Hộ nghèo sẽ được hỗ trợ mua smartphone

Theo Thông tư 14 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, các doanh nghiệp viễn thông sẽ hỗ trợ chi phí trang bị smartphone cho hộ nghèo và hộ cận nghèo.

 Sau khi cắt sóng 2G, các smartphone hoặc điện thoại cơ bản hỗ trợ 4G sẽ cần được phổ cập tại Việt Nam. Ảnh: Kiều Trang.

Sau khi cắt sóng 2G, các smartphone hoặc điện thoại cơ bản hỗ trợ 4G sẽ cần được phổ cập tại Việt Nam. Ảnh: Kiều Trang.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BTTTT, quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn áp dụng Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, có hiệu lực từ ngày 12/12.

Hỗ trợ trang bị smartphone cho hộ nghèo

Tại Thông tư 14, khoản 1 Điều 15 quy định đối tượng được hỗ trợ smartphone gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Điều kiện hỗ trợ được liệt kê trong khoản 2, gồm hộ gia đình chưa được hỗ trợ tablet từ Chương trình cung cấp thiết bị học tập trực tuyến thuộc Chương trình "Sóng và máy tính cho em" (tính đến thời điểm Bộ TTTT phân bổ số lượng smartphone cho địa phương), và hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ, được cấp thẩm quyền phê duyệt danh sách.

Thứ tự ưu tiên hộ gia đình nhận hỗ trợ trang bị smartphone được quy định tại khoản 1 Điều 17 gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách, người có công với cách mạng; hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách xã hội; hộ nghèo; hộ cận nghèo.

Theo khoản 1 Điều 16, Bộ TTTT căn cứ số đối tượng được hỗ trợ smartphone của Chương trình và các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương trên cơ sở lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo của từng địa phương.

Số lượng smartphone phân bổ cho từng tỉnh được quy định tại khoản 2 Điều 16. Trong khi đó, khoản 3 nhấn mạnh tổng số smartphone, tablet thuộc Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, và lượng máy tính, tablet đã hỗ trợ từ các nguồn khác thuộc chương trình "Sóng và máy tính cho em" đảm bảo không vượt quá số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025 của mỗi địa phương.

Theo khoản 1 Điều 18, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích lựa chọn một trong 2 hình thức hỗ trợ: trang bị smartphone kết hợp dịch vụ viễn thông di động mặt đất cho hộ gia đình (gói dịch vụ kết hợp) hoặc hỗ trợ bằng tiền (nếu hộ gia đình thuộc danh sách được hỗ trợ đã tự mua smartphone từ ngày Thông tư 14 có hiệu lực).

Một mẫu smartphone Android giá rẻ. Ảnh: TechRadar.

Về nguyên tắc hỗ trợ, điểm a khoản 2 Điều 18 nêu rõ trường hợp hỗ trợ qua gói dịch vụ cần có thỏa thuận giữa hộ gia đình với doanh nghiệp về lựa chọn loại thiết bị và giá cả, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo hành thiết bị, trách nhiệm của hộ gia đình trong việc thanh toán chi phí nếu giá điện thoại cao hơn mức hỗ trợ của chương trình.

Ngoài ra, cần đảm bảo công khai, minh bạch chính sách hỗ trợ của nhà nước và doanh nghiệp. Hộ gia đình nhận hỗ trợ từ doanh nghiệp nào thì sử dụng dịch vụ của Chương trình ở doanh nghiệp đó.

Trong trường hợp nhận hỗ trợ bằng tiền, điểm b khoản 2 Điều 18 quy định phải đảm bảo thuê bao tăng thêm của doanh nghiệp là hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông bằng smartphone.

Về nội dung và mức hỗ trợ nếu cung cấp gói dịch vụ kết hợp, điểm a khoản 3 Điều 18 quy định giá smartphone do doanh nghiệp cung cấp không được thấp hơn mức hỗ trợ bằng tiền. Mức hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích cho hộ gia đình tuân theo quy định của Bộ TTTT. Theo điểm b, trong trường hợp hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/bộ.

Nếu hộ gia đình chọn model điện thoại đắt hơn mức hỗ trợ, hộ gia đình tự bổ sung kinh phí tăng thêm, điểm c khoản 3 Điều 18 nêu rõ.

Khoản 2 Điều 19 quy định hồ sơ nhận hỗ trợ của hộ gia đình gồm: bản sao Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của chủ hộ, hoặc đại diện hộ gia đình nhận hỗ trợ (có bản chính để đối chiếu); bản sao chứng thực Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo đang trong thời gian chưa thoát nghèo, cận nghèo; hóa đơn mua smartphone từ thời điểm Thông tư có hiệu lực (nếu nhận hỗ trợ bằng tiền).

Điều kiện nhận hỗ trợ dịch vụ viễn thông, truy cập Internet

Điểm a khoản 1 Điều 20 Thông tư 14 cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong việc sử dụng dịch vụ viễn thông phổ cập. Tại điểm a khoản 2, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo và các khu vực khó khăn được hỗ trợ cung cấp viễn thông di động mặt đất (trả trước hoặc trả sau), hoặc dịch vụ truy cập Internet băng thông rộng cố định mặt đất. Doanh nghiệp lựa chọn một trong 2 dịch vụ để hỗ trợ.

Điểm b khoản 2 Điều 20 quy định hộ gia đình không thường trú tại các địa bàn trên được hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất (trả trước hoặc trả sau).

Các em học sinh dùng laptop để học online. Ảnh: Phạm Thắng.

Theo khoản 4 Điều 21, thời gian hỗ trợ tính từ thời điểm nhận hỗ trợ đến khi hộ gia đình không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ, hoặc không còn nhu cầu nhận hỗ trợ.

Theo quy định khoản 2 Điều 24, thời điểm nhận hỗ trợ chậm nhất sau 10 ngày từ khi nhận được danh sách theo báo cáo của doanh nghiệp.

Mức hỗ trợ tháng đầu tiên (phát triển thuê bao không tròn tháng) được quy định trong khoản 2 Điều 21. Tại điểm a, hộ gia đình bắt đầu sử dụng dịch vụ từ ngày đầu đến ngày 15 của tháng được nhận 100% mức hỗ trợ/tháng. Nếu hộ gia đình bắt đầu sử dụng từ ngày 16 đến cuối tháng đó, điểm b quy định mức hỗ trợ bằng 50%.

Khoản 3 Điều 23 quy định vào tháng 12 hàng năm, đối tượng được hỗ trợ cần cung cấp cho doanh nghiệp bản sao Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo để cập nhật thông tin. Nếu không đảm bảo điều kiện hoặc không phát sinh lưu lượng 2 chiều trong 2 tháng liên tục, khoản 1 Điều 26 cho biết hộ gia đình sẽ bị tạm dừng hỗ trợ sử dụng dịch vụ.

Những điều còn lại của Thông tư 14 bao gồm quy trình, hướng dẫn hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản sử dụng dịch vụ viễn thông di động hàng hải, hỗ trợ sử dụng Internet tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trạm y tế xã, thông tin tuyên truyền về chương trình, lập kế hoạch, dự toán thực hiện chương trình...

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/se-ho-tro-mua-smartphone-cho-nguoi-ngheo-post1371910.html