HỒ SƠ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CTMTQG PHÁT TRIỂN KT-XH VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS&MN ĐỦ ĐIỀU KIỆN BÁO CÁO UBTVQH CHO Ý KIẾN

Phát biểu kết luận tại Phiên họp mở rộng thẩm tra Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, các ý kiến đều thống nhất Hồ sơ trình của Chính phủ đủ điều kiện để báo cáo UBTVQH cho ý kiến vào Phiên họp tháng 4/2024. Đồng thời đề nghị nội dung giải trình cần dựa trên nguyên tắc các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành là 'đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất'…

Toàn cảnh Phiên họp

Hồ sơ trình của Chính phủ đủ điều kiện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Phiên họp tháng 4/2024

Tại Phiên họp mở rộng thẩm tra Báo cáo, Tờ trình của Chính phủ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, các đại biểu nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa ủy quyền Chính phủ trình bày Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình này; nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với Hồ sơ trình và Báo cáo thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Các ý kiến cho rằng, Hồ sơ trình của Chính phủ về số lượng, danh mục cơ bản bảo đảm theo quy định tại Điều 20 của Luật Đầu tư công gồm: (1) Tờ trình của Chính phủ; (2) Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; (3) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước; (4) Tài liệu khác. Trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, đã có nội dung về đánh giá tác động. Về thời gian trình, nếu Hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 7, tháng 5/2024 là đảm bảo về mặt thời gian trước 60 ngày theo quy tại điểm a, khoản 1, Điều 21 của Luật Đầu tư công. Vì vậy, các ý kiến thống nhất Hồ sơ trình của Chính phủ đủ điều kiện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Phiên họp tháng 4/2024.

Các đại biểu khẳng định, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh Chủ trương đầu tư Chương trình DTTS&MN là xuất phát từ thực tiễn vướng mắc, nội dung quy định chưa rõ ràng, thống nhất về đối tượng, địa bàn triển khai thực hiện một số dự án, tiểu dự án hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công về giáo dục, y tế, đào tạo nghề, văn hóa. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định những giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, để đẩy nhanh tiến độ của Chương trình là cần thiết.

Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung thảo luận, góp ý về 2 nội dung chính được nêu tại Tờ trình số 105, Báo cáo số 106 ngày 15/3/2024 của Chính phủ là: (1) Đề xuất bổ sung đối tượng thực hiện Chương trình; (2) Đề xuất bổ sung cơ chế phân bổ, giao vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình vào Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Sau khi thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và đại diện các Bộ, ngành liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã giải trình đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, các ý kiến phát biểu rất xác đáng. Bộ trưởng sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến này, đồng thời Ủy ban Dân tộc sẽ làm việc với Bộ, ngành liên quan để rà soát lại danh mục đúng mục tiêu, đúng đối tượng của Chương trình, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, vừa phát triển kinh tế, đem lại lợi ích thiết thực cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, người yếu thế, khó khăn.

Cần dựa trên nguyên tắc “đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất”

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Phiên họp Thường trực Hội đồng Dân tộc mở rộng đã hoàn thành chương trình đề ra. Các ý kiến tham gia đều rõ ràng, cụ thể, chất lượng, đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề trong Báo cáo, Tờ trình của Chính phủ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhất là 02 đề xuất về bổ sung đối tượng thực hiện và bổ sung cơ chế phân bổ, giao vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình. Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan cũng đã có thêm ý kiến giải trình về các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu kết luận Phiên họp

Để chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Phiên họp tháng 4/2024, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần lưu ý các nội dung sau:

Thứ nhất, các ý kiến dự họp đều thống nhất hồ sơ trình, thời gian trình của Chính phủ đảm bảo về số lượng và thời gian theo quy định của Luật Đầu tư công. Vì vậy, đủ điều kiện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Phiên họp tháng 4/2024.

Thứ hai, về các nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Với Hồ sơ, nội dung trình như hiện tại, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, cần nêu rõ về sự cần thiết, nhất là các danh mục dự kiến đưa vào đầu tư, điều chỉnh (như nội dung dự thảo Báo cáo thẩm tra đã nêu). Thường trực Hội đồng Dân tộc giữ quan điểm kiến nghị, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo 02 phương án như trong dự thảo. Vấn đề này đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chuẩn bị các báo cáo giải trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, nội dung các báo cáo giải trình cần phải đặt trên quan điểm, nguyên tắc các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành về phê duyệt chủ trương đầu tư đối với Chương trình là: “Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất”.

Chính phủ khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ trình đảm bảo tiến độ và yêu cầu của UBTVQH

Đại diện các Bộ, ngành, lãnh đạo UBND các tỉnh tham dự Phiên họp

Thứ ba, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc chỉ đạo bộ phận chuyên môn, tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia thẩm tra của các Ủy ban, ý kiến của các đại biểu, các bộ ngành tại Phiên họp, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra gửi kèm theo Hồ sơ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời hoàn thành Báo cáo trước ngày 08/4/2024.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Hồ sơ, nhất là sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình, tính cấp thiết, tính phù hợp, luận giải sao cho cụ thể, rõ ràng, gắn với các giải pháp, đề xuất đồng bộ theo yêu cầu. Sau khi hoàn thiện, gửi 30 bộ Hồ sơ đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gửi qua Vụ Dân tộc), chậm nhất là ngày 11/4/2024 để đảm bảo tiến độ và yêu cầu của UBTVQH.

Đồng thời trong quá trình thực hiện, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan, Thường trực Hội đồng Dân tộc phối hợp chặt chẽ hoàn thiện Hồ sơ, các thủ tục liên quan để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đạt kết quả, chất lượng tốt nhất./.

Bích Ngọc - Đình Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85985