Hồ tiêu ở Bình Phước đổ bệnh chết hàng loạt

Từ cuối năm 2017 đến nay, cây trồng chủ lực ở tỉnh Bình Phước là hồ tiêu đột nhiên bị bệnh chết nhanh, chết chậm, khiến nhiều diện tích cây trồng này chết dần và ngày càng lan rộng, tập trung chủ yếu ở huyện biên giới Bù Gia Mập.

Anh Điểu Văn Trung (thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập) đang tỉa những dây tiêu bị bệnh chết.

Dẫn chúng tôi đi thăm rẫy hồ tiêu đang chết khô từng ngày của gia đình, anh Điểu Văn Trung (thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) buồn bã: Cách đây bốn năm gia đình tôi vay ngân hàng 200 triệu đồng để làm rẫy tiêu này, trồng được 1.000 trụ tiêu, mới cho thu bói nhưng đã chết 800 trụ và vẫn đang tiếp tục chết dần. Hiện gia đình tôi vẫn chưa trả hết nợ, còn đang trả lãi ngân hàng. May là tôi và vợ còn có chút đồng lương nhờ tham gia công tác xã hội và khoảng 400 cây cao-su đang cạo mủ nên cũng sống cầm cự qua ngày được.

Thông tin về tình hình bệnh ở cây hồ tiêu trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Phạm Sỹ Hoàn cho biết: Tại một số thôn đã xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm, thán thư, làm cho cây tiêu bị vàng lá, ở một số vườn 100% diện tích cây tiêu bị bệnh và không có khả năng phục hồi. Thống kê sơ bộ cho thấy, toàn xã Bù Gia Mập có hơn 310 ha hồ tiêu, trong đó có hơn 31 ha đã bị nhiễm bệnh.

Tại xã Đác Ơ, nơi có diện tích hồ tiêu lớn nhất huyện Bù Gia Mập, tình trạng tiêu chết càng nặng nề hơn. Đang dọn dẹp những trụ tiêu chết khô, anh Dương Thanh Phương (thôn 2, xã Đác Ơ) than thở: Một ha tiêu (khoảng 1.400 trụ) của gia đình tôi chết sạch rồi! Để gây dựng được vườn tiêu gần 5 tuổi này, gia đình anh Phương đã bỏ ra 300 triệu đồng ban đầu, thêm khoảng 100 triệu đồng nữa để chăm sóc trong 5 năm, chưa tính chi phí mua hoặc thuê đất. Trong đó, vốn vay ngân hàng là 200 triệu đồng. Trong khi chưa thu hoạch được vụ nào thì vườn tiêu của gia đình anh bị bệnh chết nhanh từ năm ngoái; bệnh ngày càng nặng do mùa mưa năm rồi kéo dài, có nhiều cơn mưa lớn, nên bệnh lây lan nhanh và không ngăn chặn được… Với tình hình này, anh Phương dự tính sẽ phá bỏ vườn tiêu, chuyển sang trồng cỏ nuôi dê, trồng bơ…

Bi đát hơn là tình cảnh của hai vợ chồng lão nông Phan Thanh Hà (thôn 1, xã Đác Ơ). Ông Hà rầu rĩ: Gần 2 ha tiêu của hai vợ chồng tôi chỉ mới bắt đầu thu bói, được vài bao hạt nhưng bán chẳng ai mua vì hạt tiêu không lớn nổi, chỉ như hạt non. Nguyên nhân là do vườn tiêu của ông bị bệnh chết nhanh, từng trụ tiêu cứ chết khô dần… Ông kể: Năm 2013, khi thấy giá tiêu nằm ở mức cao, vợ chồng tôi quyết định chặt 1,5 ha cao-su đang bắt đầu cạo mủ, mua thêm ba sào đất lân cận, dùng hai sổ đỏ này thế chấp ngân hàng để vay 300 triệu đồng và vay thêm 500 triệu đồng từ một số người thân để đầu tư vào trồng hồ tiêu… Giờ thì có bán căn nhà cấp bốn xập xệ đang ở vợ chồng ông Hà cũng không đủ trả nợ và cũng không biết ngày nào trả xong nợ nần. Hai vợ chồng ông dự tính trồng lại tiêu và cà-phê nhưng không biết xoay đâu ra vốn để tái đầu tư…

Theo UBND xã Đác Ơ, bước vào niên vụ hồ tiêu 2017-2018 (cuối tháng 12-2017), toàn xã có đến 455 hộ có vườn tiêu bị bệnh (chủ yếu là bệnh chết nhanh) với tổng diện tích nhiễm bệnh gần 300 ha, trong đó có đến hơn 200 ha tiêu đã chết! Không những vậy, từ đầu năm 2018 đến nay, diện tích tiêu bị bệnh và chết vẫn tiếp tục tăng và không dừng lại.

Theo đánh giá của UBND huyện Bù Gia Mập, cây hồ tiêu trên địa bàn bị bệnh chết là do khi giá tiêu tăng cao đột biến trong những năm trước đây, bà con nông dân đã ồ ạt chuyển đổi cây trồng, chuyển sang trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, có nhiều vị trí trồng không phù hợp cho phát triển của cây tiêu. Cùng với đó, do trồng nhiều nên các hộ dân chủ quan, không kiểm tra, kiểm soát tốt giống cây trồng khi mua, có một số loại giống không bảo đảm phát triển lâu dài, chỉ phát triển vào một thời điểm nhất định. Bên cạnh đó, nhiều người trồng tiêu cũng chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, không phù hợp với sự phát triển, sinh trưởng của cây tiêu, sử dụng một số loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp với phát triển của cây tiêu.

Không những vậy, trong năm 2017, do trời mưa quá nhiều, nước không thoát kịp, làm rễ tiêu bị ngập úng dẫn đến thối rễ khi chuyển mùa mưa qua mùa nắng dẫn đến vàng lá và chết dần. Mưa nhiều cũng dẫn đến độ ẩm cao, làm bùng phát các dịch bệnh hại đến rễ và thân cây, làm cho cây tiêu vàng lá và chết. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay giá tiêu giảm mạnh (hiện còn khoảng 50 nghìn đồng/kg) nên các hộ dân cũng lơ là, không chú trọng đầu tư chăm sóc cho cây tiêu khi phát hiện tiêu bị bệnh chết nhanh...

UBND huyện Bù Gia Mập đã đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và các hộ nghèo có thu nhập chính từ cây tiêu do tiêu bị chết. Trong đó có nhiều hộ gia đình mới trồng tiêu, phải vay vốn ngân hàng để đầu tư, chưa thu hoạch được vụ nào thì dây tiêu đã chết rụi, chủ vườn đối mặt nguy cơ chồng chất nợ nần và phá sản, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số… Đặc biệt là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, vốn còn hạn chế về nhận thức, trình độ học vấn, kiến thức, kỹ năng lao động… Nếu thiếu sự quan tâm và chính sách hỗ trợ phù hợp kịp thời, nguy cơ tái nghèo cao sẽ xảy ra ở những đối tượng này.

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/36331402-ho-tieu-o-binh-phuoc-do-benh-chet-hang-loat.html