Hồ sơ lưu trữ nói gì về hành trình nghiên cứu bệnh dịch của Yersin

Các hồ sơ này phản ánh quá trình công tác của Yersin ở Trung kỳ và cho biết những đóng góp to lớn của ông trong nghiên cứu, điều chế thuốc chữa dịch tả, sốt rét, bệnh dại...

Alexandre Émile Jean Yersin (1863-1943) sinh ra tại Thụy Sĩ, sau đó nhập quốc tịch Pháp, là một bác sĩ, nhà vi khuẩn học có nhiều đóng góp to lớn cho y học thế giới và Việt Nam. Ông là người tìm ra nguyên nhân và điều chế được huyết thanh chống bệnh dịch hạch và điều chế thành công thuốc Ký ninh trị sốt rét.

Theo các tài liệu lưu trữ (phản ánh quá trình công tác của Yersin ở Trung kỳ, Việt Nam) đang lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt, Lâm Đồng), Yersin theo học ngành y tại Pháp và nhận bằng tiến sĩ y khoa năm 25 tuổi. Ông từng làm việc tại viện Pasteur Paris ngay khi Viện mới thành lập năm 1889. Ở Paris, ông cũng đã có được những thành công đáng kể trong việc nghiên cứu, ông tham gia việc phát triển huyết thanh ngừa bệnh dại, cùng đồng nghiệp khám phá ra độc tố bạch hầu…

 Chân dung bác sĩ Yersin. Ảnh tư liệu.

Chân dung bác sĩ Yersin. Ảnh tư liệu.

Năm 1890, Yersin quyết định rời Pháp đến Việt Nam và sau đó sống, làm việc tại đây đến tận cuối đời. Ban đầu, ông chọn Nha Trang làm nơi sinh sống và làm việc. Người dân nơi đây đã gọi ông một cách trìu mến là ông Năm, hay “Đốc-tờ Năm”.

Năm 1894, bệnh dịch hạch bùng phát tại Hong Kong, có nguy cơ lan truyền xuống Đông Dương (căn bệnh từng gây ra đại dịch, được mệnh danh là “cái chết đen”, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhân loại). Yersin được cử đến Hong Kong để nghiên cứu dịch bệnh. Tại đây, ông đã tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị, chấm dứt những ngày tháng sống trong nỗi lo sợ của người dân toàn thế giới.

Yersin có 1 hành trình gian nan để tìm ra trực khuẩn gây ra bệnh. Ông đã chứng minh trực khuẩn hiện diện ở chuột bệnh và người bệnh là một, nhờ đó ông đã giải thích được phương thức truyền bệnh. Tên của trực khuẩn gây bệnh ban đầu được đặt tên là Pasteurella pestis (theo tên người thầy của ông), sau đó trực khuẩn này lại được thế hệ các nhà khoa học sau này gọi theo tên của ông là Yersinia pestis.

Một thời gian sau ông cùng các cộng sự của mình tại viện Pasteur Paris (Pháp) nghiên cứu, điều chế thành công huyết thanh chống bệnh dịch hạch. Năm 1895, ông trở về Việt Nam, lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang (năm 1905 viện này đã trở thành một chi nhánh của Viện Pasteur). Bên cạnh đó, ông cũng lập ra các trại nuôi ngựa phục vụ cho việc sản xuất huyết thanh của phòng thí nghiệm và đưa huyết thanh thử nghiệm thành công tại Trung Quốc, Đài Loan, Macao...

Ngoài bệnh dịch hạch, Yersin chú trọng cả việc nghiên cứu các bệnh dịch ở vật nuôi, đặc biệt là dịch tả trâu bò. Ông cho rằng đây là những mầm mống bệnh nguy hiểm, cần huyết thanh chống dịch. Ngày 23/11/1898, Yersin đã viết một báo cáo gửi Toàn quyền Đông Dương về kết quả việc thử nghiệm ở Campuchia loại vắc xin chống dịch tả trâu bò. Ông cũng khẳng định trong báo cáo của mình rằng Viện Pasteur Nha Trang sẽ sớm đảm bảo được vac-xin chống dịch bệnh này.

Báo cáo của bác sĩ Yersin gửi Toàn quyền Đông Dương, tổng hợp, đánh giá kết quả chuyến khảo sát bệnh Dịch tả trâu bò ở Campuchia do ông Carré tiến hành (trang đầu và cuối). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Thành công trong nghiên cứu và đã đạt được nhiều thành tựu trong điều chế vac-xin chống các dịch bệnh, năm 1902, Toàn quyền Paul Doumer đã mời bác sĩ Yersin từ Nha Trang ra Hà Nội để mở một trường Y khoa Đông Dương, tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội ngày nay.

Cũng vào thời điểm này, bệnh sốt rét ở Đông Dương diễn biến phức tạp và được xem là một mối hiểm họa. Tuy nhiên, việc điều chế thuốc đặc trị sốt rét tại đây gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu. Bác sĩ Yersin đã mạnh dạn đưa cây Quinquina ( một loại cây để điều chế thuốc Ký ninh trị sốt rét) về trồng thử nghiệm tại Trung Kỳ và đã thành công.

Trong báo cáo về kết quả trồng thử nghiệm Quinquina ở Đông Dương, năm 1931 bác sĩ Yersin đã viết: “… tôi đã chuẩn bị cho kế hoạch trồng Quinquina từ những năm 1917, tuy nhiên ở thời điểm đó, các điều kiện nông nghiệp khó khăn, khiến tôi không thể tiến hành…”.

Báo cáo của bác sĩ Yersin trong cuộc họp Đại hội đồng Kinh tế-Tài chính Đông Dương) năm 1931, đánh giá kết quả trồng cây Quinquina ở Đông Dương. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Sau khi đánh giá các điều kiện khí hậu, thử nghiệm ở các khu vực Suối Giao, Hòn Bà và nhận thấy thổ nhưỡng khu vực Dran (Langbian) là thích hợp nhất cho cây Quinquina, ông bắt đầu cho thử nghiệm trồng loại cây này từ tháng 7/1923. Thời gian sau đó, diện tích trồng Quinquina được mở rộng ở Langbian. Từ đó khu vực Đông Dương có thể tự túc Quinquina. Được sự trợ giúp từ đồng nghiệp và chính phủ Pháp, ông đã thành lập các đồn điền và điều chế thuốc.

Từ năm 1932 - 1942, bác sĩ Yersin gắn bó với Trại Lang Hanh (Lâm Đồng) và Viện Pasteur để xây dựng một quy trình tổng hợp từ ươm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khai thác, chế biến vỏ cây Quinquina.

Nhờ sự đam mê, nỗ lực nghiên cứu, bác sĩ Yersin đã giúp nhân loại gạt bỏ những nỗi lo dịch bệnh, những ám ảnh về việc thiếu thuốc đặc trị bệnh. Tâm huyết đó còn xuất phát từ tấm lòng nhân đạo cao cả của bác sĩ Yersin.

Ngoài những thành tựu y khoa, bác sĩ Yersin còn ghi dấu ấn trên nhiều lĩnh vực. Ông đã phát hiện ra cao nguyên Langbian, sau này hình thành thành phố Đà Lạt; vạch ra một con đường bộ từ Trung kỳ sang Cao Miên... Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, những đóng góp to lớn cho ngành y thế giới nói chung, những đóng góp cho Việt Nam nói riêng, bác sĩ Alexandre Yersin đã trở thành một huyền thoại, ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Công dân danh dự Việt Nam.

Nguyễn Việt

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ho-so-luu-tru-noi-gi-ve-hanh-trinh-nghien-cuu-benh-dich-cua-yersin-post1043866.html