò, đi cấy.., lên rừng có hò lỉa trâu, ra biển lại có hò khơi… tất cả đều thể hiện cuộc sống của người lao động nơi đây.

Thời gian qua, ngoài việc đưa Hò khoan Lệ Thủy vào giảng dạy ngoại khóa ở các cấp học trong huyện và tiến hành công tác tập huấn cho giáo viên, hướng dẫn cho học sinh nhằm giữ điệu Hò… ngành Giáo dục nơi đây (Lệ Thủy - Quảng Bình) thường xuyên tổ chức liên hoan Hò khoan ở các cấp học với chủ đề “Em hát dân ca” thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Phát triển nét đẹp quê hương

Nhiệm vụ phát triển Hò khoan Lệ Thủy được lãnh đạo các cấp chính quyền và người dân quê hương Đại tướng chú trọng và quan tâm, tất cả đều ý thức việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Thông qua các chương trình xúc tiến du lịch, sở Du lịch Quảng Bình đã kết hợp biểu diễn và quảng bá rộng rãi Hò khoan Lệ Thủy đến mọi nơi như chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” được tổ chức tại Nhà Hát lớn Hà Nội, hay chương trình giao lưu với câu lạc bộ dân ca ở Nghệ An, Huế… Ông Trần Xuân Cương, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Bình - Giám đốc công ty TNHH NETIN cho biết, ngoài việc dẫn khách đến với các cảnh đẹp thiên nhiên ở Quảng Bình, đoàn cũng đã giới thiệu đến khách du lịch về các loại hình văn hóa nơi đây, đặc biệt là Hò khoan Lệ Thủy. Tại lễ hội “Bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang – Lệ Thủy” (2/9/2017), chúng tôi tổ chức biểu diễn Hò khoan Lệ Thủy cho đoàn khách du lịch từ Hà Nội với gần 100 người xem, mọi người đều tỏ vẻ thích thú với loại hình nghệ thuật này, ông Cương cho biết thêm.

Ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, huyện ủy Lệ Thủy đã đưa vào Nghị quyết trong 2 kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (lần thứ 22, 23 vừa qua) về việc bảo tồn và phát triển các làn điệu hò khoan Lệ Thủy, chính quyền và người dân nơi đây luôn gìn giữ và phát huy môn âm nhạc truyền thống này (mỗi khu dân cư đều có trên một người hiểu rõ hay nghệ nhân hò khoan để truyền thụ và ươm mầm tài năng cho lớp trẻ). Thời gian tới chúng tôi tiếp tục quảng bá và xúc tiến, ngoài việc đưa Hò khoan Lệ Thủy lưu với các câu lạc bộ âm nhạc truyền thống ở các tỉnh thành khác, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều buổi lưu diễn ở khắp cả nước để đông đảo công chúng biết đến Hò khoan Lệ Thủy”.

Lãnh đạo huyện Lệ Thủy - Quảng Bình đón nhận danh hiệu "Hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia" (tháng 8/2017)

Được biết, ngoài công tác quảng bá và xúc tiến Hò khoan Lệ Thủy đến gần hơn với công chúng cả nước, nơi đây (Lệ Thủy) còn thành lập 206 CLB Hò khoan tại các thôn, bản, tổ dân phố, 68 CLB hò khoan của các trường học, 1 CLB nghệ nhân hò khoan cấp huyện…. và xây dựng website riêng về Hò khoan.

Cũng theo ông Lê Văn Bảo, công tác tìm hiểu và phát huy vai trò của Hò khoan là việc vô cùng quan trọng đối với địa phương. Bên canh việc mỗi cá nhân, ngoài tình yêu Hò khoan đều tự tìm hiểu đúc kết (như nghệ nhân ưu tú chị Nguyễn Thị Lý (62 tuổi), Dương Ngọc Liên Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Lệ Thủy, nhà nghiên cứu Hò khoan Đặng Ngọc Tuân…) thì cả cộng đồng người dân nơi đây cùng chung tay phát triển để điệu hò có sức lan tỏa ngày càng lớn.

Việc phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc là một việc làm ý nghĩa, với lợi thế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - Hò khoan Lệ Thủy sẽ có những lợi thế lớn để phát huy hết vai trò của mình.

Tháng 8/2017, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trao danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia với Hò khoan Lệ Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Để có thành công đó là sự nỗ lực không ngừng về việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống của chính quyền và người dân nơi đây.

Thành Long

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/ho-khoan-net-dep-van-hoa-que-huong-dai-tuong.html