Hộ kinh doanh cá thể vẫn 'ngại lớn'

Theo giới chuyên gia, chuyển đổi thành doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể sẽ có nhiều lợi thế như dễ dàng tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hơn.

Bên cạnh đó, với tư cách pháp nhân là doanh nghiệp thì hàng hóa cũng dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối hơn, tạo điều kiện phát triển và bảo vệ thương hiệu, dễ gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu hơn, thuận lợi huy động vốn khi phát triển quy mô lớn hơn… Mặc dù thời gian qua, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, song vẫn còn những rào cản khiến cho hộ sản xuất “ngại lớn”.

Các hộ kinh doanh cá thể vẫn “ngại lớn” do nhiều vướng mắc đang tồn tại.

Để thực hiện mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Chính phủ đã đưa ra nhiều động thái để khuyến khích thúc đẩy phát triển số lượng doanh nghiệp, trong đó có việc khuyến khích hộ sản xuất kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp. Dù vậy, số hộ cá thể đến cơ quan đăng ký trở thành doanh nghiệp vẫn hạn chế.

Trở lực

Theo giới chuyên gia, chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN), các hộ sản xuất kinh doanh cá thể sẽ có nhiều lợi thế như dễ dàng tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của nhà nước hơn. Bên cạnh đó, với tư cách pháp nhân là DN thì hàng hóa cũng dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối hơn, tạo điều kiện phát triển và bảo vệ thương hiệu, dễ gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu hơn, thuận lợi hơn huy động vốn khi phát triển quy mô lớn hơn. Mặc dù nhiều lợi ích như vậy, song, thực tế không phải hộ sản xuất kinh doanh nào cũng muốn lớn lên thành DN, thậm chí phần lớn các hộ kinh doanh đang “ngại lớn lên” vì quá nhiều trở ngại…

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - chủ một nhà hàng ăn uống ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, sau khi nghe thông tin Chính phủ đang khuyến khích để hộ sản xuất kinh doanh phát triển thành DN, ông cũng rất hào hứng muốn đăng ký thành lập DN, để từ đó có thể mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

“Đã bước chân vào thương trường, chẳng ai không muốn mở rộng sản xuất để có thể phát triển ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên khi đi làm thủ tục đăng ký, tôi bị nhà chức trách vặn hỏi rất nhiều, họ nghi ngờ tại sao nhà hàng lúc nào cũng đông khách mà đăng ký chỉ có 2-3 nhân viên, rồi yêu cầu nhiều loại thủ tục, giấy tờ khác nữa rất lằng nhằng…” - ông Tuấn chia sẻ.

Băn khoăn của ông Tuấn cũng chính là băn khoăn của nhiều hộ sản xuất kinh doanh cá thể khác trong việc có nên đăng ký thành lập DN hay không? Ngoài ra, theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, DN mới thành lập, DN được thành lập từ hộ kinh doanh có quy mô siêu nhỏ, nếu đáp ứng đầy đủ chế độ hóa đơn, chứng từ, kế toán theo quy định thì ít DN nào đáp ứng được yêu cầu, và việc phải thành lập bộ máy kế toán làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận; vì thế đây cũng là trở lực rất lớn đối với chủ hộ kinh doanh muốn thành lập DN.

Cần xóa bỏ rào cản

Nhiều ý kiến cho rằng, để tạo điều kiện cho các DN phát triển, Chính phủ cần hỗ trợ tích cực hơn trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Mặc dù thời gian qua, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đã phát huy những hiệu quả tích cực, song vẫn còn những rào cản khiến cho hộ sản xuất “ngại lớn”.

Nói về mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 của Chính phủ cũng như những nỗ lực của nhà quản lý trong việc thúc đẩy hộ kinh doanh cá thể lớn lên thành DN, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, cần phải tạo được những thuận lợi trong môi trường kinh doanh, hay nói cách khác, việc tuyên truyền không thôi chưa đủ, mà chúng ta phải hành động, phải làm sao để các hộ sản xuất nhìn thấy những cái lợi mà họ có được khi phát triển thành DN lớn hơn rất nhiều khi chỉ là hộ sản xuất nhỏ lẻ, khi đó các hộ sản xuất sẽ tự nguyện đăng ký thành lập DN. Còn như hiện nay, các chủ hộ kinh doanh vẫn chưa thấy lợi gì hơn so với việc vẫn là hộ kinh doanh cá thể thì sẽ rất khó khuyến khích họ lớn lên, trừ khi là ép buộc.

Về lâu dài, ông Hiếu cho rằng, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh, điều quan trọng và căn bản hơn là phải cải cách được môi trường kinh doanh thực sự, thực chất. Mà như vậy thì cần phải xóa bỏ hoàn toàn tất cả các rào cản về pháp luật, thể chế đối với hoạt động kinh doanh.

“Làm được như vậy thì ngay cả không ép buộc, các hộ kinh doanh cũng sẽ lựa chọn mô hình DN vì yếu tố an toàn, lâu dài, bền vững và cả những lợi ích khác trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay. Khi đó, mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 ở trong tầm tay, vì số hộ kinh doanh trên cả nước hiện nay là rất lớn” – ông Hiếu nói.

Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần có những chủ trương cơ chế chính sách giúp cho DN tập trung vào khởi nghiệp, giúp DN tồn tại và sống khỏe hơn. Đặc biệt, cần có sự hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng DN khi có thay đổi chính sách và bước ra sân chơi quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị của các DN toàn cầu.

* Hộ kinh doanh cá thể khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì hàng hóa của họ dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối hơn, tạo điều kiện phát triển và bảo vệ thương hiệu, dễ gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thuận lợi trong huy động vốn. Dù vậy, phần lớn các hộ kinh doanh đang “ngại lớn” vì gặp nhiều trở ngại.

Thái An

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/ho-kinh-doanh-ca-the-van-ngai-lon-tintuc419927