Hồ sông băng có thể tạo 'sóng thần trên cạn', chuyên gia lo lắng

Một nghiên cứu mới cho biết hơn 15 triệu người đang đối mặt nguy cơ lũ lụt do vỡ hồ sông băng.

Một nghiên cứu mới của nhóm các nhà nghiên cứu Anh và New Zealand đăng trên tạp chí Nature Communications cho biết hơn 15 triệu người đang đối mặt nguy cơ lũ lụt do vỡ hồ sông băng, hơn 1 nửa trong số trên sống ở 4 nước gồm Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc và Peru.

Một nghiên cứu mới của nhóm các nhà nghiên cứu Anh và New Zealand đăng trên tạp chí Nature Communications cho biết hơn 15 triệu người đang đối mặt nguy cơ lũ lụt do vỡ hồ sông băng, hơn 1 nửa trong số trên sống ở 4 nước gồm Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc và Peru.

Các sông băng trên khắp thế giới đang tan chảy với tốc độ đáng báo động và tạo ra những hồ nước khổng lồ. Nước băng tan chảy lấp đầy chỗ trũng do sông băng để lại, tạo thành hồ sông băng.

Khi nhiệt độ nóng dần lên, sông băng tan chảy nhiều hơn khiến nước ở các hồ này dâng cao, đe dọa người dân sống vùng hạ lưu sông băng.

Nếu nước dâng quá cao hoặc đất hoặc băng xung quanh bị sạt lở, hồ sông băng có thể bị vỡ khiến nước và đống đổ nát dồn xuống phía chân núi. Hiện tượng này được gọi là vỡ hồ sông băng.

Tom Robinson, đồng tác giả của nghiên cứu và là giảng viên tại Đại học Canterbury (New Zealand) cho biết một đợt vỡ hồ sông băng sẽ giống như “cơn sóng thần trên cạn”.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng các trận lụt do vỡ hồ sông băng thường xảy ra mà không có cảnh báo trước, và từng cướp đi nhiều sinh mạng, làm hư hại tài sản và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng.

Theo nghiên cứu, tính riêng TQ, khoảng 1 triệu người sống ở khu vực phía tây nước này như vùng núi Tân Cương, Tây Tạng, Thanh Hải, Tứ Xuyên và Vân Nam phải đối mặt trực tiếp với nguy cơ trên. Trong đó, TP Urumqi (Tân Cương) và TP Côn Minh (Vân Nam) được coi là nơi nguy hiểm nhất.

Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc đã có ít nhất 27 đợt vỡ hồ sông băng kể từ những năm 1930.

Năm 1981, một trận lụt tại hồ Cirenmaco đã giết chết 200 người và cuốn trôi Cầu Hữu nghị Trung Quốc-Nepal. Hồ Jiwenco ở cao nguyên Thanh Hải (Tây Tạng) bị vỡ vào tháng 6/2020 cũng đã phá hủy nhiều tòa nhà, cầu đường, và đất nông nghiệp dọc theo hướng dòng chảy.

Sông băng tan chảy là một trong những dấu hiệu rõ ràng và dễ thấy nhất của khủng hoảng khí hậu.

Một nghiên cứu gần đây của David Rounce, nhà băng hà học ở Đại học Carnegie Mellon, phát hiện một nửa sông băng trên thế giới có thể biến mất vào cuối thế kỷ, ngay cả khi thế giới hoàn thành các mục tiêu chống biến đổi khí hậu như loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Trong tình hình nhiệt độ tiếp tục ấm lên, Robinson hy vọng nghiên cứu của ông và cộng sự có thể giúp những nhà lãnh đạo toàn cầu xác định quốc gia nào cần hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt do sông băng tan chảy gây ra.

Xem thêm video: Sông băng trên dãy Alps tan chảy với tốc độ kỷ lục (Nguồn: VTV24).

Thiên Trang (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ho-song-bang-co-the-tao-song-than-tren-can-chuyen-gia-lo-lang-1806407.html