Hồ sơ còn vênh so với luật

Việc nợ đọng bảo hiểm gây nhiều thiệt thòi cho NLĐ. Hành vi gian lận bảo hiểm hoặc trốn đóng bảo hiểm bắt buộc đã được hình sự hóa tại Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1.1.2018. Tại Bình Dương có hàng chục đơn vị trây ỳ, nhưng trên thực tế cho đến nay vẫn chưa xử lý được đơn vị nào vi phạm để bảo vệ triệt để quyền lợi của NLĐ và tính nghiêm minh của pháp luật.

Người lao động ở một doanh nghiệp bị chậm lương, chậm BHXH. Ảnh: N.V

Chuyển hồ sơ 15 đơn vị sang cơ quan công an

Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp có trên 1 triệu lao động, hiện có 979.025 người thuộc diện đóng BHXH bắt buộc. Theo cơ quan BHXH Bình Dương, năm 2018 đã thu được 20,2 tỉ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, đạt 100,6%, tăng 13,8% so với năm 2017.

Trong năm qua, BHXH Bình Dương đã thực hiện 87 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 580 đơn vị, trong đó thanh tra chuyên ngành tại 258 đơn vị. Thanh tra liên ngành và kiểm tra độc lập tại 322 đơn vị. Kết quả sau thanh tra, số tiền nợ chậm đóng thu được là 137,8 tỉ đồng (đạt 87% trên tổng số nợ trước khi thanh tra). Cơ quan BHXH cũng đã truy đóng đối với lao động chưa tham gia hoặc tham gia thiếu thời gian, thiếu mức lương của 8.357 lao động với tổng số tiền phải nộp là 15,5 tỉ đồng. Thực hiện xử phạt hành chính 2,4 tỉ đồng đối với 37 đơn vị nợ đọng kéo dài.

Ông Nguyễn Duy Hiểu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, cơ quan BHXH Bình Dương đã chuyển hồ sơ của 15 đơn vị có tổng số tiền nợ chậm đóng BHXH là 40,9 tỉ đồng sang cơ quan công an đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Hồ sơ còn “vênh” so với luật

Bắt đầu từ ngày 1.1.2018, hành vi gian lận bảo hiểm hoặc trốn đóng bảo hiểm bắt buộc đã được hình sự hóa. Hành vi này đã được quy định tội phạm tại các điều 214 và 216 của Bộ luật Hình sự. Các tổ chức công đoàn, NLĐ phát hiện doanh nghiệp nào vi phạm gian lận bảo hiểm, trốn bảo hiểm thì có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan điều tra, kiểm sát để khởi tố điều tra sau đó xét xử theo hình sự. Nhưng trên thực tế, việc xử lý hình sự đơn vị trây ỳ đóng BHXH gặp khó khăn trong việc xác định hành vi phạm tội khi hồ sơ của cơ quan BHXH chuyển sang cơ quan công an đề nghị truy tố điều tra xử lý hình sự còn “vênh” so với luật.

Tại Bình Dương, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh cho biết, đã nhận được tin báo tội phạm trốn đóng BHXH của cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương. Tội danh trốn đóng BHXH là tội danh mới được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, từ trước tới nay chưa qua thụ lý vụ án nào. Chính vì vậy cơ quan công an phải thận trọng trong quá trình xử lý. Trong luật thì quy định là “trốn đóng BHXH” còn hồ sơ cơ quan BHXH gửi qua là “nợ chậm đóng tiền BHXH”.

Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bình Dương, nợ và trốn là hai hành vi có tính chất khác nhau. Ví dụ, một doanh nghiệp sử dụng 1.000 lao động nhưng chỉ khai đóng BHXH 200 lao động, không đóng BHXH cho 800 lao động còn lại đó là trốn. Còn trường hợp kê khai đủ 1.000 nhưng đóng chưa đủ thì là “chậm/nợ BHXH”. Vì vậy cơ quan công an sẽ làm việc lại với Viện kiểm sát, cơ quan BHXH nghiên cứu thống nhất lại quan điểm xử lý một cách chặt chẽ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Hiểu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương là một trong những tỉnh sớm chuyển hồ thông tin các đơn vị nợ BHXH sang cơ quan công an điều tra xử lý để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xử lý hình sự được một đơn vị nào có hành vi trốn đóng BHXH. Theo ông Hiểu, cơ quan BHXH Bình Dương sẽ có những kiến nghị với BHXH Việt Nam thống nhất biện pháp giải quyết. Bên cạnh đó, BHXH cũng sẽ làm việc với Công an tỉnh trong việc thực hiện hồ sơ xác định căn cứ hành vi phạm tội trốn đóng BHXH.

ĐÌNH TRỌNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/ho-so-con-venh-so-voi-luat-655522.ldo