Ho sốt, đau rát cổ… coi chừng viêm họng do liên cầu khuẩn

Nhiều người cho rằng chứng viêm họng, đau rát cổ họng thường do cùng một tác nhân là virus gây ra. Tuy nhiên, liên cầu khuẩn Streptococcus cũng gây viêm họng với triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng hơn so với viêm họng do virius.

Viêm họng do liên cầu khuẩn là gì?

Viêm họng do liên cầu khuẩn Streptococcus là một bệnh nhiễm trùng ở cổ họng do vi khuẩn gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở độ tuổi từ 5 - 15.

Loại vi khuẩn này dễ dàng lây lan qua hệ hô hấp khi tiếp xúc với chất dịch hắt hơi, sổ mũi của người mang mầm bệnh hoặc thông qua ăn uống chung. Người bệnh khi bị viêm họng liên cầu khuẩn cần điều trị kịp thời, nếu không sẽ gây nhiều biến chứng khó lường.

Nguyên nhân của viêm họng do liên cầu khuẩn chính là vi khuẩn Streptococcus Pyogenes, hay liên cầu khuẩn nhóm A. Loại vi khuẩn này thường tồn tại trong mũi và họng, nên dễ dàng lây nhiễm từ người này sang người khác. Thời gian có thể lây nhiễm kéo dài đến 3 tuần từ khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể đến khi có phương pháp điều trị.

Viêm họng do liên cầu khuẩn Streptococcus là một bệnh nhiễm trùng ở cổ họng do vi khuẩn gây ra.

Viêm họng do liên cầu khuẩn Streptococcus là một bệnh nhiễm trùng ở cổ họng do vi khuẩn gây ra.

Biểu hiện của viêm họng do liên cầu khuẩn

Biểu hiện viêm họng do liên cầu khuẩn khác nhau ở mỗi người. Một số người gặp các triệu chứng nhẹ như đau họng. Những người khác lại có các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm sốt và khó nuốt.

Các triệu chứng phổ biến của viêm họng do liên cầu khuẩn bao gồm:

Sốt đột ngột, sốt cao từ 38 độ C trở lên;
Ho khan, ho có đờm;
Có hạch nổi ở cổ họng;
Sưng hạch bạch huyết ở cổ;
Đau đầu, ớn lạnh;
Thấy các mảng đỏ và đốm trắng ở cổ họng;
Khó nuốt, đau khi nuốt nước bọt hoặc ăn uống;
Phát ban…

Trên thực tế, nhiều người lầm tưởng rằng viêm họng do liên cầu khuẩn thì triệu chứng đầu tiên là đau rát ở cổ họng. Tuy nhiên, với thể bệnh này mỗi cơ thể sẽ xuất hiện những triệu chứng khác nhau.

Các ghi nhận cho thấy, tùy từng trường hợp sẽ có các biểu hiện như: Vùng cổ họng đau rát, sưng đỏ, vướng khi nuốt nước bọt, ăn uống hoặc cũng có thể có người thường xuyên có cảm giác buồn nôn, mắc ói rất khó chịu.

Một số người có thể kèm theo sốt, đau đầu, nổi ban. Ở trẻ em có thể xuất hiện thêm triệu chứng đau bụng, đau dạ dày…

Vì vậy, nếu bản thân mình hoặc trẻ có dấu hiệu hoặc triệu chứng của viêm họng, cần gặp bác sĩ để điều trị kịp thời. Nếu không chữa trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải những biến chứng như: Nhiễm trùng lan rộng trên cơ thể và gây ra những biến chứng như: Bệnh thấp tim, bệnh Osler, bệnh viêm thận hay bệnh viêm hạch mủ… Vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp và gây bệnh viêm tai, viêm thanh quản, viêm phế quản… thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.

Khi nào đến gặp bác sĩ?

Đau họng mà không có triệu chứng cảm lạnh như chảy nước mũi.
Đau họng kèm theo các tuyến bạch huyết bị sưng (hạch).
Đau họng kéo dài hơn 48 giờ.
Sốt cao hơn 38,5 độ C hoặc sốt kéo dài.
Phát ban, khó thở, khó nuốt bất cứ thứ gì, kể cả nước bọt… thì cần đi khám ngay.

Viêm họng do liên cầu khuẩn hầu hết đều được điều trị bằng thuốc. Ảnh minh họa.

Cần làm gì khi bị viêm họng?

Viêm họng do liên cầu khuẩn hầu hết đều được điều trị bằng thuốc. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc điều trị hữu hiệu sẽ được bác sĩ điều trị chỉ định phù hợp, nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh và ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn gây bệnh. Thuốc kháng sinh sẽ nhanh chóng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng. Bên cạnh đó, người bệnh nên thực hiện lối sống lành mạnh để hỗ trợ quá trình điều trị thật hiệu quả, nhanh chóng, cụ thể.

Người bệnh cần có chế độ ngủ, nghỉ ngơi khoa học, đủ tiêu chuẩn 6 - 8 tiếng/ngày để cơ thể có đủ sức đề kháng chống lại vi khuẩn.

Giữ họng ẩm, không để họng bị khô và ngăn ngừa mất nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước hàng ngày. Ăn các thực phẩm mềm, dễ nuốt, ưu tiên các thực phẩm bổ dưỡng và nhẹ nhàng như cháo, súp, ngũ cốc, các loại sinh tố, nước ép rau củ quả. Đặc biệt các loại thực phẩm đều phải được chế biến kĩ, chín mềm và đảm bảo vệ sinh.

Nên hạn chế các loại thực phẩm cay nóng, có tính axit cao như cam, chanh… sẽ làm tổn thương cổ họng. Hàng ngày nên vệ sinh cổ họng bằng nước muối ấm 2 - 3 lần/ngày.

Với người lớn nên tránh xa các chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá có thể gây đau họng và gia tăng khả năng nhiễm trùng. Trong thời gian điều trị bệnh nên ở nhà, tránh tiếp xúc với nhiều người để hạn chế khả năng lây bệnh sang người khác, ít nhất là trong 2 ngày.

Để ngăn ngừa viêm họng do liên cầu khuẩn một cách hiệu quả, mỗi người cần có ý thức trong việc tự bảo vệ bản thân bằng cách thực hiện rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng nói chung và viêm họng do liên cầu khuẩn nói riêng. Tuyệt đối không sử dụng chung các đồ dùng cá nhân, đặc biệt là trẻ em vì hệ miễn dịch của các bé còn rất yếu.

Mời độc giả xem thêm video:

BS Nguyễn Văn Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ho-sot-dau-rat-co-coi-chung-viem-hong-do-lien-cau-khuan-169230301234234648.htm