Hố sâu chia rẽ tiếp tục lớn sau biến cố chính trị ở Catalonia

Giới phân tích nhận định, căng thẳng gia tăng giữa Catalonia và Chính phủ Tây Ban Nha giống như một cuộc chạm trán giữa một lực không thể ngăn cản và một vật không thể lay chuyển. Điều này tạo nên hố sâu chia rẽ giữa xã hội Catalonia với xã hội Tây Ban Nha.

Hàng trăm nghìn người ủng hộ Catalonia độc lập hôm 11/11 đã tập trung tại Barcelona để biểu tình đòi thả những lãnh đạo ly khai đang bị giam giữ.

Sau nhiều biện pháp của Chính phủ Tây Ban Nha nhằm trấn áp phong trào đòi độc lập tại Catalonia, bất ổn và những căng thẳng vẫn bao phủ khắp vùng đất này.

Hôm 11/11, hàng trăm nghìn người thuộc phe ủng hộ Catalonia độc lập đã tập trung tại Barcelona để biểu tình đòi thả những nhà lãnh đạo ly khai hiện đang bị giam giữ vì liên quan tới vai trò của họ trong phong trào đòi độc lập.

Cuộc biểu tình với khẩu hiệu chính là “Trả tự do cho những tù nhân chính trị” này được cho là thu hút tới 750.000 người tham dự.

Hiện vẫn còn 8 cựu thành viên của chính quyền Catalonia, cùng với lãnh đạo hai nhóm ủng hộ ly khai vẫn đang bị giam giữ để chờ một cuộc điều tra riêng biệt của Tòa án Tối cao Tây Ban Nha.

Riêng cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont bị cáo buộc nổi loạn, đang kháng cáo lệnh bắt giữ quốc tế do tòa án ban hành. Ông hiện đang ở Bỉ. Trong thư gửi tới nhật báo El Punt Avui cuối tuần qua, ông Puigdemont kêu gọi "trả tự do cho các tù nhân chính trị bị Tây Ban Nha giam giữ".

Tuy nhiên, tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng những quan chức bị giam không được coi là "tù nhân chính trị... bởi họ bị cáo buộc có hành động cấu thành tội hình sự".

Hôm 10/11, cựu Chủ tịch Nghị viện Catalonia Carme Forcadell được thả sau khi nộp khoản bảo lãnh 150.000 Euro (hơn 170.000 USD) và đồng ý từ bỏ mọi hoạt động chính trị chống lại Hiến pháp Tây Ban Nha.

Bà Carme Forcadell bị xét xử tại tòa án tối cao với các cáo buộc âm mưu nổi loạn, kích động ly khai và lạm dụng quỹ công do bà chính là người đã đứng ra kiểm từng lá phiếu trong cuộc bỏ phiếu chiều 27/10 tại Nghị viện Catalonia dẫn đến tuyên bố độc lập đơn phương tại vùng này.

Việc bà Carme Forcadell đồng ý tuân thủ trật tự Hiến pháp Tây Ban Nha được Chính phủ Madrid đánh giá là một động thái tích cực trong tiến trình mang đến sự hòa bình, ổn định tại Catalonia.

Và những kỳ vọng về tình trạng mất an ninh sau làn sóng ly khai có thể chấm dứt vào ngày 21/12 tới, khi các cuộc bầu cử địa phương diễn ra tại đây cũng được Madrid nhắc tới.

Chính phủ hy vọng cuộc bầu cử ngày 21/12 sẽ giúp làm giảm số lượng người Catalonia ủng hộ việc đòi độc lập và làm tăng số lượng người dân địa phương muốn ở lại với Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cuộc bầu cử ngày 21/12 sẽ không giúp gì nhiều cho cuộc khủng hoảng tại Catalonia nếu xét đến tình hình chia rẽ nghiêm trọng trong khu vực. Lý do là ngay cả những người ủng hộ việc Catalonia đòi độc lập cũng bất đồng về việc cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 được tổ chức như thế nào cũng như việc có nên tiếp tục ủng hộ chính quyền địa phương đơn phương tuyên bố độc lập hay không.

Việc Chính phủ Tây Ban Nha chuẩn bị hồ sơ giấy tờ để cáo buộc và tiến tới bắt giữ cựu Thủ hiến Tây Ban Nha Carles Puigdemont với lý do ông Carles Puigdemont có tham gia vào việc Catalonia đơn phương tuyên bố đòi độc lập cũng được cho là nguyên do gây thêm những bất ổn.

Bà Beatriz Hernández, nhà nghiên cứu Beatriz Hernández tại đại học Diego Portales ở Chile nhận định việc ông Carles Puigdemont bị bắt sẽ để lại hậu quả lớn: “Việc kết án ông Carles Puigdemont sẽ gây ra những xáo trộn không cần thiết không chỉ tại Catalonia mà còn trên toàn Tây Ban Nha”.

Dù ông Carles Puigdemont tuyên bố không tìm kiếm quy chế tị nạn tại Bỉ và sẽ sớm về Tây Ban Nha, nhiều khả năng ông sẽ chỉ làm như vậy nếu nhận được “một lời bảo đảm” từ chính quyền Trung ương Tây Ban Nha về tương lai của ông.

Số phận của Catalonia chưa biết về đâu. Khó có thể dự báo điều gì sẽ xuất hiện từ cuộc khủng hoảng hiện nay. Với sự không nhân nhượng về chính trị của Chính phủ Tây Ban Nha và mong muốn của nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại Catalonia không muốn ly khai, chính quyền Catalonia có thể không thực việc được việc thiết lập một Nhà nước độc lập.

Nhưng phản ứng mạnh tay của Madrid đối với cuộc trưng cầu ý dân đã khiến rất nhiều, nếu không muốn nói là phần lớn người dân Catalonia bị tổn thương. Sự chia rẽ bên trong và giữa xã hội Catalonia và xã hội Tây Ban Nha đã được nới rộng.

Những người ủng hộ tuyên bố độc lập tại đây đang gặp nhiều hoang mang và lo lắng. Sau một biến cố chính trị, những gì người Catalonia thấy trước mắt chỉ là sự chia rẽ và một viễn cảnh không mấy xán lạn.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ho-sau-chia-re-tiep-tuc-lon-sau-bien-co-chinh-tri-o-catalonia-a346773.html