Hồ Linh Quang (Đống Đa): Bao giờ mới thành 'phổi xanh'?

Nằm sâu trong ngõ Văn Chương, hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) nhiều năm nay bị ô nhiễm nặng nề. Mặc dù, dự án cải tạo hồ Linh Quang đã có từ năm 2004 nhưng do khó khăn về nguồn vốn, dự án phải dừng lại và mới được tái khởi động vào cuối năm 2017. Hơn 1 năm trôi qua, dự án vẫn đang vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng khiến công tác cải tạo vẫn trong tình trạng 'ngổn ngang'.

Theo quan sát của PV, từ lâu nước hồ Linh Quang đã chuyển sang màu đen ngòm, bốc mùi xú uế, mặt hồ bị rác thải và cỏ dại phủ kín. Sở dĩ có tình trạng này là do hàng nghìn hộ dân quanh đó hàng ngày xả nước thải sinh hoạt xuống hồ. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng dùng ô tô, xe cải tiến, lợi dụng lúc đêm khuya đổ phế thải xây dựng xuống hồ. Nạn xâm lấn hồ Linh Quang đang là vấn đề gây bức xúc dư luận. Trước đây hồ rộng khoảng 2 ha, nay chỉ còn là một chiếc ao nhỏ. Hồ bị lấn đến đâu là các mái che, mái vẩy, chợ cóc và nhà trông giữ ô tô “mọc” lên đến đấy…

Tình trạng ô nhiễm tại Hồ Linh Quang đã diễn ra hơn 10 năm trở lại đây. Ảnh: T.Dũng

Điều dễ nhận thấy nhất ở xung quanh Linh Quang, vài chục căn phòng tạm bợ, xiêu vẹo nằm xen kẽ giữa từng đống phế phẩm, rác rưởi, thải loại… Với mức tiền nhà chỉ vài trăm nghìn mỗi tháng đã níu chân gần 100 lao động nghèo ngoại tỉnh bám trụ xóm trọ tồi tàn, nồng nặc mùi rác ven hồ. Chị Nguyễn Thị Liên, một người dân sống ven hồ này cho biết, tình trạng ô nhiễm đã diễn ra 10 năm nay.

Điều đáng nói là chất thải rắn từ các nguồn rác sinh hoạt, phế liệu xây dựng lại do chính một bộ phận dân cư thiếu ý thức ném, đổ, tràn lan, xâm lấn mặt hồ. Bên cạnh đó, do thiếu sự quản lý chặt chẽ hàng ngày, nhiều loại vật liệu xây dựng, rác thải liên tục bị đổ ra lấn chiếm lòng hồ khiến diện tích hồ thu hẹp lại nhanh chóng. Cùng với đó, nhiều nguồn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư cạnh đó “vô tư” xả thẳng vào lòng hồ khiến tình trạng ô nhiễm càng trở nên mất kiểm soát.

Môi trường hồ ô nhiễm nặng, nguy cơ dịch bệnh vì thế cũng tăng cao. Theo người dân sống quanh hồ, trước đây, khu vực này đã có nhiều người nhiễm phẩy khuẩn tả. Vi khuẩn tả này được tìm thấy trong nước hồ, buộc cơ quan y tế phải khử trùng bằng 1 tấn Cloramin B. Đến thời điểm này, dù dịch tả chưa tái diễn nhưng mối nguy từ các bệnh khác vẫn tiềm ẩn.

Được biết, dự án cải tạo hồ Linh Quang đã có từ năm 2004, tức là cách đây hơn 1 thập kỷ nhưng do khó khăn về nguồn vốn, dự án phải dừng lại và mới được tái khởi động vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, hơn 1 năm trôi qua, dự án vẫn đang vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng với gần 50 hộ dân chưa đồng ý phương án đền bù, di dời. Ghi nhận tại hiện trường, các hoạt động thi công mới dừng lại ở việc hút nước khỏi lòng hồ và đổ các khối bê tông cho việc kè bờ sau này.

Trong khi đó, vì giải phóng mặt bằng chưa xong, lại ở dạng xen kẽ nên việc lập các rào chắn, ngăn chặn tình trạng đổ trộm rác thải, phế liệu xây dựng của một bộ phận dân cư vô ý thức xuống hồ rất khó để thực hiện. Đồng thời, nước thải của các khu dân cư xung quanh khi chưa được kết nối vào hệ thống cống gom nên hàng ngày người dân vẫn xả thẳng xuống hồ, tạo thành tình cảnh bên này xả, bên kia hút.

Theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, dự án cải tạo hồ Linh Quang có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng với thời gian dự kiến hoàn thành là năm 2019. Và trong lúc chờ để hồ Linh Quang “chuyển mình”, để đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân tại khu vực, trong thời gian thi công dự án, đề nghị chính quyền phường sở tại cần tiếp tục tuyên truyền tới người dân không vứt rác, phế thải xuống lòng hồ, xử lý dứt điểm đối với những cá nhân lấn chiếm. Bên cạnh đó, đơn vị thi công cần đẩy nhanh tiến độ nhằm đảm bảo hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ho-linh-quang-dong-da-bao-gio-moi-thanh-phoi-xanh-82815.html